Chuyển đổi số ngành tư pháp: Xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Chuyển đổi số ngành tư pháp là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành tư pháp. Chuyển đổi số phải xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm trên cơ sở một tầm nhìn tổng thể và lộ trình, bước đi, ưu tiên cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn trong điều kiện thực tế ngành tư pháp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong ngành tư pháp; hướng dẫn, hỗ trợ cơ quan tư pháp địa phương triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chuyển đổi số ngành tư pháp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành tư pháp.

Đồng thời, xác định thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; thể chế cần đi trước một bước. Kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm quy trình nghiệp vụ mới dựa trên dữ liệu số, công dân số hạ tầng số một cách có kiểm soát; đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số ngành tư pháp.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm trên cơ sở một tầm nhìn tổng thể và lộ trình, bước đi, ưu tiên cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn trong điều kiện thực tế ngành tư pháp. Thay đổi nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển đổi số.

An toàn thông tin số là yếu tố xuyên suốt trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các tài nguyên công nghệ thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những quan hệ mới phát sinh

Để đạt được mục tiêu trên, ngành tư pháp sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức bằng các hình thức phù hợp và thường xuyên để phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm, giải pháp, mô hình số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những quan hệ mới phát sinh.

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hoặc thuê hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số của Bộ Tư pháp. Duy trì và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh thông tin phục vụ chuyển đổi số ngành tư pháp…

Định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp hoàn thiện việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số sau năm 2025; phối hợp với cơ quan tư pháp địa phương để chuyển đổi số một số lĩnh vực trong công tác hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực; lựa chọn một số đối tượng cụ thể trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực của ngành tư pháp.

Minh Đức

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-nganh-tu-phap-xac-dinh-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-trung-tam/434660.vgp