Chuyển đổi số sẽ 'giải quyết nỗi đau' và 'sự mù mờ' của ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, cần xác định chuyển đổi số là 'giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp và người nông dân', từ đó xây dựng thương hiệu để xóa đi 'sự mù mờ' của ngành nông nghiệp.

Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng, ngày 19/8. Ảnh: Phương Thảo.

Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng, ngày 19/8. Ảnh: Phương Thảo.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, chiều 19/8, Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng. 19/8 cũng được chọn là ngày chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT.

“Thương hiệu là cái hiệu được người ta thương”

Chia sẻ tại Lễ phát động, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp là thay đổi một thói quen và nhận thức chưa thống nhất. Nhận thức và thói quen chính là động lực để thực hiện chuyển đổi số và có thể tiếp cận đúng vấn đề.

Kể lại câu chuyện về tâm thư của một người nông dân ở Lâm Đồng, ông nhấn mạnh vấn đề người nông dân này nhắc đến trong chuyển đổi số là “hành vi lãnh đạo”. Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có nhận thức và sự thay đổi ngay từ người lãnh đạo để lan tỏa ra cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác tác động đến tính hiệu quả, Bộ trưởng Hoan phân tích, chuyển đổi số là phương tiện để tìm ra giá trị của sự thay đổi. "Trước giờ, chúng ta thường tư duy phải làm thế này, thế kia nhưng giờ thử tư duy ngược nếu chúng ta không làm thì điều gì xảy ra. Từ đó sẽ dễ dàng tìm ra động lực và thấy được sự cần thiết”, Bộ trưởng chỉ ra.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Đoàn tàu chuyển đổi số nông nghiệp khởi động mãi rồi vẫn loay hoay ở sân ga, nhưng giờ chúng ta đã leo lên tàu rồi. Vấn đề là câu chuyện sau đó sẽ như thế nào. Phải xác định chuyển đổi số là giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp, nỗi đau của người nông dân”.

Đặt vấn đề xây dựng thương hiệu nhằm xóa đi một ngành nông nghiệp mù mờ về người mua người bán, chất lượng, xuất xứ, bằng công nghệ số, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví thương hiệu là "cái hiệu mà người ta thương". Mà muốn thương thì phải biết rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng, đặc điểm nhận diện, uy tín và minh bạch.

“Tôi nói với người nông dân bán một trái thanh long sẽ không được bao nhiêu, nhưng bán chính cái người bán, thương hiệu của người bán trên trái thanh long. Đó chính là ‘tôi đi bán tôi’ thì sẽ là câu chuyện rất khác”, tư lệnh ngành nông nghiệp phân tích.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, khi nông sản của nước khác đã nằm trên những kệ hàng sang trọng thì rất khó để nông sản Việt có thể leo lên đó cạnh tranh. Không thể chậm trễ hơn được nữa. Tuy Việt Nam vì tiềm lực mà quá trình chuyển đổi số chậm hơn những chúng ta sẽ có những lợi thế của người đi sau, khi học hỏi kinh nghiệm của những nước đi trước.

Bước tiến quan trọng để số hóa quản lý nông nghiệp

Đối với ngành trồng trọt, những số liệu cho thấy trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 2,7%, trong khi tỷ trọng trồng trọt chiếm 44,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản năm 2021 đạt trên 21 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.

Hiện nay ở nhiều địa phương đã cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản như: Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La…

Tuy nhiên, từ khách quan nhìn nhận quy mô số hóa nói trên vẫn còn manh mún và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt sẽ góp phần tăng năng suất chất lượng và giá trị gia tăng. Trong khi trồng trọt lại là ngành chủ lực đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Việc xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng là một dấu ấn, bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, từng bước đổi mới quản lý lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”.

Theo Thứ trưởng Tiến, việc hoàn thành và đưa Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng vào khai thác tiếp ngay sau Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành NN&PTNT trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.

“Đây là bước thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng ‘nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh’ trong thời gian tới. Nhất là khi Đảng, Nhà nước xác định: Nông nghiệp là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế, là nền tảng, lợi thế quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

VNPT dành nguồn lực đẩy mạnh chuyển đối số nông nghiệp một cách thực chất

Là đơn vị đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong chuyển đổi số, ông Tô Dũng Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT nhấn mạnh, như yêu cầu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về đẩy nhanh số hóa ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, hiện nay vẫn còn rất nhiều việc mà VNPT phải làm trong thời gian tới.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT

“Làm cho dân mình, làm cho nước mình là niềm tự hào của VNPT. Dân số sống bằng nông nghiệp của Việt Nam vẫn ở ngưỡng 70% nên làm được gì đó cho nông nghiệp là trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước chúng tôi”.

Cũng theo ông Thái, VNPT rất mong muốn được dành nguồn lực để cùng Bộ NN&PTNT thực hiện chuyển đổi số một cách thực chất, làm cho nông sản có giá trị hơn mang lại nguồn lực cho đất nước. “VNPT sẽ tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng đủ an toàn để cùng nhau đẩy ngành nông nghiệp đi đúng hướng và tiến nhanh”, đại diện VNPT chia sẻ.

Năm 2022, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

Với mục tiêu triển triển khai chuyển đổi số nông nghiệp nhanh, đồng bộ và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Trong đó, 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-doi-so-se-giai-quyet-noi-dau-va-su-mu-mo-cua-nganh-nong-nghiep-post10204.html