Chuyển đổi số gắn với thay đổi cách làm, minh bạch hóa

Chuyển đổi số của ngành y tế phải có sự chỉ đạo rất đồng bộ, kiên quyết, thống nhất, giải những bài toán thiết thực từ nhu cầu của người dân và gương mẫu từ trên xuống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải có cơ chế để giải quyết các chi phí dành cho ứng dụng CNTT giống như những trang thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải có cơ chế để giải quyết các chi phí dành cho ứng dụng CNTT giống như những trang thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia, sáng 30/12 tại Hà Nội. Đây là hội nghị chuyển đổi số quốc gia của bộ ngành đầu tiên trên cả nước thực hiện theo Quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành y tế, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong những năm qua để ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý điều hành, phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân. Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia đặt dấu mốc quan trọng, tạo thêm động lực và làm rõ hơn định hướng, giải pháp để ngành y tế tiếp tục thực hiện thành công chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh qua hội nghị hôm nay có thể thấy của ngành y tế đã đạt được những kết quả bước đầu rõ hơn nhưng những thách thức, chặng đường phía trước còn rất dài và không ít khó khăn nhưng nếu tiếp tục cách làm sáng tạo, tập trung, đồng bộ thì chúng ta có lòng tin đạt được mục tiêu đề ra.

Với sự tham dự của lãnh đạo các địa phương, sở y tế, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm lớn liên quan đến chuyển đổi số của ngành y tế thời gian tới.

Những bài học quý

Theo Phó Thủ tướng, để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải quyết tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin(CNTT) trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trước hết là phục vụ minh bạch hóa, đảm bảo trách nhiệm giải trình của tất cả cơ sở y tế, tiến tới giải trình của từng nhân viên y tế đối với người bệnh, và toàn xã hội. Quan trọng hơn là cần quán triệt, nhận thức rõ hơn CNTT là công cụ không thể thiếu, hết sức hữu hiệu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh.

“Phải có cơ chế để giải quyết các chi phí dành cho ứng dụng CNTT (máy móc, phần mềm, tập huấn) giống như những trang thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những khó khăn của một nước có mức thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ bảo hiểm y tế bao phủ trên 90% nhưng mệnh giá rất thấp, tỷ lệ ngân sách dành cho y tế dù cao nhưng số tuyệt đối vẫn còn nhỏ, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cũng có những thế mạnh như quy mô dân số lớn, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương bởi “chuyển đổi số không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm thì phải được chỉ đạo rất đồng bộ, kiên quyết, thống nhất”.

Lấy ví dụ từ việc triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cách làm sáng tạo của Việt Nam thay vì làm từ trên xuống, từ những chỗ khó, bức xúc nhất thì làm đồng bộ trên quy mô toàn quốc, từ dưới lên. “Chúng ta có một cộng đồng CNTT rất sáng tạo và có lòng tin là có thể làm được nếu có các bài toán cụ thể”.

Quan trọng nhất trong chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết phải rất thiết thực từ những bài toán thực tiễn. Trước hết là phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành y tế về nguồn lực cán bộ nhân viên y tế, thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men… của từng khoa, phòng trong các bệnh viện, cơ sở y tế…

Từ câu chuyện có những bệnh viện lớn có hàng chục nhà thầu, hàng trăm phần mềm, hàng nghìn máy tính… nhưng không minh bạch được toàn bộ hoạt động, thậm chí ở các tuyến y tế bên dưới cũng vậy, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, các sở y tế cho đến bệnh viện cần xác định rõ yêu cầu quản lý, quản trị để ra đầu bài. Từ đó, các doanh nghiệp lớn ngồi lại với nhau, kết hợp, thống nhất xây dựng nền tảng quản lý thống nhất, mở ra cho các doanh nghiệp CNTT khác cùng tham gia phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ các trạm y tế cơ sở lên đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương.

“Chuyển đổi số luôn gắn với thay đổi cách làm, minh bạch hóa nên có rất nhiều sức cản ở chính bên trong. Khi chúng ta đã xác định được đầu bài, nhiệm vụ phải làm, giải pháp, nền tảng chung thì phải triển khai đồng bộ bằng mệnh lệnh hành chính, không theo kiểu nơi nào thuận lợi thì làm trước mà tất cả phải cùng làm”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng đây là bài học rất lớn được rút ra và ngành y tế bằng thực tiễn vừa qua là một minh chứng.

Phải trả lời câu hỏi người dân cần gì

Để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn trong điều kiện kinh phí, nguồn lực ít hơn nhiều so với các nước, Phó Thủ tướng cho rằng phải từ những việc rất chi tiết, cụ thể để trả lời câu hỏi: Người dân cần gì?

Phó Thủ tướng đặt đề bài cho ngành y tế phải làm sao để gần hết các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, ở mọi đối tượng, mọi tình trạng khác nhau đều có thể được tư vấn tự động, tự phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe bản thân.

Người dân cũng cần thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp, nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống đều được biết bác sĩ, cơ sở y tế đến khám là phù hợp.

“Làm sao để cho người dân tin, đừng như xưa vì không tin nên mới phải lên bệnh viện tuyến trên cùng, và chỉ bằng công nghệ chúng ta mới có thể làm được”, Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến mong ước được quản lý, chăm sóc sức khỏe bởi một nhóm bác sĩ, nhân viên y tế của người dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm được điều này bằng cách lập hồ sơ sức khỏe điện tử và ứng dụng CNTT. Cùng với đó, chúng ta phải sửa đổi chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc.

Ngoài câu chuyện được khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, người dân cũng cần được tư vấn và mua thuốc với sự đảm bảo chất lượng, xuất xứ, minh bạch về giá. “Giá cả và tỷ lệ thuốc giả, kém chất lượng ở Việt Nam hiện thấp nhất ASEAN. Chúng ta cần đẩy mạnh kết nối hệ thống nhà thuốc trên toàn quốc, tư vấn, kê thuốc theo đơn thuận lợi”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành khai trương 3 nền tảng y tế số. Ảnh VGP

Đối với những căn bệnh mới về tâm lý, sức khỏe tâm thần, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng không chỉ đơn giản là điều trị y tế mà cần sự kết hợp với nhiều chuyên ngành, cơ chế, chính sách khác thì mới có thể cải thiện sức khỏe cho người dân.

Từ những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong chuyển đổi số ngành y tế, có những khâu, những việc phải làm từ dưới lên, hoặc cả từ trên xuống nhưng điều quan trọng nhất là yêu cầu tự đổi mới, bước qua lợi ích cục bộ của mỗi đơn vị, thậm chí từng cá nhân, “vì thế tư duy chỉ đạo là gương mẫu từ trên xuống”.

“Bên cạnh chú trọng vào khám chữa bệnh, phòng bệnh, ngành y tế cần đổi mới công tác quản lý. Những bài học, kết quả, tiến bộ gần đây cùng với kế thừa còn là sự thay đổi cách làm, quyết tâm cao hơn từ Bộ Y tế, các cục, vụ, lan tỏa xuống bên dưới, gắn với đó là sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông… Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các bộ ngành, địa phương để đẩy nhanh chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nói.

“Chỉ có chuyển đổi số, chúng ta mới đi nhanh hơn, đất nước mới phát triển nhanh hơn được. Nếu cứ từ từ, chúng ta mãi mãi không bao giờ đuổi kịp các nước đi trước”.

Y tế phải gương mẫu trong phòng chống dịch bệnh

Tại hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo UBND, sở y tế các tỉnh, thành phố, một lần nữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, đặc biệt đối với lực lượng y tế cơ sở. “Cùng với quân đội, công an, lực lượng y tế phải có trách nhiệm cao nhất trong việc giữ an toàn cho cả nước trước dịch bệnh”.

Nhắc lại bài học Đà Nẵng, trường hợp bệnh nhân số 1342 ở TPHCM hay những ca bệnh mới nhập cảnh trái phép từ nước ngoài mới đây, Phó Thủ tướng cho rằng hiện nay càng không thể nơi lỏng trong phòng chống dịch, phải thực hiện rất nghiêm ngặt tất cả các quy định.

“Các đồng chí lãnh đạo địa phương, giám đốc sở y tế phải có trách nhiệm. Đây là mệnh lệnh, là trách nhiệm của chúng ta không chỉ với sức khỏe nhân dân mà còn là đà phát triển, uy tín của đất nước. Lực lượng y tế phải gương mẫu đi đầu trong phòng chống dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tất cả các cơ sở y tế, từ trạm y tế, phòng khám tư nhân đến các bệnh viện phải tự đánh giá thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). Đặc biệt, công an, y tế cơ sở phải nằm được đầy đủ những người hết thời gian cách ly tập trung, đang cách ly, theo dõi, giám sát y tế tại nhà; ít nhất mỗi ngày một lần gọi điện thoại, nhắn tin để nắm được tình trạng sức khỏe, việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà của những người này.

Đình Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/chuyen-doi-so-gan-voi-thay-doi-cach-lam-minh-bach-hoa/418421.vgp