Chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững

Từ ngày 20-22/11/2019, Chương trình SWITCH-ASIA phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững châu Á với sự tham dự của đại diện đến từ 24 nước châu Á, 5 nước châu Âu và Đại diện Liên minh châu Âu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ gần đây của khu vực châu Á đã giúp các quốc gia của khu vực giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo, từ 46% đến 96% tùy từng quốc gia. Tuy nhiên, châu Á hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ quá trình phát triển, đó là tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Khu vực châu Á - Thái bình Dương cũng được xem là công xưởng sản xuất của Thế giới. Theo đó, mức độ tiêu thụ nguyên, nhiên liệu, năng lượng và các tác động môi trường ngày càng lớn. Giai đoạn 2000-2017, tiêu thụ nguyên, nhiên liệu sơ cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương gia tăng với tốc độ lớn nhất trên Thế giới.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định nhu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các nước châu Á

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định nhu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các nước châu Á

"Vì vậy, phát thải khí nhà kính cũng gia tăng đáng kể, chất thải và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Dân số cao nhưng thu nhập đầu người thấp, và các tác động môi trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất so với các khu vực khác”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định.

Để cân bằng, hài hòa các vấn đề môi trường với phát triển kinh tế và xã hội nêu trên và để đạt được các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, việc thay đổi mô hình tiêu dùng và sản xuất sang các mô hình bền vững là cần thiết nhằm hướng đến sự thịnh vượng chung của khu vực. Việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hơn một nửa dân số thế giới đang sinh sống, có thể nói là vấn đề ưu tiên cao không chỉ của khu vực mà còn của Thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Châu Á

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, những vấn đề tương tự về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường cũng đã và đang xảy ra. Để cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu về môi trường, xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết thông qua các khung pháp lý, chính sách và chiến lược cụ thể.

Liên quan đến chuyển đổi mô hình tiêu dùng và sản xuất, từ năm 2009, một số chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được Chính phủ phê duyệt.

Hội nghị có sự tham gia của 24 nước châu Á, 5 nước châu Âu và đại diện Liên minh Châu Âu

Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Bộ Công Thương được giao là đầu mối của Việt Nam về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã có các trung tâm hỗ trợ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng bền vững. Các hoạt động này cũng được các Bộ, ngành triển khai đồng bộ.

“Tôi tin rằng với sự hỗ trợ hiệu quả từ Liên minh Châu Âu và các giải pháp được đề xuất tại Hội nghị này, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng tại Châu Á”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ, đồng thời mong muốn Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong những năm tới.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ hy vọng Liên minh châu Âu tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chia sẻ quan điểm của đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, ông Giorgio ALiberti - Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, tính bền vững ngày nay không còn đơn giản là tăng hiệu quả hoặc tuân thủ các quy định mà phải là việc làm sao để tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức kinh doanh và cách thế giới tiêu thụ. Kết quả chỉ có thể đạt được khi xem xét lại mô hình kinh doanh và chuỗi cung ứng của chúng ta và thiết kế các mô hình tiêu thụ mới.

Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio ALiberti cho rằng cần xem xét lại toàn chuỗi cung ứng để phát huy tối đa mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo Đại sứ Giorgio ALiberti, sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ giúp cải thiện môi trường tổng thể hiệu suất của sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng, kích thích nhu cầu về sản phẩm tốt hơn và công nghệ sản xuất giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

Liên minh Châu Âu cam kết giải quyết những thách thức toàn cầu này cùng với các đối tác ở châu Á và Trung Á”, ông Giorgio ALiberti nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, đại diện nhiều nước đã chia sẻ và và đánh giá lại việc triển khai các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững tại mỗi quốc gia, qua đó thảo luận về những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy mô hình phát triển bền vững tại châu Á.

SWITCH-ASIA là Chương trình do Liên minh châu Âu xây dựng và tài trợ nhằm cùng với các nước Châu Á thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Qua 12 năm thực hiện, SWITCH-ASIA đã được triển khai tại khắp 24 quốc gia Châu Á.

Tại Việt Nam, SWITCH-ASIA đã cử chuyên gia quốc tế và trong nước đến hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, ban hành trong năm 2019.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-mo-hinh-san-xuat-va-tieu-dung-theo-huong-ben-vung-66785.htm