Chuyển đổi số trên nền sẵn có

Nhằm ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp địa phương, người dân, doanh nghiệp (DN) vươn lên phát triển KT-XH, UBND tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Dựa trên những nền tảng sẵn có, tỉnh Bắc Giang xác định chiến lược CĐS trước mắt tập trung vào ba trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ hạ tầng đã có

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Quốc Phương

Ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Quốc Phương

Được biết trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TƯ ngày 4/5/2019 về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn giai đoạn 2019-2025 trên ba trụ cột chính là phát triển kết cấu hạ tầng CNTT, xây dựng các hệ thống phần mềm CNTT đồng bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

UBND tỉnh cũng phê duyệt quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020 và định hướng 2030; kiến trúc chính quyền điện tử và nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động thúc đẩy CĐS và đang tham mưu xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Với sự chỉ đạo vào cuộc chủ động, tích cực, nhạy bén, đến nay, Bắc Giang đã chuẩn bị được nhiều nền tảng cơ bản để phát triển CĐS, đặc biệt là chính quyền số. Trong đó, hạ tầng và nền tảng số phục vụ CĐS cũng được thực hiện khá hiệu quả. Cụ thể, tỉnh có trạm thu phát sóng phát triển mạnh với 1.422 trạm, phủ sóng 3G, 4G đến 100% xã, phường.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, phục vụ tốt việc cung cấp, khai thác dữ liệu của các cấp, ngành và tích hợp với dữ liệu quốc gia. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc được triển khai đến 100% cơ quan liên thông 4 cấp; xử lý văn bản không giấy tờ (chữ ký số); tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin dịch vụ công tỉnh là 1.077 hồ sơ.

Mục tiêu CĐS của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang có quy mô nền kinh tế trong tốp 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước và trong tốp 15 cả nước về CĐS”.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Dựa trên nền tảng có sẵn, các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN cũng có kế hoạch CĐS riêng, phù hợp. Ví như tại Hiệp Hòa, với “tài nguyên” có sẵn về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, dữ liệu… huyện bắt tay ngay vào CĐS, trong đó trước tiên là chính quyền số. Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo bước đột phá, mang lại giá trị cho người dân, DN và KT-XH địa phương.

Vì vậy, hằng năm huyện bố trí từ 3-4 tỷ đồng cho nhiệm vụ này. Riêng năm 2020, Hiệp Hòa đầu tư 3,6 tỷ đồng xây dựng trụ sở bộ phận một cửa huyện; đầu tư trang thiết bị, đường truyền Internet phục vụ cho hoạt động tại bộ phận một cửa và các ngành giáo dục, y tế cũng như người dân và DN sử dụng một cách hiệu quả nhất”.

Nhờ vậy, đến quý I năm 2021, bộ phận một cửa cấp huyện, xã tiếp nhận gần 4,1 nghìn hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đạt 85%, trong đó trước hạn là 25%, không có hồ sơ chậm, muộn; tỷ lệ văn bản chuyển đi trong các cơ quan, đơn vị có chữ ký số chiếm hơn 80%.

Tuy nhiên, do là huyện nông nghiệp và từng bước tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị nên vẫn còn khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng CNTT; một bộ phận cán bộ khối Đảng, đoàn thể chưa đi đầu trong thực hiện, nhất là sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc trên môi trường mạng nên chưa theo kịp tiến độ chung của tỉnh đặt ra. Đây là vấn đề huyện tập trung khắc phục.

Đến đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, dù đạt kết quả bước đầu nhưng việc triển khai hạ tầng số tại tỉnh vẫn còn vướng mắc. Đó là, hạ tầng CNTT phục vụ CĐS thiếu đồng bộ; hệ thống thiết bị CNTT, phần cứng cấu hình thấp, hệ thống bảo đảm an ninh thông tin và Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) còn hạn chế.

Vận hành lưới điện tại Trung tâm Điều khiển xa của Công ty Điện lực Bắc Giang. Ảnh: Quốc Phương

Mạng truyền số liệu chuyên dùng (WAN) kết nối các cơ quan nhà nước tốc độ chậm. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh quy mô nhỏ, nguy cơ mất an toàn. Tỉnh chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, nguồn nhân lực CNTT có chất lượng trong cơ quan không đồng đều…

Với bất cập nêu trên, ông Phong thông tin, nghị quyết chuyên đề về CĐS được ban hành tới đây sẽ tháo gỡ, khắc phục dần. Sở TT&TT sẽ triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để thực hiện CĐS, trong đó kiến nghị lãnh đạo các cấp, ngành quan tâm xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, bảo đảm cung cấp 100% dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, DN trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Ứng dụng hiệu quả, triệt để các chức năng của hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Tích cực sử dụng chữ ký số cá nhân, thay đổi quy trình làm việc ISO điện tử, phấn đấu 100% hồ sơ công việc được lập và giải quyết trên phần mềm, thực hiện công sở không giấy tờ. Xây dựng kế hoạch chuẩn hóa, số hóa dữ liệu của cơ quan, đơn vị, thực hiện ứng dụng tốt các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách CNTT các cấp, ngành để nâng cao trình độ, từ đó tham mưu đúng, trúng, có hiệu quả nhiệm vụ CĐS cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình. Sở đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kiến trúc tham chiếu ICT đô thị thông minh; nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng 5G, trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu của tỉnh ở các lĩnh vực ưu tiên nhằm triển khai dịch vụ công mức độ 4…

Qua đó phấn đấu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào tháng 6 này để thực hiện chính quyền số hiệu quả. Đây là cơ sở để từng bước xây dựng, hoàn thiện kinh tế số và xã hội số.

Gợi mở về phát triển CĐS, trong buổi làm việc với tỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quá trình CĐS còn lâu dài nên vấn đề công nghệ, dữ liệu mở và mở dữ liệu có yếu tố quyết định.

“Bộ sẵn sàng giúp Bắc Giang trong việc lựa chọn nền tảng số, ứng dụng hiệu quả, chi phí hợp lý, đơn vị cung cấp uy tín. Tỉnh không cần quá lo lắng mà chỉ nên chú ý sử dụng các nền tảng công nghệ số thay vì các phần mềm CNTT như trước đây. Bộ sẽ có trách nhiệm giúp đỡ để Bắc Giang sẽ là tỉnh đi đầu trong toàn quốc về CĐS”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Quốc Phương - Hoàng Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/358615/chuyen-doi-so-tren-nen-san-co.html