Chuyển đổi mã vùng viễn thông cố định giúp khai thác hiệu quả tài nguyên số

Chỉ còn hơn một tháng nữa, mã vùng điện thoại cố định (ĐTCĐ) sẽ chính thức được chuyển đổi. Mặc dù việc chuyển đổi được dự báo sẽ gây tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và nhất là doanh nghiệp trên cả nước, nhưng đây là việc làm cần thiết để điều chỉnh và bảo đảm kho số viễn thông được sử dụng hiệu quả.

Khoảng năm triệu thuê bao ảnh hưởng

Theo lộ trình, giai đoạn đầu của kế hoạch chuyển đổi mã vùng ĐTCĐ sẽ bắt đầu vào 0 giờ ngày 11-2-2017, giai đoạn ba (cuối cùng) sẽ kết thúc vào ngày 31-8-2017 với việc toàn bộ mã vùng của các địa phương trên cả nước được chuyển đổi và đưa vào khai thác, sử dụng đúng theo Quy hoạch kho số viễn thông, ban hành kèm Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động hoặc quốc tế đến khoảng năm triệu thuê bao cố định trên cả nước hiện nay sẽ phải chịu tác động của kế hoạch này, khiến việc liên lạc của người dân sẽ không tránh khỏi bị gián đoạn. Các cơ quan, tổ chức và nhất là khối doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, trước hết là việc phải làm lại tất cả các sản phẩm có gắn mã vùng như biển quảng cáo, danh thiếp, tờ rơi, bao bì,...

Chị Hoàng Thúy Ngân, chủ một cửa tiệm bánh pi-za mới mở trên phố Đào Tấn (Hà Nội) than thở: Tôi vừa bỏ ra chi phí lớn cho việc in và thuê người phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ giao bánh pi-za tận nhà thì nay lại đổi số điện thoại. Có lẽ, lại phải mất thêm vài chục triệu đồng nữa để... quảng cáo từ đầu. Với các doanh nghiệp kinh doanh ta-xi, dịch vụ gọi xe chủ yếu thông qua điện thoại cố định cũng bị thiệt hại rất lớn. Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi tải Hà Nội Nguyễn Phúc Thành tính toán: Riêng việc sơn sửa, dán lại quảng cáo cho mỗi xe cũng sẽ “ngốn” của doanh nghiệp ngót nghét gần một triệu đồng. Hãng ta-xi càng lớn, đầu xe càng nhiều sẽ càng tốn kém, cộng thêm chi phí in ấn lại các sản phẩm quảng cáo, có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Ngoài thiệt hại trực tiếp về kinh tế, các doanh nghiệp còn phải chịu những ảnh hưởng “vô hình” từ việc thay đổi số điện thoại gây ra. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và vận tải Hồng Nhung (Văn Quán, Hà Nội) Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ: Cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải và du lịch hiện nay rất gay gắt. Nếu số điện thoại bị thay đổi, khách hàng không liên lạc được thì sẽ gọi công ty khác ngay và như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị “mất khách”. Mặc dù đây là khó khăn chung, nhưng ảnh hưởng chắc chắn sẽ không nhỏ.

Riêng đối với một số hệ thống siêu thị lớn, sử dụng đường dây nóng tổng đài 1900, mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn so với các đơn vị sử dụng số điện thoại thông thường. Đại diện chuỗi siêu thị VinMart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết: Rất may, hệ thống bán hàng trực tuyến “A đây rồi” (adayroi.com) của VinMart sử dụng đường dây nóng số tổng đài đầu 1900 cho nên việc chuyển đổi mã vùng ĐTCĐ chỉ gây tác động nhỏ đến hoạt động của hệ thống này.

Hướng đến lợi ích lớn hơn

Thực tế, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động hoặc quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông. Như vậy, tác động của việc chuyển đổi mã vùng ĐTCĐ là có, nhưng sẽ không quá lớn và cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian trước khi người dân quen với mã vùng mới. Bên cạnh đó, đây là việc làm cần thiết, mang lại nhiều lợi ích lớn và bền vững hơn nhiều so với những ảnh hưởng tiêu cực gây ra.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Kế hoạch chuyển đổi mã vùng ĐTCĐ là một trong những bước triển khai để quy hoạch lại kho số viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động trong giai đoạn tới. “In-tơ-nét vạn vật” sẽ trở thành xu hướng chủ đạo của công nghệ trong tương lai với dự báo sẽ có khoảng 50 tỷ kết nối di động vào năm 2050. Trong bối cảnh bùng nổ của thông tin di động và nhu cầu kho số tiếp tục tăng, việc triển khai quy hoạch kho số mới sẽ có thêm hàng tỷ số để phục vụ phát triển “in-tơ-nét vạn vật” về lâu dài.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, những năm qua, do quá trình chia tách/hợp nhất giữa các địa phương đã dẫn đến độ dài mã vùng của Việt Nam thiếu nhất quán. Trong khi có tỉnh mã vùng dài đến ba chữ số thì tỉnh khác lại chỉ có một hoặc hai chữ số, rất dễ gây nhầm lẫn. Việc chuyển đổi mã vùng sẽ tạo ra một bảng mã vùng mới dễ nhớ hơn đối với người sử dụng; đồng thời mở ra cơ hội giảm mã vùng trên toàn quốc từ 63 hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng vùng chỉ phải trả cước thấp (cước nội hạt). Một mục tiêu quan trọng khác mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng tới sau khi chuyển đổi tất cả mã vùng về đầu số 2, sẽ thu lại thêm nhiều đầu mã (1, 3, 4,…) để chuyển các thuê bao di động 11 số hiện nay về 10 số. Điều này sẽ góp phần hạn chế nạn sim “rác”, tin nhắn “rác” mà chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 số trong suốt thời gian qua. Có thể nói, việc chuyển đổi mã vùng là để bảo đảm tài nguyên viễn thông được sử dụng hiệu quả, góp phần cho thị trường viễn thông phát triển bền vững, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân và xã hội.

Phó Cục trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: Để giảm xuống mức thấp nhất ảnh hưởng của việc chuyển đổi mã vùng, việc chuyển đổi trước hết đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, đến các cơ quan quản lý viễn thông nước ngoài và Liên minh Viễn thông quốc tế trước thời điểm chuyển đổi ít nhất 60 ngày. Bên cạnh đó, tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật như quay số song song (gọi cả số cũ lẫn mới đều thành công) trong thời gian 30 ngày, duy trì âm báo tối thiểu 30 ngày tiếp theo để người sử dụng có thời gian làm quen mã vùng mới.

Đại diện của VNPT, nhà mạng chiếm hơn 90% thị phần ĐTCĐ trong nước cho biết: VNPT đã chủ động lên kế hoạch giảm xuống mức thấp nhất sự bất tiện cho khách hàng và hiện đã sẵn sàng thực hiện theo đúng lộ trình Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra. Tất cả các phương án kỹ thuật cần thiết đều đã được thử nghiệm và sẵn sàng thực hiện khi đến thời điểm yêu cầu. Nhà mạng này cũng xúc tiến, phối hợp 13 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác, bảo đảm việc đổi số sẽ được thực hiện nhanh chóng, không để xảy ra sự cố nào. Đáng chú ý, VNPT quyết định sẽ thực hiện chuyển mã vùng vào ban đêm, dự kiến diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ. Trong trường hợp phát sinh nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, VNPT sẽ khôi phục lại dịch vụ như cũ để bảo đảm khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ bình thường trong sáng hôm sau.

Kế hoạch chuyển đổi mã vùng

Giai đoạn 1 từ ngày 11-2-2017 tại 13 địa phương: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Giai đoạn 2 từ ngày 15-4-2017 tại 23 địa phương: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Giai đoạn 3 từ ngày 17-6-2017 tại 23 địa phương còn lại. Giữ nguyên mã vùng của bốn tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31657902-chuyen-doi-ma-vung-vien-thong-co-dinh-giup-khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-so.html