Chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản: Hướng đi đúng

Những năm qua, từ việc thực hiện đề án chuyển diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân trong tỉnh đã kết hợp việc nuôi, thả cá nước ngọt, nước lợ với mô hình V.A.C (vườn, ao, chuồng) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch cá rô phi tại ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Trung Cường (thôn Hải Yên, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà).

Thu hoạch cá rô phi tại ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Trung Cường (thôn Hải Yên, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà).

Vào thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Trung Cường (thôn Hải Yên, xã Quảng Thành. huyện Hải Hà) đang tập trung thu hoạch cá trong ao nuôi hơn 2.800m2 của gia đình. Được biết, từ chủ trương của địa phương trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cuối năm 2010, ông Cường đã thực hiện dồn điền, đổi thửa với một số hộ dân trong thôn để đào ao nuôi cá nước ngọt, hình thành lên vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình.

Ông Cường cho biết: Với diện tích trên, vụ nuôi vừa rồi, gia đình tôi thả nuôi hơn 1 vạn cá giống. bao gồm: Rô phi, trôi, trắm và cá trê. Đến thời điểm này, mặc dù chưa thu hoạch hết, nhưng gia đình tôi đã thu được hơn 5 tấn cá. Với gần ba chục hộ nuôi trong toàn xã, chúng tôi liên kết với nhau, bố trí thời gian thu hoạch luân phiên để việc bán cá được thuận lợi. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cấy lúa.

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của nông dân xã Hồng Phong (TX Đông Triều).

Vừa chỉ tay giới thiệu cho chúng tôi những ao nuôi cá nước ngọt rộng hơn 3ha của gia đình, bà Lê Thị Thà (thôn Ðoàn Xá 1, xã Hồng Phong, huyện Ðông Triều) chia sẻ: Trước đây, do cấy lúa kém hiệu quả, toàn bộ khu đất ruộng này bị bỏ hoang. Từ khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, gia đình tôi đã mua lại mấy ha, đào ao thả cá rô phi. Sau nhiều năm thả nuôi, năng suất cá đạt bình quân 6-8 tấn/ha. Trừ chi phí, mức lợi nhuận đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Ðến nay, cùng với việc đầu tư sửa sang lại hệ thống ao đầm, ứng dụng phương pháp nuôi mới, năng suất bình quân đạt hơn 10 tấn/ha, cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Nuôi cá lăng trong lồng tại xã Yên Than (Tiên Yên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả được các địa phương cũng như người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tiêu biểu như TX Đông Triều đã chuyển đổi được gần 645ha tại 7 xã, phường (Hồng Phong, Kim Sơn, Yên Đức, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông, Hoàng Quế, Tân Việt). Đến nay, 100% diện tích chuyển đổi đã được thả nuôi các loại cá nước ngọt như: Trắm, chép, mè... cho năng suất bình quân 4-5 tấn/ha. Hay như các dự án đầu tư xây dựng vùng chuyển đổi đất hoang hóa và cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tại phường Hải Hòa (TP Móng Cái); xã Sông Khoai, phường Nam Hòa (TX Quảng Yên)... đều đã được người dân đầu tư hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân phường Hưng Đạo (TX Đông Triều) nuôi cá lồng bè trên sông.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Trong những năm qua, đã có nhiều dự án chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt là các vùng nuôi cá rô phi, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tạo công việc và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi. Chi cục cũng đã chủ động liên hệ với Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh cung các cơ sở sản xuất giống khác để cung cấp con giống cho người dân. Tại mỗi địa phương, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật nằm vùng, hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình kỹ thuật.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng đã cho kết quả tốt. Riêng đối với nuôi cá rô phi, sau hơn bảy tháng nuôi, kích cỡ cá rô phi thu hoạch trung bình đạt 0,54kg/con; năng suất cá nuôi bình quân khoảng 13 tấn/ha, cho doanh thu hơn 340 triệu đồng/ha, lợi nhuận mang lại khoảng 60-80 triệu đồng/ha.

Hữu Việt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/chuyen-doi-dat-nong-nghiep-kem-hieu-qua-sang-nuoi-trong-thuy-san-huong-di-dung-2434453/