Chuyện đời ông "Tâm biệt động"

Bàn Huy Tâm, bạn bè đồng đội cũ thường gọi là "Tâm biệt động", hiện sống ở Tân Tiến, Yên Sơn, Tuyên Quang. Anh là một trong số hiếm những người Dao Thanh Y được huấn luyện bài bản trinh sát đặc công và chiến đấu trên vùng giáp ranh giới tuyến 17 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bàn Huy Tâm hiện là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Tôi và anh tình cờ gặp nhau, nhưng chúng tôi cứ cuốn lấy nhau như những người đồng đội lâu ngày gặp lại. Tôi cũng là người lính một thời cùng binh chủng với anh, cùng tham gia huấn luyện ở đồi Ngô, sân bay Muối, Hà Bắc. Tôi nhập ngũ sau anh chục năm, sau đó tôi được bổ sung về đơn vị "821 trinh sát Đặc công", tôi là lính chiến tranh bảo vệ biên giới, còn anh là lính chống Mỹ, cứu nước.

Bàn Huy Tâm sinh năm 1950, tại suối Tám (giờ là xóm Ba), xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, mặc dù đang là học sinh ở trường Thanh niên lao động Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nhưng Bàn Huy Tâm đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để được đi đánh Mỹ, cứu nước.

Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều về đơn vị 305 Binh chủng Đặc công, tham gia huấn luyện ở Trung Hậu đồi ngô, sân bay Muối, Lan Mẫu, Lục Nam (Hà Bắc). Sau một năm huấn luyện các kỹ thuật, chiến thuật của người lính Đặc công, anh được điều động vào chiến trường miền Nam (đi B) chiến đấu. Trên đường hành quân đến tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (Lào), anh bị sốt rét phải ở lại điều trị, sau đó được bổ sung vào Tiểu đoàn 404, trinh sát Đặc công, là đơn vị độc lập, trực thuộc Quân khu 5, làm nhiệm vụ đánh địch tái chiếm sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Nhắc đến các trận đánh mà mình tham gia, anh Tâm bảo: "Những nơi tôi tham gia chiến đấu ngày ấy, phải nói rằng là mặt trận rất ác liệt. Tôi không nhớ là đã suýt chết bao nhiêu lần trong các trận chiến với quân thù".

Sau trận đánh ở dốc Tám Cua, Phước Sơn, Thăng Bình (Quảng Nam), anh lại cùng đơn vị đi trinh sát ở khu đồng bằng, Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Địa bàn ở đồng bằng thường trống trải, dễ lộ mục tiêu. Hôm ấy, tổ anh vừa lọt vào lòng địch thì gặp rất đông lính Mỹ - ngụy đi càn, theo phán đoán của tổ trinh sát, địch có khoảng 1 tiểu đoàn, trong khi ta chỉ có một tiểu đội, cùng với một đơn vị du kích địa phương. Trước tình thế nguy hiểm, lệnh của chỉ huy cho nổ súng chiến đấu, thế là hai bên lại choảng nhau rất ác liệt, địch dùng các loại vũ khí hiện đại, hỏa lực, gọi máy bay đến phối hợp ném bom, chúng xả đạn, bom bừa bãi khắp trận địa... Trong lúc chiến đấu, bỗng anh thấy nhói đau ở ngực, đùi, người lảo đảo rồi gục xuống, một du kích địa phương bế thốc anh giấu vào trong một vườn mía của dân. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa thức dậy cũng là lúc anh hồi tỉnh, phát hiện rất nhiều xe tăng Mỹ đang hùng hổ lao về phía vườn mía. Ngay lúc đó, có một phụ nữ chạy đến đứng trước đầu đoàn xe tăng nằm lăn ra giữa đường chặn lại nói: "Bố mẹ tui đã bị các ông bắn chết hết, giờ chỉ còn vườn mía để chị em tui mưu sinh, các ông vào phá vườn mía, thì hãy cho lăn xe qua xác tui luôn đi!". Trước sự dũng cảm, cùng với lòng gan dạ, hơn nữa chúng muốn lấy lòng dân, nên đã không dám cho xe lao vào vườn mía. Khi đó, ông Tâm cùng 7 chiến sỹ bị thương được giấu trong vườn mía, cách họng súng quân thù khoảng 50m đã tận mắt chứng kiến toàn bộ sự việc trên.

Sau khi chữa trị khỏi vết thương, đơn vị anh chuyển hướng hoạt động ở 2 huyện Thăng Bình và Quế Sơn (Quảng Nam). Trong một lần đi trinh sát ở đồn Quế Sơn, khi tổ anh vào gần đến hàng rào dây thép gai của địch, thì bất ngờ có tiếng nổ long trời ở rất gần. Anh bị hất tung ra xa, toàn thân đau ê buốt, anh cố sức lết người ra cách đồn khoảng 500m, giấu mình vào bụi cây, nằm ở đó chờ trời tối để tìm đường về đơn vị. Bỗng có hai bóng người tiến lại chỗ anh, người đi đầu là một cháu gái khoảng 11-12 tuổi, đi sau là một phụ nữ, đội nón trắng, mặt trùm kín. Cháu gái đến gần và kêu lên. "Trời ơi! Ở đây có người chết nè!". Người phụ nữ thận trọng tiến lại gần nhìn anh chăm chú không nói gì, rồi họ lặng lẽ bỏ đi.

Lát sau, hai người quay trở lại, trên tay cầm thêm một chiếc nón trắng nữa. Người lớn tuổi nói: "Tôi không biết ông người của quốc gia hay Việt cộng, ông ở đâu, nói đi, tôi đưa ông về đó". Anh bảo: "Tôi là người của cách mạng, nếu thím có cảm tình với cách mạng, cách mạng sẽ ghi công thím". Lúc đó, trong người chỉ có độc một chiếc quần nhỏ như quần vận động viên bơi lội bây giờ, toàn thân bôi đầy thuốc hóa trang. Sau đó, 2 người phụ nữ đến và xốc nách anh đứng dậy, đội nón cho anh, mặc dù chân rất đau, nhưng anh phải cố chịu đựng và đứng dậy để họ dìu anh đi về phía vùng giáp ranh (vùng giải phóng) chừng khoảng 1km, họ để lại anh nằm ở đấy và quay lại. Chiều buông, mới gặp người của đơn vị xuống lấy lương thực, anh nhận ra giọng nói của anh Tám và Thi, quản lý và tiếp phẩm của đơn vị. Gọi hai người đến cõng anh về đơn vị, đưa lên đội phẫu lấy ra những mảnh mìn ở chân, người. Điều trị gần 1 tháng, sức khỏe dần hồi phục, anh lại tiếp tục đi chiến đấu. Mãi sau mới biết tiếng nổ hôm đó là do một du kích dẫn đường vấp phải mìn DH (Claymore) của địch, người du kích đó và các đồng chí đã hy sinh ngay tại trận địa.

Cho đến bây giờ, anh vẫn chưa biết ân nhân cứu mình là ai? Chỉ biết họ là hai người con gái Điện Thọ, Điện Bàn (Quảng Nam). Còn người chặn đoàn xe tăng trước đó là chị Trần Thị Chính. Chị là lính Biệt động, hoạt động trong lòng địch, do bị lộ thân phận, nên cách mạng bố trí cho chị trở lại quê trong vai chủ hiệu may để tiếp cận đường dây cách mạng, chị được giao nhiệm vụ bảo vệ các chiến sĩ bị thương, trong đó có anh, sau này, chị Chính được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngập ngừng ít phút, anh Tâm tiếp tục kể: Năm 1972, đánh ở Chi khu Đắk Pét, Bắc Kon Tum, đó là trận đánh hiệp đồng các binh chủng hợp thành rất ác liệt và cũng hy sinh nhiều nhất. Trong trận đánh này, địch sử dụng chiến thuật càn ống, tạo thế bao vây đơn vị. Chúng tìm mọi cách để tiêu diệt các chiến sĩ cũng như vũ khí của ta. Chúng sử dụng nhiều máy móc và phương tiện chiến tranh hiện đại xới tung từng thớ đất. Trên không, hàng chục máy bay trực thăng, phản lực quần đảo, uy hiếp ta. Nhưng với sự mưu trí, kiên cường, dũng cảm, xuất quỷ nhập thần, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với các binh chủng, nên quân ta đánh cho quân thù khiếp vía, bại trận.

Đến năm 1973, do vết thương trong người thường xuyên tái phát đau đớn, không đủ sức khỏe tiếp tục chiến đấu, anh được cấp trên giải quyết cho phục viên. Trở về quê hương, hơn 40 năm qua, ông vẫn luôn trăn trở lời ước hẹn của mình với người dân Điện Thọ, Quảng Nam. Câu nói của những người mẹ, người dân Điện Thọ năm xưa "hòa bình rồi nhớ trở lại nghe con" vẫn còn văng vẳng bên tai người chiến sĩ Biệt động ngày ấy. Nhưng cứ mỗi lần định đi thì vết thương cũ lại tái phát, khiến ông không thể thực hiện được mơ ước của mình. Một sự kiện thú vị, mùa hè năm 2010, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Chính đã cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam về tận nơi núi rừng Tân Tiến, Tuyên Quang thăm anh, làm cho cả cô giáo làng Hà Thị Phượng (vợ anh) cùng bà con thôn bản hết sức bất ngờ và cảm động, bởi người phụ nữ chỉ còn một chân, một mắt vượt cả ngàn cây số lên tận vùng núi cao này chỉ để thăm người đồng đội cũ của mình. nơi rừng xanh núi thẳm! Đối với anh Tâm, đây còn là niềm vui gặp lại ân nhân của mình. Họ tay bắt, mặt mừng đến trào nước mắt và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa ở ngoài chiến trường, đến lúc chia tay, người Nam, kẻ Bắc, họ không muốn rời xa, cứ bịn rịn mãi...

Thắp nén hương trên bàn thờ, anh Tâm chỉ tay lên hai bức di ảnh, tôi ngỡ là người nhà anh, nhưng không phải. Anh bảo: "Đấy là hai người đồng đội đã cùng anh chiến đấu, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, người này là Nguyễn Văn Nháy, quê Yên Tập, Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên, hy sinh ngày 27-7-1970, tại mặt trận Phước Sơn, Quảng Nam. Còn đây là Vũ Xuân Quảng, quê ở Hải Dương, người đã cứu sống anh trong trận Đắk Pét, Bắc Kon Tum và đã hy sinh ngày 1-5-1972, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt". Nhắc đến đồng đội cùng chung chiến hào, mắt anh Tâm bỗng nhòe đi, anh vội đưa tay quệt những giọt nước mắt chực trào ra trong khóe mắt sâu. Qua những giấy tờ còn lưu giữ, tôi được biết, kết quả giám định sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, do bác sĩ Nguyễn Văn Nhị, khám ngày 10-8-1979, kết luận thương tích 62%, xếp hạng 5/8 vĩnh viễn. Trong giấy chứng nhận ngày 6-11-1991, anh được xếp hạng thương binh loại A, thương tật 2/4.

Tôi hỏi anh: Hiện giờ vết thương của anh thế nào? Anh bảo: "Những lúc trái gió trở trời, vết thương lại tái phát, nhất là vùng đầu, lúc lên cơn cứ đau buốt như búa bổ đến nghẹt thở. Mỗi lần lên cơn là phải vào bệnh viện, mỗi đợt nằm viện thanh toán hết 4 đến 5 triệu đồng tiền thuốc, vì bệnh viện bảo: Những loại thuốc ấy bảo hiểm không cấp, mà phải mua. Còn chế độ, tôi chẳng yêu cầu gì, chỉ mong cơ quan có thẩm quyền giám định lại vết thương, để đỡ đần thêm tiền thuốc". Mặc dù trong mình đang mang thương tật, sức khỏe bị giảm sút, nhưng người thương binh già không chịu ngồi yên, tiếp tục đóng góp cho quê hương, gia đình.

Trong hơn 40 năm qua, anh đã xây dựng trên 30 mô hình phát triển kinh tế, cải tạo ruộng vườn, đưa cây, con giống mới về địa phương gieo trồng, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình, cho quê hương. 10 năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ vết thương trong chiến tranh nên anh Tâm không còn đủ sức để lao động sản xuất. Anh đã giao lại ruộng vườn cho con trai quản lý.

Bàn Minh Đoàn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-doi-ong-tam-biet-dong/