Chuyển đổi số là động lực để giải quyết 'điểm nghẽn' trong phát triển

Đó là nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại Hội thảo Chuyên gia về đề án Chuyển đổi số TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được tổ chức chiều 22/3.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia đối với dự thảo Đề án Chuyển đổi số tại TP. Đà Nẵng

Những bước đệm vững chắc cho hành trình chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là chìa khóa cho việc triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng như tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đà Nẵng phải triển khai Chuyển đổi số để góp phần Chuyển đổi số quốc gia thành công".

Theo UBND TP. Đà Nẵng, từ những năm 2000, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các nghị quyết về chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định CNTT cùng với công nghệ cao là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Chương trình số 35-CTr/TU ngày 16/12/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xác định mục tiêu đến năm 2025 là: Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội…

Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (Mạng MAN) với tổng chiều dài 350 km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị. Hệ thống wifi công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp (không kể các wifi tại nhà hàng, cafe) phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng…

Thành phố đã chủ động xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) nền và chuyên ngành phục vụ triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các CSDL nền đạt 100% như CSDL công dân, CSDL doanh nghiệp, CSDL cán bộ công chức viên chức; CSDL thủ tục hành chính…

Đà Nẵng đang nỗ lực nâng mức dịch vụ công trực tuyến mức 4 lên 100%. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tập trung vào Chính quyền số và Kinh tế số

Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đề án cần tập trung đầu tư vào 2 nội dung là Chính quyền số và Kinh tế số. Từ đó, trọng tâm của nội dung sẽ tập trung vào vấn đề chuyển đổi số dịch vụ công và doanh nghiệp. “Trong đề án nên có một mục dành riêng cho chuyển đổi số doanh nghiệp. Nếu tất cả doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì kinh tế số sẽ đạt được mục tiêu và như chúng ta mong muốn”, nguyên Bộ trưởng nhấn mạnh.

Còn GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chuyển đổi số sẽ cần một nguồn lực tài chính rất lớn, vậy nên TP. Đà Nẵng cần tham khảo các nền tảng của Trung ương áp dụng chung cho nhiều địa phương trước khi xây dựng cho riêng thành phố nhằm tiết kiệm nguồn lực. Đối với các lĩnh vực đặc thù của địa phương như du lịch thì có thể xây dựng nền tảng riêng.

Bên cạnh đó, thành phố cần tập hợp một đội ngũ doanh nghiệp chủ lực sử dụng tốt nhất các nền tảng do Nhà nước xây dựng, từ đó có thể hỗ trợ giúp sức các doanh nghiệp khác. “Ngoài ra, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần đặc biệt chú ý, trong đề án cần có một mục dành riêng cho đào tạo nhân lực để được quan tâm đầy đủ. Ngay từ bây giờ, các cơ sở giáo dục cũng cần bắt tay ngay vào việc xây dựng các đề án nội dung giảng dạy đào tạo số”, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng Đà Nẵng là địa phương tiềm năng nhất trong việc thực hiện chuyển đổi số với các điều kiện: Khả năng sẵn sàng cao vì đã triển khai quá trình ứng dụng CNTT trong một thời gian dài; dân số lý tưởng với chỉ hơn 1 triệu người cùng bộ máy lãnh đạo tâm huyết, năng động, có đầy đủ năng lực.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị thành phố trong dài hạn cần sớm hoàn thành 3 mục tiêu, đó là nâng mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ 50% lên mức 100%; tiên phong trên cả nước về việc yêu cầu doanh nghiệp, người dân cung cấp dữ liệu một lần duy nhất khi thực hiện dịch vụ công; chủ động cung cấp thông tin cho người dân về dịch vụ công.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, UBND thành phố đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số TP. Đà Nẵng, quyết định chọn ngày 28/8 là “Ngày chuyển đổi số TP. Đà Nẵng" và tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chuyển đổi số tại TP. Đà Nẵng giữa Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin Truyền thông).

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-doi-so-la-dong-luc-de-giai-quyet-diem-nghen-trong-phat-trien/426521.vgp