Chuyển đổi số hậu COVID-19: Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

Tất cả các khảo sát đều cho thấy người dân và doanh nghiệp đánh giá việc chuyển đổi số sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn là rủi ro.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

“Chuyển đổi số”, cùng với “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, là những từ khóa được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, khi các thành tựu của khoa học công nghệ đang hiện diện trong mọi mặt của đời sống.
Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp lại càng gia tăng hoạt động trên môi trường online.
Nhưng thực tế chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay ra sao? Khó khăn nào còn "cầm chân" các doanh nghiệp và đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng?
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xoay quanh những vấn đề trên.
Phóng viên: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 được coi là một cú huých thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập môi trường online, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam. Liệu đây có phải là một hiệu ứng tạm thời hay sẽ là một xu hướng lâu dài, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Có thể khẳng định qua cú huých của dịch COVID-19, doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ lợi ích của việc tham gia kinh doanh trực tuyến. Dù trước đây doanh nghiệp đã nghĩ đến điều này, nhưng phải đến khi COVID-19 xuất hiện, họ mới thực sự bắt tay vào làm.
Theo tôi đây là một kinh nghiệm đáng kể với tất cả các doanh nghiệp và chắc chắn sẽ là một xu hướng lâu dài.
Phóng viên: Tại Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành và tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có những lộ trình, kế hoạch cụ thể cho việc chuyển đổi số. Nhưng còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp hay các hộ kinh doanh, tiểu thương thì sao, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Theo khảo sát của chúng tôi năm 2018, có đến 90% doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Điều này cho thấy còn rất nhiều thử thách cần phải vượt qua.
Ngay cả các doanh nghiệp lớn đã có lộ trình, kế hoạch cụ thể thì việc chuyển đổi vẫn diễn ra chậm hơn so với chúng ta mong muốn. Còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số cũng là cả một thử thách lớn về nguồn lực, cả trong đầu tư về hạ tầng lẫn con người.
Qua hỗ trợ các doanh nghiệp nhất là vừa và nhỏ ở cả thành phố và các tỉnh, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp cùng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ còn rất nhiều việc phải làm để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn và bắt kịp với làn sóng của thế giới.
Phóng viên: Thưa ông, thống kê cuối năm 2019 cho thấy tỷ lệ người dùng internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%. Đây có phải môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam?
Ông Đặng Hoàng Hải: Đây được đánh giá là một trong những lợi thế giúp Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Đặc điểm nổi bật của chúng ta là dân số trẻ, thích ứng nhanh với làn sóng số và yêu thích công nghệ, cùng với độ phủ internet lớn, hạ tầng về internet so với thế giới là khá tốt.
Tất cả các khảo sát đều cho thấy người dân và doanh nghiệp đánh giá việc chuyển đổi số sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Tất cả những điều đó là tín hiệu tích cực đem lại sự thành công cho Việt Nam trong việc chuyển đổi số.
Phóng viên: Tiềm năng là rất lớn, doanh nghiệp cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng điều gì còn đang "cầm chân" doanh nghiệp Việt trong quá trình này, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Đây là điều chúng tôi rất trăn trở và đang tiếp tục tìm hiểu để hỗ trợ doanh nghiệp.
Một trong những điều nhìn thấy rõ nhất là doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số thường nghĩ đến kinh doanh trực tuyến. Điều này không sai bởi kinh doanh trực tuyến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp.
Nhưng điều quan trọng hơn nhiều mà doanh nghiệp cần chú trọng là quản trị doanh nghiệp. Phần chuyển đổi số nên bắt đầu từ quản trị doanh nghiệp. Đó là số hóa toàn bộ quá trình quản trị từ số liệu đến cách thức điều hành, chỉ đạo, tiếp nhận sản phẩm, quản lý toàn bộ sản phẩm trong doanh nghiệp...
Ví dụ về một đơn vị cung cấp nhu yếu phẩm khá lớn trên thị trường trong dịch COVID-19 vừa qua khi họ chuyển sang kinh doanh trực tuyến mới nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề, như các sản phẩm nhập vào chưa được số hóa nên không để đưa lên trực tuyến. Và điều đó cũng khiến đơn vị này không quản lý được tình trạng của sản phẩm, số lượng sản phẩm còn hay hết ra sao.
Từ ví dụ nhỏ này có thể khẳng định, việc chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp quan trọng đến thế nào và nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.
Phóng viên: Việc kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, người kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, nhất là các startup công nghệ hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Trước đây, doanh nghiệp nào cũng muốn có một website riêng để đưa sản phẩm lên bán. Nhưng để đầu tư hạ tầng, đầu tư con người và quản trị một website hoạt động liên tục và hiệu quả cũng là một thử thách, đòi hỏi tốn nhiều chi phí. Do đó, chúng tôi hiện nay cổ vũ các doanh nghiệp thuê website từ những nhà quản trị chuyên nghiệp. Việc thuê này sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh dễ dàng hơn, cũng như giảm bớt những khó khăn và chi phí khi xây dựng website riêng lẻ.
Một giải pháp khác khá hiệu quả và chúng tôi cũng đang hỗ trợ một số doanh nghiệp thực hiện, đó là kinh doanh theo sản phẩm. Chẳng hạn doanh nghiệp có hệ thống chỉ ra với cùng một loại sản phẩm thì có những địa điểm nào bán, giá cả, chất lượng, đánh giá của người dùng... Đây là cách liên kết được các doanh nghiệp với nhau nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng bán hàng.
Ví dụ khi khách hàng muốn mua pizza, hệ thống sẽ cho phép xem được trong vòng bán kính 5 km có bao nhiêu điểm bán pizza kèm với giá cả, đánh giá chất lượng cũng như chi tiết từng loại pizza...
Giải pháp này rất tốt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ bởi họ sẽ chỉ phải mất tiền thuê để có mặt trên hệ thống chứ không cần phải đầu tư riêng một website.
Phóng viên: Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã có những giải pháp nào thúc đẩy doanh nghiệp Việt vận động nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số?
Ông Đặng Hoàng Hải: Việc thực hiện đồng thời cả hai giải pháp: một là, sửa đổi chính sách, thậm chí ra chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hai là, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ những lợi ích của quá trình chuyển đổi này.
Cụ thể, Bộ Công Thương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhiều hơn. Hiện nay, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lập dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Trong đó, điều chỉnh phần lớn các vấn đề trong kinh doanh thương mại điện tử cho sát với thực tế, giúp doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử thuận lợi hơn.
Song song đó, Bộ Công Thương có những đề án và giải pháp thực sự là những cú huých đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi như kết nối các sản phẩm của các doanh nghiệp, xây dựng gian hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử lớn và kết nối với các sàn thương mại điện tử trên thế giới để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sân chơi lớn hơn, các sản phẩm Việt có cơ hội được bày bán xuyên biên giới.
Phóng viên: Còn về hành lang pháp lý giúp bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước những hình thức giao dịch mới phát sinh trên môi trường số thì sao, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Hiện nay việc bảo vệ các doanh nghiệp là một trong những mối quan tâm của chúng tôi. Gần đây, một hệ thống xử lý các khiếu nại của khách hàng đã được khai trương. Hệ thống này được kết nối với tất cả các bên liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công an, lực lượng quản lý tại các địa phương...
Đây là một điểm mới hoàn toàn, tức là mọi thông tin phản ánh của khách hàng sẽ ngay lập tức đến được các cơ quan chức năng. Từ đó, các khiếu nại, phản ánh được giải quyết nhanh và kịp thời hơn. Đây cũng là một biện pháp giúp bảo vệ sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Phương/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-hau-covid-19-doanh-nghiep-nen-bat-dau-tu-dau/158695.html