Chuyển đổi số - Giải pháp giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện

Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về 'Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Nắm bắt được tinh thần đó, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã chủ động tăng cường công tác cải cách hành chính, khẩn trương triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao công tác bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số
Nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh nhờ công nghệ thông tin

Sẵn sàng các nguồn lực cho chuyển đổi số

Xác định rõ, chuyển đổi số trong ngành y tế trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 01.4.2022, Sở Y tế tinh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 37 về việc phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; Kế hoạch số 11a/KH-SYT ngày 10.02.2022 về việc triển khai thí điểm phần mềm chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 42/KH-SYT ngày 08.4.2022 về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022.

Thực hiện những kế hoạch đó, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, như: nâng cấp mạng LAN, nâng cấp dung lượng đường truyền internet. Ngoài ra, các đơn vị còn đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp việc khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các đơn vị chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp.

Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số tự động…, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Thông tin của bệnh nhân được lưu trữ và dễ dàng tra cứu trên hệ thống phần mềm. Người bệnh nhận phiếu, đơn thuốc được in ra rõ ràng tránh nhầm lẫn.

Đại diện Sở Y tế Ninh Bình cho biết: hiệu quả thấy rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào khám, chữa bệnh là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt phải kể đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tiêm chủng đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng không cần phải mang theo sổ giấy vì toàn bộ thông tin đã được cập nhật trong sổ tiêm chủng điện tử trên hệ thống tiêm chủng quốc gia.

Đồng thời, Sở Y tế Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc ngoài việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, các đơn vị còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên…

Ngành y tế Ninh Bình triển khai các ứng dụng chuyển đổi số

Ngành y tế Ninh Bình triển khai các ứng dụng chuyển đổi số

Tín hiệu khả quan từ thành quả

Với những nỗ lực đó, đến nay, ngành y tế Ninh Bình đã đạt được những thành quả bước đầu. Đến nay, 100% các dịch vụ công trực tuyến do Sở Y tế thực hiện đều được công khai và thực hiện trên cổng dịch vụ công Một cửa điện tử của tỉnh, của Sở. 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, vận hành ổn định, an toàn và thông suốt; đồng thời đều triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOfice và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị, rất thuận tiện.

Tại các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 trên địa bàn tỉnh đều đã được trang bị chữ ký số, bảo đảm ký xác thực hồ sơ “hộ chiếu vaccine” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. 143/143 các trạm y tế tuyến xã cả tỉnh Ninh Bình đến nay đều đã triển khai ứng dụng phần mềm y tế cơ sở. Phần mềm này cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý khám chữa bệnh và một số lĩnh vực y tế dự phòng; đồng thời có khả năng kết nối liên thông với các phần mềm khác.

Riêng các bệnh viện Đa khoa và bệnh viện Sản nhi của tỉnh Ninh Bình, đến nay đã chính thức đưa hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim (PACS) vào hoạt động. Quy trình này đã tạo bước tiến quan trọng để các bệnh viện tiến gần hơn tới việc số hóa các thông tin về y khoa theo mô hình Bệnh án điện tử. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh và nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, đồng thời góp phần giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim.

Toàn bộ các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị cũng đã chủ động trong triển khai ứng dụng “VssID - bảo hiểm xã hội số” để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay đã tích hợp được trên 200.000 thẻ BHYT vào CCCD để đi khám chữa bệnh BHYT, công việc này vẫn đang được tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với những người chưa được tích hợp thẻ BHYT vào CCCD thì vẫn đi khám chữa bệnh bình thường như cũ và khi đi phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Chị Nguyễn Thị Hồng (36 tuổi), thường xuyên sử dụng các dịch vụ y tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “càng ngày bệnh viện càng hiện đại, tôi thấy rất tiện khi đi bệnh viện không cần phải chen lấn, xô đẩy để vào khám mà chỉ cần ấn nút, lấy giấy rồi ngồi chờ thông báo đến lượt, rất văn minh. Lúc thanh toán, tôi cũng không phải mang theo tiền mặt, tất cả đều gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Nhiều khó khăn hiện hữu

Song, Ninh Bình vốn là một địa bàn đa dạng địa hình với trình độ văn hóa không đồng bộ, thu nhập chưa cao, vì vậy trong quá trình triển khai chuyển đổi số ngành y tế vẫn gặp phải không ít khó khăn. Bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên chiếm số lượng lớn nên việc tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Mặt khác, do mức phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, một bệnh nhân có thể phát sinh nhiều hơn một giao dịch, các đơn vị khám chữa bệnh đang phải trả chi phí giao dịch này, trong khi chi phí này chưa được đưa vào chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, vô hình trung, khi thực hiện giao dịch này, các cơ sở y tế thêm phần gánh nặng chi phí.

Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số sẽ yêu cầu tính đồng bộ, tính bảo mật, khung pháp lý vận hành và quan trọng nhất là nhân lực phụ trách CNTT trong lĩnh vực y tế. Những điều này hiện đang là bài toán lớn mà Ninh Bình cũng như các tỉnh khác đang phải chia nhỏ để giải từng phần.

Trước hết, với tính đồng bộ và khung pháp lý vận hành cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các sở ngành nhằm bảo đảm cơ sở dữ liệu được liên thông, những thông tin, chính sách sức khỏe được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Song, việc ứng dụng CNTT cũng đặt ra vấn đề về bảo mật thông tin. Người bệnh lo lắng việc dữ liệu sức khỏe của họ sau khi được thu thập, phân tích và xử lý sẽ có nguy cơ rò rỉ. Do đó, ngành y tế cần phải bảo đảm tính bảo mật, xây dựng niềm tin mới thuyết phục được người dân tham gia hệ thống một cách toàn diện. Việc thuyết phục được đại đa số nhân dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số ngành y tế sẽ giúp đưa ra những thông báo, dự đoán chính xác về tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, sức khỏe của từng nhóm đối tượng… trên cơ sở đó sẽ góp phần làm căn cứ xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách chính xác, có căn cứ.

Với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và nhiệm vụ tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Sở Y tế Ninh Bình định hướng sẽ tiếp tục nâng cấp, cập nhật hệ thống, thường xuyên liên tục đồng thời tổ chức các lớp tập huấn định kỳ nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT trong hoạt động khám chữa bệnh, y học dự phòng nhằm hướng đến chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện.

Anh Lương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/chuyen-doi-so---giai-phap-giup-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-toan-dien-i312546/