Chuyển đổi mô hình sản xuất gạch có thuận lợi?

Chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung đang gặp rất nhiều khó khăn về chi phí đầu tư, tiêu thụ sản phẩm... Doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn nguyên liệu cũng như công nghệ sản xuất gạch để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Công trình Cơ sở làm việc của Cty TNHH Kỹ thuật quản lý bay tại số 58 đường Trường Sơn, TP HCM, sử dụng 100% gạch không nung Ngôi sao Bình Dương gồm các chủng loại: Gạch 4 lỗ 8x8x18 và gạch đặc 4x8x18, do Cty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Vạn Tường là nhà thầu thi công.

Xu thế tất yếu

Việc nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp bởi các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ những hệ lụy từ việc sản xuất gạch nung.

Xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng không nằm ngoài định hướng này, Chính phủ Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về môi trường toàn cầu, vì sự phát triển bền vững, các chính sách phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện theo lộ trình các cam kết của Chính phủ như: Buộc sử dụng gạch không nung, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công, sử dụng chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các loại VLXD thân thiện với môi trường… Và khả năng sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phải thông qua việc đánh thuế tuyệt đối với gạch nung.

Như vậy, việc chủ đầu tư, doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc chuyển dịch mô hình sản xuất gạch xây dựng phù hợp với định hướng của Chính phủ cũng như điều kiện của doanh nghiệp là điều dể hiểu.

Theo các chuyên gia, khi mà mô hình sản suất gạch nung có nhược điểm lớn là đầu tư cơ bản cố định, có đặc thù phức tạp, không thể chuyển đổi sử dụng cho mục đích khác mà phải dỡ bỏ như: Hệ thống hầm lò nung, ray gòn vận chuyển gạch vào ra lò...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Cty Gạch ống không nung Ngôi Sao Bình Dương, việc chuyển đổi mô hình sản xuất gạch nung sang gạch không nung có thuận lợi, doanh nghiệp thừa hưởng toàn bộ đầu tư cơ bản cố định (như nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, sân chứa gạch, xe nâng, xe ủi đất, xe xúc lật, xe cẩu tải...), đặc biệt là thừa hưởng thương hiệu sản phẩm và hệ thống thị trường, quan hệ khách hàng, quản lý bán hàng, toàn bộ nguồn nhân lực đã đào tạo cơ bản, quen việc.

Vì sao chuyển dịch nhanh?

Vậy thì, doanh nghiệp phải đầu tư thêm những gì? Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: Doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất gạch trên diện tích mái che 2000m2, chi phí phát sinh từ 8 - 10 tỷ, trong khi nếu đầu tư mới sản xuất gạch không nung phải tốn đến 22 - 25 tỷ và phải mất ít nhất là 2 - 3 năm để thâm nhập thị trường.

Tuy nhiên, điều cần chú ý khi chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch đất nung sang gạch không nung là doanh nghiệp cần khảo sát nguồn cốt liệu trong vòng bán kính 15km như: Cát, đá nghiền từ mỏ, đá đồi, đá phong hóa, phế liệu rắn công nghiệp như tro xỉ, phế liệu ngành Xây dựng, phế liệu ngành Gốm sứ… để tính toán giá thành cho dự án đầu tư phù hợp. Có thể tham khảo kinh nghiệm mô hình chuyển đổi từng bước của nhà máy gạch tuynel BMC Đất Cuốc ở Tân Uyên, Bình Dương.

Một cán bộ của Vụ VLXD, Bộ Xây dựng cho biết: Hầu hết các địa bàn có sự chuyển dịch rất nhanh từ mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung liên quan đến nguồn nguyên liệu sản xuất gạch sẵn có tại địa phương và vùng lân cận, có thể kể đến 2 tỉnh Hà Nam và Quảng Ninh, xuất phát từ câu chuyện nguồn đất sét không còn hoặc là nguồn đất sét còn nhưng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khác nên tự lãnh đạo địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao, bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn phát triển ổn định, lâu dài phải tự dịch chuyển, thích nghi với diễn biến mới của thị trường VLXD cũng như chính sách quản lý Nhà nước về VLXD của Chính phủ, Bộ Xây dựng.

Công nghệ quyết định chất lượng sản phẩm

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những trở ngại ban đầu khi gạch không nung vào thị trường xây dựng thời gian vừa qua, có hiện tượng nứt tường, thấm nước do chất lượng gạch không đảm bảo trong không ít công trình xây dựng vốn ngân sách, gây tâm lý e ngại và sẵn sàng từ chối sử dụng gạch không nung của nhà thầu thi công. Ngoài ra, giá thành của sản phẩm gạch không nung vẫn chưa hấp dẫn người sử dụng, không cạnh tranh được với gạch đất nung.

Tại Cty Gạch ống không nung Ngôi Sao Bình Dương, sau 03 năm nghiên cứu thị trường và có thực tế tại các công trình xây dựng, đơn vị này đã bước đầu thành công trong sản xuất các chủng loại gạch không nung và mới đây là gạch nhẹ bê tông 8 lỗ có tỷ khối nhẹ như gạch khí chưng áp nhờ độ rỗng lớn 56%, thành vách mỏng nhưng rắn chắc, do tiêu hao ít nguyên liệu nên giá thành rẻ hơn cả gạch đất nung. Đặc biệt, với kích thước 8x19x19, phương pháp xây lỗ ngang và kích thước xây phù hợp cho cả xây tường bao và vách ngăn.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo của một số nhà thầu thi công đã sử dụng một số chủng loại gạch không nung của Cty Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương như: Cty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Vạn Tường (Đà Nẵng), Cty TNHH Sản xuất Thương mại Hưng Việt (TP HCM) thì được biết, các sản phẩm gạch không nung Ngôi sao Bình Dương có chất lượng đảm bảo, thi công thuận tiện, không gây nứt tường, thấm nước mặc dù trước đó các nhà thầu này đã sử dụng sản phẩm gạch không nung khác trên thị trường nhưng đều bị nứt hoặc thấm nước sau khi hoàn thiện công trình 1 - 2 tháng.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Cty Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương hy vọng khi Chính phủ đánh thuế tuyệt đối lên gạch đất nung sẽ là động lực cho thị trường gạch không nung phát triển.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/chuyen-doi-mo-hinh-san-xuat-gach-co-thuan-loi.html