Chuyển đổi phương thức kinh doanh để 'né' dịch

Dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, không ít DN đã linh hoạt thích ứng.

Với góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, TS Reza Akbari- Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng dịch Covid-19 đang khiến nhiều cá nhân và tổ chức lo lắng, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, đây cũng là thời điểm của những cơ hội mới. TS Reza nhấn mạnh những công nghệ đột phá có thể giúp thay đổi toàn bộ cơ chế, chuyển sang hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn. Áp lực chi phí đối với chuỗi cung ứng buộc các DN phải tập trung hơn vào các chiến lược sản xuất tinh gọn hoặc thuê ngoài. Nếu có bất kỳ gián đoạn nào ở đầu chuỗi cung ứng, việc sản xuất sẽ bị đình trệ do thiếu nguyên liệu thô hoặc linh kiện.

Trên thực tế, nhiều DN, kể cả các tập đoàn lớn trên thế giới phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, sẽ rơi vào tình thế trì trệ hay tạm thời ngưng sản xuất. Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước này đóng vai trò thiết yếu với sản xuất của các DN Việt. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với trường hợp của Việt Nam, để gỡ khó trong lúc này thì việc áp dụng công nghệ cho chuỗi cung ứng là điều cực kỳ quan trọng. Vị chuyên gia của RMIT cho biết, có 9 công nghệ đột phá được mệnh danh là những công cụ đem đến cải cách mạnh mẽ trong tương lai và có tiềm năng ứng dụng trong các chuỗi cung ứng. Những công nghệ này gồm in 3D, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, máy bay không người lái (drone), IoT, robot học, thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR). Ví dụ, một chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ là Target gần đây vừa tuyên bố sẽ bắt đầu đưa các giải pháp robot học vào quy trình trước mùa hè năm 2020, nhằm giúp phân loại và bổ sung hàng hóa tại hàng trăm cửa hàng của thương hiệu này một cách chính xác. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất khác đang tìm hiểu cách ứng dụng IoT để có được dữ liệu thời gian thực về lượng nguyên liệu hiện có, từ đó có thể lường trước rủi ro và đưa ra các quyết định thu mua đúng đắn hơn. “Để có được tương lai như mong đợi, không chỉ các cơ quan trực thuộc Chính phủ, mà mọi cá nhân và tổ chức phải hợp tác cùng nhau. Càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta càng vượt qua những gián đoạn hay dịch bệnh trong tương lai càng sớm bấy nhiêu”- TS Reza nói.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/chuyen-doi-phuong-thuc-kinh-doanh-de-ne-dich-tintuc462261