Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu (Kỳ 1)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngay trong năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số (CÐS) quốc gia nhằm bắt kịp với làn sóng 'số hóa' đang nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội là một trong những đơn vị đi đầu nghiên cứu và phát triển kinh tế số. Ảnh: TRẦN HẢI

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội là một trong những đơn vị đi đầu nghiên cứu và phát triển kinh tế số. Ảnh: TRẦN HẢI

Với kỳ vọng tạo đột phá trong mở rộng quy mô, tăng năng suất, thúc đẩy kinh tế nhờ những bước tiến nhảy vọt của công nghệ và sáng tạo, CÐS dự báo sẽ làm thay đổi hầu hết các hình thức sản xuất, thương mại truyền thống cũng như khả năng định hình lại bức tranh kinh tế thế giới. Cũng vì thế, CÐS trở thành xu hướng phát triển chủ đạo của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần nhanh chóng hành động để nắm bắt cơ hội từ CÐS.

Bài 1: Tiềm năng và thách thức của nền kinh tế số

Thông qua quá trình CÐS, một nền kinh tế mới được định danh là "kinh tế số" (KTS) đang dần hình thành và tiến bước nhanh. Ở tại Việt Nam, KTS đang phát triển nhanh, mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự bùng nổ của KTS đặt Việt Nam trước không ít thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp hỗ trợ đồng bộ cũng như nỗ lực từ nhiều phía mới có thể thúc đẩy nền kinh tế này phát triển bền vững, giảm được những rủi ro không đáng có.

Kinh tế số phát triển nhanh

Tìm mua máy giặt mới thay thế chiếc máy cũ đã sử dụng gần 10 năm, thay vì phải ra các trung tâm điện máy, anh Xuân Trường (trú tại phố Thái Thịnh, Hà Nội) chỉ ngồi tại nhà và lướt tìm trên các trang mạng. Sau khi đọc và tham khảo ý kiến tại một số trang tư vấn, so sánh giá cả của nhiều cửa hàng, anh quyết định đặt mua chiếc máy giặt ở một trung tâm điện máy uy tín. Chỉ vài giờ sau cú nhấp chuột đặt mua, chiếc máy giặt mới đã được chuyển đến tận nơi, đi cùng là đội ngũ nhân viên kỹ thuật giúp anh Trường lắp đặt. "Mua hàng trên mạng thật thuận tiện, còn tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Ðôi khi, giá còn rẻ hơn mua trực tiếp tại cửa hàng", anh Trường chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, không ít người Việt Nam sống ở các thành phố lớn đã dần hình thành thói quen mua hàng trên mạng. Thương mại điện tử bùng phát cộng thêm sự xuất hiện của hàng loạt mô hình kinh doanh mới trên môi trường mạng như kinh tế nền tảng (booking.com, agoda) hay kinh tế chia sẻ (Grab, Airbnb),... đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người dân một cách nhanh chóng. Với giới trẻ hiện nay, khi có nhu cầu đi lại là họ nghĩ ngay đến Grab, GoViet, Bee (các ứng dụng gọi xe trực tuyến); khi có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng là họ sử dụng Airbnb, booking.com hoặc rất nhiều nền tảng ứng dụng đặt phòng, tìm khách sạn trực tuyến khác,... Một nền kinh tế mới, dựa chủ yếu trên công nghệ tính toán số và thông qua môi trường mạng in-tơ-nét đang hiện hữu và phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Các chuyên gia định danh nền kinh tế này bằng thuật ngữ nền KTS.

Nói đến cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và CÐS, không thể không bàn đến KTS. Vì CMCN 4.0 và CÐS được kỳ vọng tạo đột phá trong mở rộng quy mô, tăng năng suất, qua đó giúp đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ những bước nhảy vọt của công nghệ và sáng tạo. Tất nhiên KTS được xem như là một phần hết sức quan trọng của bước đột phá đó. Trước đây, KTS được hiểu chỉ bao gồm khu vực công nghệ và truyền thông, sau đó dần được mở rộng thêm ra các mô hình kinh doanh liên quan công nghệ số. Nhưng trong bối cảnh "số hóa" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ vào nền kinh tế thực như hiện nay, các chuyên gia đều thống nhất cần phải hiểu KTS theo một định nghĩa rộng hơn, bao quát toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, gồm cả ngành du lịch thông minh hay nông nghiệp công nghệ cao,...

Theo nghiên cứu của Google (tập đoàn công nghệ Mỹ) và Temasek (công ty quản lý vốn đầu tư của Xin-ga-po), KTS của Việt Nam đạt giá trị khoảng ba tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, khoảng 30%/năm, doanh thu năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD, dự đoán sẽ đạt ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2020. Các doanh nghiệp (DN) viễn thông, in-tơ-nét ở Việt Nam cũng phát triển vượt bậc với doanh thu khoảng 6,1 tỷ USD, góp phần tạo hơn 851 nghìn việc làm cho xã hội.

Ở mảng kinh doanh nội dung số, công nghiệp quảng cáo trực tuyến tăng trưởng nhanh với doanh thu dự báo năm 2020 đạt hơn một tỷ USD, gấp ba lần so năm 2016. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, trong hơn 10 năm qua, KTS của Việt Nam phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, đóng góp to lớn cho nền kinh tế.

Tư duy quản lý thông thoáng

Tháng 8 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải thêm một lần trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo mới của Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô (thay thế cho Nghị định 86/2014/NÐ-CP). Ðáng chú ý là dự thảo Nghị định này đã phải sửa đến 11 lần chỉ vì tranh cãi kéo dài chung quanh câu chuyện Grab là đơn vị kinh doanh ta-xi hay chỉ bán dịch vụ thông tin. Ðiều này cho thấy sự lúng túng của cơ quan nhà nước trong vấn đề phải "quản" KTS như thế nào. Rõ ràng đang có sự nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ bản chất của các loại hình kinh doanh mới của nền kinh tế mới này.

Sự bùng phát của KTS không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt chúng ta trước không ít thách thức. Bên cạnh vấn đề về thể chế, về pháp lý, còn có nguy cơ mất an toàn thông tin mạng vì nền tảng chính của KTS là công nghệ thông tin (CNTT). Theo thống kê Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018 đã xảy ra hơn 10 nghìn cuộc tiến công mạng vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Vncert) Nguyễn Trọng Cường cho biết, Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia (sau Ấn Ðộ và Trung Quốc) báo động đỏ về tình trạng các máy tính bị kiểm soát bởi máy tính ma (botnet) với số lượng bot lên tới hơn một triệu máy.

Những tác động của KTS đến cơ cấu nguồn nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình dự báo: CMCN 4.0, KTS có thể tạo ra nguy cơ to lớn khi ít nhất 30% lao động hiện tại khả năng sẽ mất việc làm do bị các công nghệ mới và rô-bốt thay thế. Trong khi đó, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), 77% lực lượng lao động của Việt Nam hiện không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đủ để thích ứng với nền KTS hiện nay. In-tơ-nét và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng hỗ trợ cho nền KTS phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để KTS phát triển một cách bền vững, giảm rủi ro, cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ cũng như sự nỗ lực từ nhiều phía.

Nhìn nhận về vấn đề này, GS, TSKH Hồ Tú Bảo, chuyên gia về CÐS kiến nghị: Trước hết, cần giải quyết các thách thức về môi trường pháp lý bằng cách tạo hành lang pháp lý thuận lợi với các văn bản quy phạm pháp luật mới, quy định pháp luật phù hợp hơn với KTS. Các ứng dụng công nghệ số sẽ là đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo của cá nhân và DN, do vậy cần khuyến khích DN tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số và đặt nhiệm vụ đó là ưu tiên cao nhất. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nhất thiết phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lý thông thoáng để "cởi trói" cho DN, nhất là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu chính sách quản lý không cởi mở, thiếu linh hoạt, thông thoáng sẽ làm cho cả DN trong nước lẫn nền kinh tế của quốc gia bị yếu thế trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài và các nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ và khu vực tư nhân cần nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, trang bị các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai các ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử,...

Ðể làm được, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và an toàn thông tin. Về nâng cấp hạ tầng số, cần khẩn trương chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nhanh chóng triển khai dịch vụ 5G. Ðây là công nghệ hứa hẹn tạo hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT), mở ra cơ hội kinh doanh số rất lớn cho các DN Việt Nam. Mặt khác, nguồn nhân lực CNTT cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chương trình đào tạo nhân lực cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục CNTT, nhất là cập nhật giáo trình đào tạo gắn với các xu thế công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI),... tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt.

Theo GS Hồ Tú Bảo, phải có những chương trình đào tạo, bổ sung kỹ năng số cho đội ngũ "nhân lực phổ thông", giúp đào tạo ra lực lượng lao động thích nghi tốt hơn với KTS, có khả năng ứng dụng công nghệ số vào nghề nghiệp. Vượt qua những thách thức của KTS không phải là câu chuyện đơn giản, mà đòi hỏi rất nhiều công sức, nỗ lực và quyết tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt cơ hội, KTS chắc chắn sẽ là động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

(Còn nữa)

* Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu (Kỳ 2)

* Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu (Kỳ 3)

VIỆT HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/41590002-chuyen-doi-so-hanh-dong-de-khong-tut-hau-ky-1.html