Chuyển đổi số và câu chuyện 'đến với người nghèo'

Giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ tài chính bằng công nghệ là câu chuyện đáng lưu ý trong xu thế toàn cầu hóa và những biến chuyển của nền kinh tế nước nhà.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp với chuyên gia Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình.

Người dân thực hiện các giao dịch tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Khánh Hòa. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Người dân thực hiện các giao dịch tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Khánh Hòa. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội và tổ chức Oxfam đã ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính).

App giáo dục tài chính của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được đẩy lên kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và CHPlay với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính”. Với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng, phần mềm phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Chị Nguyễn Thị Thư, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Đoàn Thanh niên thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động rất hiệu quả. Ứng dụng này không chỉ thân thiện, dễ sử dụng mà còn chứa những thông tin rất hữu ích. Không những thế, thông tin được đăng tải công khai, minh bạch và được cập nhật thường xuyên. Nó như một cẩm nang không chỉ cho cán bộ ngân hàng mà còn rất bổ ích cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

"Giờ đây, chỉ cần có internet là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn như tôi có thể tra cứu về đối tượng, quy trình từng chương trình cho vay. Thậm chí khi không nhớ hết về chương trình mình đang cho vay, về thủ tục, hồ sơ, số tiền chúng tôi không cần gọi điện hỏi cán bộ tín dụng mà trực tiếp vào ứng dụng để kiểm tra", chị Thư vui vẻ nói.

Chị Thư cũng chia sẻ thêm: "Ứng dụng nhỏ mà cho chúng tôi những kiến thức bổ ích về quản lý tài chính cá nhân. Trước đây, nhà tôi thu nhập được bao nhiêu chi tiêu bấy nhiêu chứ không tính được hàng tháng thu, chi, tiết kiệm từng nào. Từ khi có ứng dụng này, tôi cũng như nhiều chị em khác trong thôn đã biết cách tính toán, thu chi hàng ngày; biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ. Qua đó, tạo điều kiện cho chúng tôi quen dần với kinh tế thị trường, từng bước tạo lập nguồn vốn để vươn lên làm giàu".

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín, Hà Nội cũng cho rằng, đây là ứng dụng dễ cài đặt, dễ sử dụng, nội dụng truyền tải hữu ích. Với phông chữ to, rõ ràng, câu từ dễ hiểu, ứng dụng rất phù hợp với người cao tuổi, mắt kém. Qua ứng dụng này, người dùng có thể tìm hiểu tất cả thông tin về các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội như quy trình, thủ tục cho vay, lãi suất... Đặc biệt, ứng dụng này cung cấp cho chị em phụ nữ kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp chị em biết cách tính toán các khoản vay, tiền gửi tiết kiệm cũng như thói quen tiết kiệm hàng ngày.

Chị Chinh cũng chia sẻ, ứng dụng còn có các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công, giúp các hội viên áp dụng để nâng cao sản xuất, góp phần sử dụng vốn vay đúng mục đích, tăng thu nhập, thanh toán nợ đúng kỳ hạn.

"Từ những ưu điểm của ứng dụng, tôi mong muốn đông đảo người dân được biết đến và sử dụng ứng dụng này để dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, sử dụng các công cụ tính toán để quản lý tài chính, từng bước vươn lên thoát nghèo", chị Chinh nói.

Bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết, thiếu kiến thức, kỹ năng để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính, đặc biệt là thông qua internet, là một trong những rào cản đối với người nghèo để cải thiện sinh kế của mình trong nền kinh tế đang ngày càng dựa vào dịch vụ tài chính và số hóa. Cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo thông qua điện thoại di động là một giải pháp sáng tạo, sẽ thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức cơ bản về tài chính đến số đông người nghèo ở khắp các vùng ở Việt Nam, đồng thời nâng cao kỹ năng nhận và xử lý thông tin tài chính qua điện thoại di động cho người nghèo.

Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động là giải pháp nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình. Đồng thời, giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thông qua giải pháp này, không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách Xã hội, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Trong chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội đến năm 2020, một trong những mục tiêu phát triển là đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động Ngân hàng Chính sách Xã hội, góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng nói riêng và tại Việt Nam nói chung như: mở rộng tiếp cận khách hàng; tăng cường giáo dục tài chính cho đối tác và khách hàng. Các sản phẩm của Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng đến sự thuận tiện; tăng cường bảo đảm quyền lợi khách hàng và ứng dụng tài chính kỹ thuật số trong hoạt động.

Đỗ Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-va-cau-chuyen-den-voi-nguoi-ngheo-20201219072545868.htm