Chuyển đổi số - Hướng tất yếu cho xuất khẩu thời COVID-19

Xúc tiến thương mại trực tuyến trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đó, đây cũng là thời điểm được các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) nhìn nhận ra tính ưu việt của kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số để tạo một bước ngoặt mới cho việc xuất khẩu hàng hóa được thông suốt. Bởi, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực khả thi nhất để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, công việc xúc tiến thương mại quốc tế không phải là một hoạt động mới, chủ yếu, các hoạt động này được tổ chức “offline” bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp này có tỷ lệ chốt đơn hàng tương đối cao so với các hoạt động xúc tiến gián tiếp hoặc trực tuyến dù hoạt động này có chi phí khá cao với các yêu cầu về logistics.

Tuy nhiên, khi COVID-19 xảy ra, các đơn vị mới dần nghĩ tới việc dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Khi so sánh giữa hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, hình thức trực tuyến có thể được tổ chức liên tục với chi phí ngắn và có thể thực hiện trên đa dạng các nền tảng. Hình thức này loại bỏ ba hạn chế chính của hình thức trực tiếp gặp phải là về địa lý, về khả năng và số lượng tiếp cận, và cuối cùng là chi phí.

Mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong thời gian qua.

Mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi thì chuyển đổi số mở ra khả năng tiếp cận một thị trường lớn là EU, nơi có hệ thống công nghệ thông tin phát triển; cung cấp cho các DN Việt Nam một công cụ để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây. Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường XK trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều DN Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ XNK theo cả mô hình DN tới DN (B2B) cũng như DN tới người tiêu dùng (B2C).

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling cho rằng, trên nền tảng của Amazon từng có DN siêu nhỏ khởi nghiệp chỉ với 2 thành viên nay đã lớn mạnh, xuất khẩu hàng hóa tới 30 quốc gia và mở 4-5 nhà máy. Tuy nhiên, thương mại điện tử không phải là “cây đũa thần”. Nó đòi hỏi DN phải có sự đầu tư chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên trách… mới có thể thành công.

Hiện nay, tỷ trọng thương mại điện tử đang tăng mạnh, dự báo năm 2020 chiếm khoảng 41% trong hoạt động thương mại chung. Thực tế, ngày càng có nhiều DN Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon để kết nối với các nhà phân phối và người tiêu dùng khắp thế giới. Vì thế, hàng Việt được khách hàng toàn cầu biết đến và tin dùng hơn.

Bà Trần Thị Hoài Tú, Giám đốc xuất khẩu Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn khẳng định, nền tảng số đã giúp doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh, ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín và xuất khẩu hàng hóa. Nhờ kết nối với nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu là Alibaba và đầu tư mạnh để ứng dụng nền tảng số với chiến lược chi tiết, bài bản, có lộ trình nhất quán, DN này đã mở rộng thị trường xuất khẩu, với lượng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất trong năm 2020.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Đối ngoại và marketing, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cũng cho rằng, kinh tế số đã mở ra nhiều cơ hội cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Tận dụng nguồn tài nguyên thông tin, tính kết nối với các đối tác tại các thị trường khác nhau đã giúp DN chào hàng, ký kết đơn hàng được thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện mỗi tuần, Hapro xuất khẩu 15 container hàng hóa đến 80 thị trường trên thế giới.

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, và “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”. Các chương trình, kế hoạch này đều xác định chuyển đổi số là quá trình tất yếu nhằm hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong giai đoạn “bão” COVID-19, thói quen tiêu dùng trực tuyến “lên ngôi”, thương mại điện tử trở thành xu thế nổi bật. Vì vậy, việc nhanh chóng thích ứng với xu thế này là yêu cầu cấp bách của các DN. Tuy nhiên, chuyển đổi theo công nghệ nào, bằng phương thức gì để có được thành công phụ thuộc phần lớn vào mỗi DN.

Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số...

Đặc biệt, rất cần Nhà nước và DN cùng đồng hành. Ở góc độ DN, các DN cũng cần phải chủ động đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm…

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-huong-tat-yeu-cho-xuat-khau-thoi-covid-19-606783/