Chuyển đổi sinh kế, ngăn chặn nạn 'cát tặc' sông Hương

Do nguồn cung cát xây dựng đang ngày một khan hiếm, giá cao gấp 2-3 lần so với trước nên dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Hương bất chấp quy định pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu chuyển đổi sinh kế cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác cát nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép…

Một trong những điểm “nóng” khai thác cát trái phép trong thời gian gần đây là khu vực thượng nguồn sông Hương, đoạn qua địa bàn phường Thủy Biều, TP Huế. Theo người dân địa phương, nếu trước đây, đối tượng “cát tặc” thường cho sà lan, hoặc thuyền máy có lắp đặt vòi rồng cỡ lớn để khai thác trộm cát ở khu vực giữa sông thì nay chúng ngang nhiên vào gần bờ thả vòi hút cát xuyên đêm.

Mặc dù tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có lệnh cấm khai thác cát trái phép trên sông Hương, song vì giá cát được thu mua cao, giao động từ 350.000 đến 400.000 đồng mỗi khối nên các đối tượng khai thác cát bất chấp quy định. Tình trạng này đã gây nên sạt lở hai bờ sông Hương, cuốn trôi nhiều đất đai, vườn tược, hoa màu của người dân.

Mới đây, tổ công tác CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt quả tang Phan Văn Lực (trú ở phường Trường An, TP Huế) điều khiển sà lan công suất hơn 24CV khai thác cát trái phép trên sông Hương, khu vực phường Thủy Biều đến hơn 47m³. Với số cát này, nếu được vận chuyển trót lọt và bán ra thị trường thì Lực sẽ thu lợi bất chính nhiều triệu đồng.

CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt quả tang sà lan khai thác cát trái phép trên sông Hương, đoạn qua phường Thủy Biều.

CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt quả tang sà lan khai thác cát trái phép trên sông Hương, đoạn qua phường Thủy Biều.

Ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết, từ khi đóng cửa mỏ cát, các đối tượng khai thác cát chuyển sang mua ghe, sử dụng phương tiện quay tay để khai thác cát trái phép. Việc phát hiện, xử lý rất khó khăn vì các đối tượng này sử dụng phương tiện thô sơ, không phát ra tiếng động.

“Trước thực trạng đó, phường đã phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đẩy đuổi “cát tặc” và kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành lập một trạm kiểm soát tại khu vực bãi bồi Lương Quán để ngăn chặn khai thác cát trái phép”, ông Long nói.

Riêng người dân tại các địa phương sinh sống ven bờ sông Hương cũng đã tự đứng ra đẩy đuổi, chống “cát tặc”. Song vì các đối tượng trộm cát rất liều lĩnh, manh động nên không ít người bị chúng tấn công gây thương tích.

Điển hình, vào khoảng 20h ngày 26-3, ông Hoàng Trọng Niệm (55 tuổi, trú phường Thủy Biều) cùng một số người dân phát hiện thuyền máy do Trương Văn Vinh (35 tuổi, trú phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) làm chủ cùng 4 người khác gồm Lê Thị Tuyết (32 tuổi, vợ Vinh); Nguyễn Được (32 tuổi, trú phường Hương Hồ) cùng Hoàng Trọng Trị (36 tuổi) và Hoàng Trọng Đại (44 tuổi, cùng trú phường Thủy Biều, TP Huế) đang khai thác cát trái phép.

Khi nhóm ông Niệm hô hoán để xua đuổi thì bị các đối tượng ném đá chống trả. Tiếp đó, Trị và Đại cầm rựa, gậy sắt nhảy lên bờ rượt đuổi đánh, chém vào đầu ông Niệm gây thương tích 17%.

Ngày 28-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã bắt giữ khẩn cấp đối với Trị và Đại về hành vi cố ý gây thương tích. Trước đó, ngày 21-3, ông Võ Văn Lẹ (57 tuổi, trú ở tổ dân phố Thanh Lương 2, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) phát hiện “cát tặc” hút cát trái phép trên sông đoạn gần nhà, đã bơi thuyền ra đẩy đuổi thì bị các đối tượng trên tàu hút cát dùng gậy đánh vào mặt, khiến ông Lẹ bất tỉnh, rơi xuống sông, nhưng may mắn được 2 vợ chồng đánh cá ứng cứu kịp thời, chuyển vào bệnh viện cấp cứu.

Sau nhiều ngày điều trị, hiện ông Lẹ vẫn đang được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2 chăm sóc, theo dõi vết thương nặng ở mắt phải có nguy cơ bị mù… Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc người dân ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế tham gia đẩy đuổi “cát tặc” trên sông và bị các đối tượng đánh bị thương phải nhập viện.

Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP Huế cho hay: “Trước thực trạng các đối tượng lộng hành, bất chấp thủ đoạn, liều lĩnh để khai thác cát trái phép, đơn vị tiếp tục tăng cường lực lượng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuần tra trên sông Hương để truy đuổi, bắt giữ. Riêng các vụ việc đối tượng khai thác trộm cát đánh người dân gây thương tích, cơ quan Công an sẽ điều tra và xử lý nghiêm”.

Thống kê sơ bộ, từ tháng 11-2018 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bắt phát hiện, bắt quả tang 103 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép trên sông Hương, ra quyết định xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng. Con số này cho thấy hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hương vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực địa tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hương, khu vực bãi bồi Lương Quán, Thủy Biều, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận định rằng, việc khai thác cát trái phép rộ lên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân khu vực, gây nguy cơ sạt lở bờ sông.

Vì vậy, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, tránh tình trạng tái diễn khi không có lực lượng chức năng. Việc cấm khai thác cát tại mỏ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác cát.

Vì thế, tỉnh đề nghị Sở TN&MT, các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thống kê số người dân đang sinh sống bằng nghề khai thác cát để đề xuất phương án sử dụng lực lượng lao động này tại các mỏ khai thác mới. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển đổi sinh kế cho người dân nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép…

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/chuyen-doi-sinh-ke-ngan-chan-nan-cat-tac-song-huong-538819/