Chuyển đổi mô hình cai nghiện ma túy: Tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ

Chính phủ đã giảm dần các trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc và tăng cường các hình thức, dịch vụ hỗ trợ cai nghiện khép kín từ gia đình, xã hội, cộng đồng.

Giờ tham vấn về thay đổi hành vi với sử dụng ma túy. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Giờ tham vấn về thay đổi hành vi với sử dụng ma túy. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Tỷ lệ tái nghiện sau cai luôn cao là thách thức suốt nhiều năm qua đối với những người làm công tác cai nghiện. Thế nhưng, khó lại chồng thêm khó khi mà tỷ lệ nghiện ma túy tổng hợp tăng vọt khiến việc điều trị cai nghiện càng trở nên phức tạp hơn. Thực tế, đòi hỏi công tác cai nghiện phải chuyển mình, thay đổi các mô hình, tăng cường dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

Tỷ lệ tái nghiện cao

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục Trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, từ trước năm 2017, những nhóm ma túy buôn bán sang Việt Nam chủ yếu heroin, thuốc phiện thông thường. Những năm gần đây, bắt đầu từ năm 2017, 2018 các chất ma túy sử dụng nhiều là ma túy tổng hợp ATS như cocain, hồng phiến, bạch biến… Các chất gây nghiện còn được biến tướng bằng bóng cười, tem giấy.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an và các cơ quan liên quan, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp; trong đó, sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-75% trong tổng số người nghiện ma túy. Đáng lưu ý, ở các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%.

“Đáng buồn hơn cả, đối tượng sử dụng các chất ma túy tổng hợp đang trẻ hóa, làm băng hoại đạo đức, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự gia đình, xã hội. Đã có những thảm họa xảy ra như 7 người chết cùng một lúc do sử dụng ma túy tổng hợp ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội). Nhiều người sử dụng ma túy ở các tỉnh miền Tây về giết chính cha mẹ, ông bà, người thân. Trong các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vừa qua, nguyên nhân một phần cũng do người điều khiển phương tiện bị ảnh hưởng do sử dụng ma túy,” ông Nguyễn Xuân Lập cho hay.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, số người nghiện đang gia tăng. Một số cơ sở cai nghiện ma túy tại các tỉnh, thành phố phía Tây Nam Bộ có nguy cơ quá tải, đặc biệt là một số khu tiếp nhận, tổ chức cai nghiệm ma túy cho học viên bắt buộc. Trong khi đó, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, hiệu quả của công tác cai nghiện chưa được như mong đợi.

Trong một phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn thừa nhận, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy của nước ta còn thấp, 90% người nghiện ma túy sau cai đã tái nghiện chỉ sau một thời gian ngắn tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Nguyễn Hoài Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, hình thức cai nghiện ma túy chưa đa dạng, chủ yếu phần lớn là các trung tâm cai nghiện bắt buộc, do đó tỷ lệ tái nghiện sau cai khi hòa nhập cộng đồng cao.

“Có rất nhiều lý do khiến một người nghiện tái nghiện sau cai. Nếu như chúng ta đặt người nghiện làm trung tâm, lắng nghe nhu cầu của họ để cung cấp các dịch vụ phù hợp thì sẽ hỗ trợ họ hòa nhập, giữ không tái nghiện lâu dài hơn,” bà Nguyễn Hoài Hương nói.

Trước những thách thức đặt ra với công tác cai nghiện, Chính phủ đã giảm dần các trung tâm cai nghiện bắt buộc và tăng cường các hình thức, dịch vụ hỗ trợ cai nghiện khác.

Manh nha hình thành mô hình mới

Hiện nay, việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện được thực hiện theo quyết định của tòa án. Ông Nguyễn Xuân Lập cho rằng quy trình này này nhiều bất cập, chẳng hạn trong 100 người sử dụng ma túy cũng có những người chỉ sử dụng chất gây nghiện, ma túy nhưng không gây hại cho cộng đồng. Theo cách tiếp cận của các quốc gia phát triển, nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cần hỗ trợ để họ có thể tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

“Đối với những người sử dụng ma túy trái phép, gây mất an ninh trật tự thì có thể xử lý vi phạm hành chính. Những người hủy hoại tài sản, quyền lợi ích của công dân thì coi đây là tội phạm hình sự, không có sự mập mờ, không đánh đồng, xử lý đúng người đúng tội theo quan điểm tiến bộ,” ông Nguyễn Xuân Lập nói.

Tư vấn điều trị cai nghiện ma túy. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, trong thời gian trước đây, cứ dương tính với ma túy đều đưa vào cơ sở cai nghiện, cách tiếp cận này nếu làm không tốt có thể vi phạm quyền công dân, quyền con người. Nếu tiếp cận có phân loại thì trong 100 người chỉ có 20-30 người vi phạm phải đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Để đổi mới công tác cai nghiện ma túy, hệ thống pháp luật đang sửa đổi dần. Các mô hình, quy trình cai nghiện mới đang được manh nha hình thành.

“Học tập Hoa Kỳ mô hình về tòa án ma túy, Tòa án tối cao đã ra quyết định thành lập ban nghiên cứu, xây dựng mô hình tòa án ma túy ở Việt Nam. Mô hình này giống Việt Nam là có nhân viên quản lý ca, quản lý trường hợp, ở tòa có sự tham gia của thẩm phán, các cơ quan phối hợp có y tế, công an, lao động. Nếu như chúng ta có ‘kiến trúc sư’ xâu chuỗi lại thì mô hình cai nghiện ma túy ở Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện,” ông Nguyễn Xuân Lập nói.

Trước đây, các trung tâm có thể quản lý sau cai nghiện 12-24 tháng nhưng trong 5 năm qua, Việt Nam đã xóa bỏ toàn bộ cơ sở quản lý sau cai để đảm bảo quyền công dân, quyền con người.

Ông Nguyễn Xuân Lập cho hay, các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được chuyển đổi thành cơ sở đa chức năng: Thực hiện cai nghiện bắc buộc theo quyết định của tòa án từ 12-24 tháng; điều trị cai nghiện tự nguyện từ 6 tháng trở lên, lưu giữ người sử dụng ma túy trái phép không có nơi cư trú hỗ trợ cắt cơn, giải độc… ; điều trị thay thế bằng Methadone… dạy nghề tạo việc làm, tư vấn tâm lý xã hội cho đối tượng này; phát triển điểm tư vấn vệ tinh tại cộng đồng hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng.

Việc cai nghiện ma túy đang dần được xã hội hóa, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng. Hiện nay, không chỉ cai nghiện bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ mà cả cai nghiện tự nguyện cũng được hỗ trợ.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy cho biết, mỗi tháng viện nhận trên trăm cuộc gọi qua hotline, tư vấn hàng chục ca về ma túy, tiếp nhận nhiều trường hợp tham gia cai nghiện bằng phương pháp hỗ trợ chống tái nghiện ma túy bằng liệu pháp tâm lý”.

Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng các loại ma túy mới gây ra những tổn thương nghiêm trọng về tâm thần cho người sử dụng. Việc cai nghiện muốn hiệu quả bắt buộc phải có sự can thiệp về sức khỏe tâm thần. Do đó, chương trình cai nghiện liên kết với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương…

Để đổi mới công tác cai nghiện đem lại hiệu quả tốt hơn, phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã giao Bộ Công an sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma túy 2008. Bộ Tư pháp cũng đang tổng kết, đánh giá bất cập luật xử lý vi phạm hành chính với công tác cai nghiện. Các báo cáo, dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2020. Như vậy, công tác cai nghiện sẽ đổi mới toàn bộ với quy trình phân loại, chuyển gửi, tạo thành mô hình cai nghiện khép kín từ gia đình, xã hội, cộng đồng./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-mo-hinh-cai-nghien-ma-tuy-tang-them-cac-dich-vu-ho-tro/579328.vnp