Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo báo cáo của Sở NN-PTNN, tính đến đầu năm 2019, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 15.000ha trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Đa phần các diện tích chuyển đổi cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Ông Phạm Thanh Tú (ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền) chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng ớt mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Phạm Thanh Tú (ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền) chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng ớt mang lại giá trị kinh tế cao.

NHIỀU MÔ HÌNH MỚI TĂNG THU NHẬP

Ông Võ Văn Huy (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết: Gia đình ông có gần 3ha trồng lúa, nhưng do cánh đồng nằm ở khu vực cao bị khô hạn, không đủ nước sản xuất lúa, do đó năng suất lúa thấp. Năm 2016, theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông chuyển sang trồng luân canh cây lúa với các cây hoa màu ít tốn nước như bắp và đậu phộng trên diện tích 1,5ha. “Nếu như 1 năm, 2 vụ lúa tôi thu về khoảng hơn 20 triệu đồng/1,5ha thì khi chuyển sang luân canh “2 lúa, 1 màu”, tôi có thêm thu nhập gần 30 triệu đồng nữa. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ và giá bán của bắp, đậu phộng luôn ổn định nên tôi cũng yên tâm về đầu ra”, ông Huy cho biết thêm.

Hiện gia đình ông Võ Văn Huy đang được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tiếp tục chuyển sang trồng bắp và đậu phộng trên diện tích 1,5ha trồng lúa kém hiệu quả còn lại.

Là một trong những hộ có diện tích đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả tại huyện Long Điền, ông Phạm Thanh Tú (ấp An Đồng, xã An Nhứt) cho biết: Nhiều năm trước, gia đình ông trồng hơn 1,5ha lúa, năng suất lúa được khoảng 5 tấn/ha. Tuy nhiên, do đất trồng lúa chủ yếu là cát, lại nằm ở vị trí cao nên chỉ sản xuất được 1 vụ, chi phí phân bón, nước tưới cũng cao hơn so với các vùng trồng lúa khác. Vào mùa khô toàn bộ diện tích đều phải bỏ hoang vì không có nước. Năm 2015, ông Tú mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây như ớt, bông và rau ăn lá. Năm đầu ông vẫn duy trì trồng lúa vào vụ Đông Xuân, các vụ còn lại ông chuyển đổi trồng ớt và trồng bông. Nhận thấy hiệu quả gấp 6-7 lần so với trồng lúa, năm 2016 ông chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng ớt. Mỗi năm ông trồng luân canh 2-3 vụ, thu nhập tăng cao với trước đây. Hiện nay, giá ớt được thương lái thu mua có lúc lên đến hơn 30.000-40.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định hơn.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Phát, cán bộ nông nghiệp xã An Nhứt, là địa phương chuyên canh trồng lúa, tuy nhiên có khoảng 10ha diện tích không hiệu quả do thường xuyên thiếu nước tưới và bị mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô, nên năng suất và chất lượng rất kém. Hiện nay một số diện tích đã được bà con chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày khác như ớt, rau ăn lá… phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao, ban nông nghiệp xã kết hợp cùng các đơn vị khuyến khích, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi sang loại cây trồng ngắn ngày phù hợp, đồng thời phổ biến kỹ thuật canh tác mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.

TIẾP TỤC GIẢM DIỆN TÍCH TRỒNG LÚA KÉM HIỆU QUẢ

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm hơn 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; trong đó gần 332ha được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như bắp, khoai mì, đậu phộng…; hơn 37ha chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác.

Đơn cử như tại huyện Châu Đức, trong năm 2018 đã chuyển đổi thành công hơn 160ha chủ yếu là trên loại đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ngắn ngày và cây lâu năm, tập trung tại một số xã như Kim Long, Bình Trung, Bàu Chinh, Suối Rao, Suối Nghệ, Đá Bạc… Dự kiến đến năm 2020, huyện Châu Đức sẽ chuyển đổi thêm hơn 36ha trồng các loại khoai mì, bắp, mít Thái siêu sớm, mãng cầu, bưởi… Ông Lê Quý Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết: Huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia HTX, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay. Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho từng loại cây trồng chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho nông dân.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, để việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo các địa phương trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đối với trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích nông dân sản xuất những sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển của tỉnh để dễ quản lý năng suất, chất lượng và đặc biệt là liên kết với thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201908/chuyen-doi-dat-trong-lua-kem-hieu-qua-sang-cay-co-gia-tri-kinh-te-cao-869546/