Chuyện đôi dép tổ ong trong 'Để yên cho bác sĩ hiền'

Đã quá trưa, bác sĩ Ngô Đức Hùng vẫn mỏi tay ký sách 'Để yên cho bác sĩ hiền' tặng độc giả. Anh vui vẻ trò chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về những lựa chọn trong cuộc đời mình mà anh cho là đúng. Chẳng hạn, tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội với bằng giỏi sau 11 năm học liên tục, đi tu nghiệp nhiều nơi trên thế giới nhưng anh vẫn quyết ở lại Việt Nam làm bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai); viết sách kể chuyện nghề nghiệp, cuộc đời mình để mọi người hiểu được phần nào công việc của các y bác sĩ...

Viết từ những cảm xúc rất riêng…

- PV: Một bác sĩ ra sách nhưng không phải một cuốn sách thiên hướng học thuật, chắc hẳn hồi nhỏ anh có niềm đam mê với văn học nghệ thuật?

- Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Tôi bộc lộ thiên hướng yêu thích nghệ thuật từ khi còn rất nhỏ. Tôi say mê đọc sách, vẽ tranh. Khi Việt Nam mới phổ biến đàn organ, tôi đã theo học rồi gắn bó mấy năm. Nhưng, gia đình tôi lại có truyền thống làm nghề y, bố tôi làm nghề y đời thứ tư trong gia đình. Bởi gia đình rất muốn tôi có công việc ổn định nên hướng tôi theo ngành y. Đó là cơ duyên của tôi với nghề bác sĩ. Cuối cùng tôi xác định đó là nghiệp mình phải theo.

- Vậy còn mối duyên để anh viết sách thì sao, liệu có phải mối duyên ấy bắt đầu từ... viết nhật ký?

- Tôi luôn nghĩ mình cần làm tốt nhất việc đã chọn và việc tôi chọn là ngành y. Nếu không làm tốt thì tôi sẽ bị đào thải. Tôi bắt đầu viết năm 2011, viết từ cảm xúc cá nhân. Hồi đó, tôi nghĩ viết cho mình và không có ai đọc cả. Nhưng bất ngờ những điều tôi viết lại “chạm” tới những người dùng mạng xã hội Facebook. Thành ra tự nhiên, tôi tiếp tục những câu chuyện cũ, chuyện mới. Rồi cảm xúc của tôi thay đổi, trưởng thành theo tháng năm. Khoảng thời gian 6-7 năm tôi viết, rất may nó trải dài và xuyên suốt thành một mạch. Bạn bè, đồng nghiệp khuyên tôi ra cuốn sách này, tôi bèn tập hợp lại, cùng bạn mình biên tập. Cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền” ra đời như vậy, những trang sách có những cảm xúc vui buồn, mỗi một bệnh nhân với tôi là một kỷ niệm.

Chờ đợi sự phản hồi của độc giả

- Không chỉ viết, anh còn vẽ minh họa cho cuốn sách, tôi thấy ai cũng tò mò về đôi dép tổ ong trên bìa sách “Để yên cho bác sĩ hiền”?

- Ban đầu tôi vẽ chân một người đi giày, nhưng hầu hết đồng nghiệp tôi… phản đối, vì chúng tôi khi tới viện đều phải bỏ hết giày ra đi dép tổ ong. Đôi dép tổ ong thân quen với bác sĩ lắm!

- Với độc giả, với ngành y anh đang gắn bó, anh mong đợi điều gì khi cuốn sách “Để yên cho bác sĩ “hiền” ra đời?

- Điều tôi mong không to tát đâu, sách hướng đến độc giả, tôi sẽ chờ đợi các độc giả nhiều lứa tuổi phản hồi về cuốn sách như thế nào, họ hiểu được công việc của bác sĩ ra sao, họ có tìm được phần nào của mình trong đó? Vì cuốn sách được viết ra từ cuộc sống thường nhật, nên phản hồi tốt hay xấu đều là điều đáng quý, giúp cho tôi hiểu về cuộc sống. Còn cuốn sách của tôi có chút gì ảnh hưởng, tác động đến ngành y hay chăng, đó là điều quá to tát, tôi không dám hy vọng lớn rằng tất cả mọi người có thể thông cảm với ngành y bởi câu chuyện của ngành y là câu chuyện của cả xã hội. Cuốn sách này ra là những suy nghĩ của cá nhân, với tôi, cuốn sách đóng vai trò giúp mọi người hiểu được một phần công việc của các y bác sĩ là đủ rồi.

- Anh có thể bật mí về một vài dự định sắp tới của mình?

- Dự kiến sắp tới tôi sẽ viết một cuốn sách dành cho cộng đồng, tôi muốn nâng cao ý thức của cộng đồng hiểu về các vấn đề sức khỏe cơ bản, cái đó cộng đồng rất cần và đang rất thiếu. Khi mọi người có ý thức chăm sóc sức khỏe, các y bác sĩ chúng tôi sẽ bớt áp lực. Bệnh nhân hiểu biết hơn về sức khỏe, họ vào viện sẽ có thái độ hợp tác với bác sĩ hơn.

Nguyễn Ngọc Trâm (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/chuyen-doi-dep-to-ong-trong-de-yen-cho-bac-si-hien/760659.antd