Chuyện đời của tác giả 'Phố đêm'

'Phố đêm đèn mờ giăng giăng/Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên/Phố đêm nhiều lần suy tư/Ghi nhớ còn trong đời/Những ngày thương tích lớn…' . Ca khúc đầu tay của cố nhạc sỹ Tâm Anh cũng là ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Ngày tác giả “Phố đêm” đưa nàng về dinh, chia tay âm nhạc. Ảnh: Do con trai nhạc sỹ cung cấp

Ngoài “Phố đêm”, Tâm Anh còn viểt một chuỗi “Chuyện tình”: “Chuyện tình không dĩ vãng”, “Chuyện tình không đam mê”, “Chuyện tình không hối tiếc”, “Chuyện tình không suy tư”…

Qua nhạc sỹ Tiến Luân, tác giả “Quê em mùa nước lũ”, tôi được biết những người thân của cố nhạc sỹ Tâm Anh. Đó là vợ của ông và con trai út của ông. Nhạc sỹ Tâm Anh (1948-2006) tên thật là Trần Công Tâm, sinh ra tại Sài Gòn. Gắn bó với Sài Gòn nên ca khúc của Tâm Anh đậm màu phố thị.

Tác giả “Phố đêm” để lại di sản âm nhạc khá khiêm tốn: Dưới 50 ca khúc, xác nhận của con trai cố nhạc sỹ, anh Trần Công Quốc Anh. Sở dĩ không sở hữu gia tài âm nhạc đồ sộ vì thời gian sáng tác của Tâm Anh ngắn ngủi.

Sau 1975, nhạc sỹ chia tay âm nhạc, ông làm nhiều nghề khác nhau, đến cuối đời, ông quay trở lại với “người tình” thuở trẻ. Đang sáng tác dang dở vài ca khúc thì nhạc sỹ ra đi đột ngột… Một trong những ca khúc Tâm Anh viết dở chính là ca khúc tặng vợ hiền, bà Nguyễn Ngọc Tuyết.

Nhạc sỹ Tâm Anh thời trẻ

Nhạc sỹ Tâm Anh thời trẻ

Vén màn nguyên nhân “ở ẩn” sau 1975

Phu nhân của cố nhạc sỹ Tâm Anh cũng là người Sài Gòn. Thuở trẻ bà Tuyết xinh đẹp, lại là con nhà có điều kiện: “Ba tôi là phó giám đốc hãng tàu 5 sao ở Bạch Đằng”, bà kể.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết là người con thứ 12, con út, trong gia đình: “Tôi có một người anh rể mở một tiệm chụp hình ở ngoài Nguyễn Huệ ngày xưa. Ổng cũng làm phim nữa nên có quen biết Tâm Anh. Ngày ấy, ngoài thời gian đi học tôi có ra tiệm để phụ cho chị tôi, vì thế mới gặp Tâm Anh. Chúng tôi đối với nhau như những người bạn vậy thôi! Sau đó, chúng tôi cùng tham gia một hội chợ. Anh Tâm Anh mở gian hàng chuyên về âm nhạc. Anh rể tôi mở gian hàng về nghệ thuật chụp hình, có bán cả máy ảnh nữa. Tôi ra coi gian hàng nên lại gặp Tâm Anh. Thời điểm này, Tâm Anh đang viết ca khúc “Chuyện tình không đoạn kết”. Tụi tôi đi qua đi lại, trưa mời nhau đi ăn cơm. Hội chợ hết thì chúng tôi mất liên lạc khoảng hai năm”.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết kém nhạc sỹ Tâm Anh một tuổi. Tâm Anh khi đó đã là tác giả có tiếng. Ông là một trong những nhạc sỹ may mắn thành công ngay từ ca khúc đầu tay, “Phố đêm”, viết năm 1968, khi Tâm Anh 20 tuổi.

Sau hai năm, cô út cưng của vị phó giám đốc hãng tàu 5 sao gặp lại chàng nhạc sỹ tài hoa.

Phu nhân nhạc sỹ kể tiếp: “Bữa đó, Tâm Anh theo anh rể của tôi về tiệm, chúng tôi hỏi thăm tình hình của nhau thời gian qua. Tâm Anh và anh rể của tôi định làm chung một bộ phim, nhưng không thành. Chúng tôi lại không gặp nhau trong suốt 2 năm. Tuy không gặp nhau nhưng thỉnh thoảng Tâm Anh vẫn qua Nguyễn Huệ, con phố tài tử giai nhân. Ảnh đi ngang tiệm của tôi, có lúc nhòm thấy tôi thì chào tôi, tôi cũng chào lại, vậy thôi. Nhiều khi ảnh đi với người yêu của ảnh nữa. Tôi cũng tỉnh bơ. Bởi lúc đó chưa có tình cảm gì nhiều.

Một thời gian sau, Tâm Anh tới chơi thường xuyên, khiến chị tôi hỏi tôi: “Có chịu không mà sao người ta cứ tới hoài vậy?”. Tôi đáp: “Chỉ là bạn bè thôi à”. Nhưng chị tôi mách mẹ tôi: Có người nhạc sỹ đang mến gái út. Mẹ tôi không thích Tâm Anh vì bà cho rằng, nhạc sỹ hay lãng mạn, lại khổ con gái bà. Mẹ đem chuyện kể với ba.

Khi ấy các anh chị tôi đều đã lập gia đình, chỉ còn tôi rảnh rang. Ba tôi nói với Tâm Anh: Nếu muốn tiến tới với con gái của ông thì không được làm nhạc nữa. Ba tôi muốn ảnh đi làm trong hãng của ba. Tuy nhiên, ba không ép ảnh mà cho thời gian suy nghĩ, quyết định. Ngoài ba má thì các anh chị không phản đối chuyện của tôi và Tâm Anh. Vì cả nhà tôi ai cũng thích nhạc, thích bản “Phố đêm”.

Gia đình nhạc sỹ Tâm Anh

“Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây/ Thương lá vàng úa tàn/Mây bơ vơ bay khắp nẻo vô tình/Cho người yêu ước mơ…” Tác giả của những câu hát giàu chất thơ mê âm nhạc từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Đề nghị ông lựa chọn giữa tình yêu và âm nhạc, khiến ông bối rối: “Chắc ảnh tự ái với đề nghị của ba tôi nên bẵng đi một thời gian ảnh không đến thăm tôi. Ảnh còn đi với một vài cô gái ngang qua tiệm tôi hoài. Thành ra tôi nghĩ không có duyên nợ với nhau rồi. Vì nếu có duyên nợ làm sao ảnh dám cặp đi ngang qua mình? Chúng tôi gặp nhau cứ cúi đầu chào nhau.

Thế rồi, bất ngờ Tâm Anh nói với chị tôi là ảnh muốn cưới tôi. Chị tôi ngạc nhiên: Ủa, thấy cậu đi với nhiều cô lắm mà? Suy nghĩ kỹ chưa? Tâm Anh đáp: Đã suy nghĩ kỹ. Và giải thích mấy người đi cùng ảnh là bạn thôi, không có gì. Chị tôi cũng thông cảm vì anh rể tôi cũng làm nghệ thuật. Nghệ sỹ làm gì không có cô nọ, cô kia, chỉ đến khi có vợ con thì mới “tu chí” được.

Bữa đó trời mưa, Tâm Anh tới tiệm tôi chơi, lần đầu tiên ảnh kể về cuộc đời ảnh, từ nhỏ tới lớn. Cha mất khi ảnh mới 3 tuổi. Mẹ mở tiệm may nuôi con học tới đại học, ảnh tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Phú Thọ. Mẹ ảnh từng muốn ảnh đi làm, không muốn ảnh học đại học, nhưng ảnh vẫn quyết chí học đến cùng. Học xong đại học, ảnh ra làm ngành thuế, thuế vụ đó. Nhưng ảnh làm thuế vụ một thời gian thì chán, vì phải ngồi 8 tiếng công sở.

Thấy người ta làm nhạc ảnh thích nên sáng tác bản “Phố đêm”. Nổi tiếng luôn. Dù má ảnh năn nỉ quá trời ảnh vẫn không chịu trở lại ngành thuế”, bà Ngọc Tuyết vừa kể, vừa cười. Bà gật đầu làm vợ nhạc sỹ Tâm Anh, sau khi nghe chuyện đời ông kể. Bà thương người đàn ông mồ côi cha sớm, tuy vất vả vẫn ráng học hành và mê giọng nói của ông: “Tâm Anh lúc nào cũng nhỏ nhẹ, hiền từ, chẳng bao giờ lớn tiếng”.

Tác giả “Phố đêm” đã lựa chọn đi theo tiếng gọi tình yêu, gác lại sự nghiệp âm nhạc. Đây là giải đáp của phu nhân nhạc sỹ cho băn khoăn bấy lâu của người yêu nhạc: Vì sao Tâm Anh “ở ẩn” sau 1975?

Chấp nhận thua thiệt, không bao giờ than vãn

Năm 2005, Tâm Anh bỗng dưng tái xuất bởi một vụ việc đáng buồn. Trong album của Đàm Vĩnh Hưng “Tình ca 50” có sử dụng bài “Phố đêm” nhưng lại ghi tên một tác giả khác và lời bài hát bị sửa. Cha đẻ thực sự của ca khúc vốn ẩn dật bấy lâu phải làm đơn khiếu nại để bảo vệ đứa con của mình. Bà Tuyết nhớ lại: “Thường ảnh đi làm đến tối mới về. Bữa trưa hôm đó ảnh về, kể cho tôi nghe sự việc. Tôi bảo: Bản “Phố đêm” ai chả biết, đến mấy anh bán kẹo kéo còn hát hoài. Chúng tôi cùng tìm đến hãng đĩa Lạc Hồng, đơn vị sản xuất và phát hành album của Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng hôm ấy là chủ nhật, người ta đóng cửa. Sau đó, ảnh phải chứng minh “Phố đêm” là của ảnh. Ảnh đưa ra hợp đồng ảnh ký với đĩa hát Sóng Nhạc năm 1968.

Cuối cùng “Phố đêm” được trở về chính chủ. Nhưng ảnh phải lên báo xin lỗi ông nhạc sỹ nọ, vì ông ấy bảo không đạo nhạc mà do Đàm Vĩnh Hưng tự đưa tên ổng vào phần tác giả. Sự việc này khiến Tâm Anh buồn, nhưng ảnh nói với tôi: “Bỏ đi, mình thấp cổ bé họng mà”. Tôi nghe nói Đàm Vĩnh Hưng bị phạt, còn Tâm Anh không được bồi thường cũng chẳng được tiếng xin lỗi của ai. Hiền quá mà. Cái gì ảnh cũng bảo, kệ”.

Sau khi chia tay âm nhạc, tác giả “Phố đêm” trải qua nhiều nghề. Vợ ông khen: “Ảnh giỏi lắm, làm gì cũng giỏi”. Sau giải phóng, Tâm Anh nghỉ việc ở hãng tàu. Hãng tàu của Pháp đã bảo trợ cho cha vợ của Tâm Anh cùng người thân sang Pháp sinh sống nhưng má vợ của Tâm Anh không muốn xa xứ, nên tất cả ở lại Sài Gòn.

Lúc ấy, anh rể của bà Tuyết cũng dẹp tiệm ảnh, trở thành cổ đông của Hợp tác xã Trường Sơn, chuyên làm xe đạp. Tâm Anh cũng về hợp tác xã làm, sau giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Trường Sơn. Khi hợp tác xã giải thế, tác giả “Phố đêm” chuyển sang làm xây dựng, ông trở thành đội trưởng đội thi công và về hưu khi chưa đầy 60 tuổi. Lúc này, nhạc sỹ mới nói với vợ: “Bây giờ ba mất rồi, anh cũng tròn bổn phận làm rể, con cái cũng cưới vợ hết rồi, cho anh được sáng tác trở lại”.

Bà ủng hộ chồng. Ông lại nói: “Hồi nào tới giờ anh chưa viết nhạc cho em. Thôi bây giờ anh viết bản nhạc cho em lấy tên là người vợ hiền nhé”. Nhưng chưa viết xong thì Tâm Anh ra đi. Có nhạc sỹ đề nghị được viết tiếp bản nhạc cho trọn vẹn nhưng hai con của Tâm Anh không chịu.

Nói về chồng, bà Tuyết chỉ dành lời khen, không một tiếng chê: “Ảnh ít tâm sự với ai lắm. Chỉ để trong lòng. Vui thì nói ra, buồn thì không nói. Một người sống nội tâm. Ảnh rất thương người, bạn bè gặp khó khăn, than thở là ảnh giúp hết đó”. Bà kể, nhạc sỹ Tâm Anh có một người chị gái chẳng may qua đời sớm, để lại đứa con thơ dại mới 3 tuổi. Nhạc sỹ Tâm Anh đã nuôi đứa cháu từ khi 3 tuổi đến khi trưởng thành, cho ăn học đàng hoàng. Nay, người cháu của nhạc sỹ đã định cư ở nước ngoài.

“Khi ảnh mất, cả xóm ai cũng đi hết. Người ta thương ảnh đến nỗi con cháu người ta sinh ra cũng đặt tên Tâm Anh luôn à. Ở khu phố nào ảnh cũng làm tổ trưởng hết trơn. Ảnh mất, tôi rất buồn, tôi khóc hoài, cứ nhắc đến ảnh là tôi khóc”, bà Tuyết bùi ngùi. Nếu kể một tật xấu của chồng, bà chỉ than ngày xưa ông hút thuốc lá nhiều: “Một ngày ảnh hút 2,3 gói gì đó. Tôi nói hoài không được. Nên tôi không nói nữa. Mỗi lần đâu đó viết về tác hại của thuốc lá tôi lại mang để lên bàn làm việc của ảnh. Thế rồi ảnh bỏ luôn. Ảnh nói: Thôi em đừng để trên bàn anh nữa nghe, anh coi đủ rồi”.

Cho đến bây giờ, nhắc tới chồng bà Tuyết vẫn dễ dàng rơi nước mắt. Mỗi khi nhạc sỹ Tiến Luân tới nhà chơi, nhắc tới Tâm Anh, bà Tuyết lại khóc: “Hôm nào tôi cũng đứng bên bàn thờ nói chuyện với Tâm Anh”, bà chia sẻ. Bà Tuyết có giọng ca hay, bà yêu và thuộc lòng ca khúc của chồng. Kết thúc cuộc trò chuyện, bà hát mấy câu trong nhạc phẩm nổi tiếng “Chuyện tình không dĩ vãng”: “Đèn soi bóng đêm/Sương rơi chân mềm/Sao rơi bên thềm/Hàng cây giá băng/Xoay cơn mê đầy tìm đến bên em/Vòng tay ngỡ ngàng nghe đắng môi trắng đêm/Anh hỡi anh, lời hứa xưa đã phai/Anh ơi có hay/Thành phố không đêm ngày/Ai khóc ai sau này”.

Những chuyện tình còn lại

Khi nhạc sỹ Tâm Anh ra đi, nhạc sỹ Tiến Luân vô cùng thương tiếc: “Ảnh hiền quá, mà ra đi đột ngột”, tác giả “Quê em mùa nước lũ” chia sẻ. Trong lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, Tâm Anh biết mình mang trọng bệnh. Từ khi nhận hung tin đến khi ra đi quá nhanh, khiến người thân, bạn bè của ông không khỏi bàng hoàng. Tiến Luân đã viết tặng Tâm Anh ca khúc “Những chuyện tình còn lại” lấy cảm hứng từ chuỗi ca khúc “Chuyện tình” của nhạc sỹ tài hoa.

Trong di sản âm nhạc của nhạc sỹ Tâm Anh để lại có một ca khúc mang tên “Khi tôi chết”: “Khi tôi chết ai là người xây mộng/Ai sẽ buồn sẽ khóc tiễn đưa tôi…”. Theo bà Tuyết, “Khi tôi chết” là một bài thơ của chị gái ruột của bà, được nhạc sỹ Tâm Anh phổ nhạc.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-doi-cua-tac-gia-pho-dem-post1343433.tpo