Chuyện đời của 'Người thợ lò ngày ấy'

Cuốn truyện ký 'Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy' được giới thiệu đến bạn đọc trong tháng 4/2021 do Nhà Xuất bản Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ấn hành.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt tặng sách cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt tặng sách cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Từ lúc là một cậu bé hiếu học nơi vùng quê nghèo đến hình ảnh chàng thanh niên kỹ sư mỏ luôn hết lòng với công việc; người lãnh đạo tận tâm, tận lực…, lần đầu tiên cuộc hành trình chất chứa nhiều ký ức, kỷ niệm và sự kiện này được đồng chí Phạm Thế Duyệt kể chân thực trong cuốn truyện ký “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” của tác giả - nhà báo Hồng Liên.

Người lãnh đạo dung dị

Cuối năm 1986, một giám đốc nông trường cao su của tỉnh Gia Lai – Kon Tum kỷ luật nhiều cán bộ công nhân viên “dám” không đồng thuận, phản đối những việc làm mất dân chủ của mình. Mâu thuẫn giữa ông giám đốc và tập thể người lao động lên tới đỉnh điểm, ông này bắt 6 - 7 công nhân nhốt vào thùng phi lớn.

Nhận được báo cáo từ công đoàn cơ sở, đồng chí Phạm Thế Duyệt – khi ấy là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đích thân lập đoàn kiểm tra vào làm việc với địa phương. Dù lãnh đạo tỉnh muốn bảo vệ cán bộ, song ông giữ vững quan điểm “việc nào ra việc ấy”, kiên quyết đề nghị cơ quan chức năng xem xét.

Sau đó, công an ra quyết định khởi tố vụ án. Vụ việc kết thúc với án tù 7 năm dành cho vị giám đốc. Các nạn nhân là cán bộ, công nhân nông trường được phục hồi danh dự và vị trí công tác…

Trong tháng 10/1988, ông Phạm Thế Duyệt về ra mắt và nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội… Thời kỳ này, tại nội thành Hà Nội, bốn vụ việc gay gắt xảy ra khiến ông phải dành bao thời gian, công sức để cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô giải quyết êm xuôi.

Cuốn tự truyện đã phản ánh chân thực, rõ nét từng vụ việc với cách chỉ đạo, xử lý tài ba của vị Bí thư Thành ủy. Đó là vụ tịch thu nhà cùa các đối tượng trong vụ Z30; vụ vỡ quỹ tín dụng; vụ cháy chợ Đồng Xuân; vụ đê Yên Phụ…

Một trong những chi tiết gây xúc động là cái Tết đầu tiên trên cương vị Bí thư Thành ủy, ông Duyệt rất lo lắng, lo làm sao để dân ăn Tết được vui vẻ. Biết tin sinh viên Trường Đại học Giao thông bỏ cơm do gạo bị mốc, Bí thư Phạm Thế Duyệt nói “Thế là bãi thực rồi”…

Vào một ngày Chủ nhật, ông Duyệt đến các trường Đại học: Giao thông, Sư phạm, Thương mại, Văn hóa… để kiểm tra kho gạo của các trường, xem những trường nào đã được cấp đủ số lượng gạo và gạo có đảm bảo chất lượng không? Phát hiện trường nào thiếu gạo thì yêu cầu Sở Lương thực thành phố cung cấp ngay.

Nếu gạo mốc như gạo trong kho Đại học Giao thông Vận tải thì phải đổi ngay để các trường chăm chút bữa ăn cho sinh viên tốt hơn.

Ông nhắc lãnh đạo UBND thành phố và Sở Lương thực tiếp tục lo gạo cho hơn 40 trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội lúc đó, tạo điều kiện cho sinh viên các trường yên tâm học tập.

Đó là một số câu chuyện gắn với cuộc đời, sự nghiệp của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI.

Tất cả những câu chuyện chân thực ấy được ghi lại qua ngòi bút của tác giả Hồng Liên, gói trọn trong tập truyện ký “Phạm Thế Duyệt – Người thợ lò ngày ấy”.

Bìa cuốn truyện ký “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy”.

Qua bút ký của nhà báo Hồng Liên, những hồi ức đẹp từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, là người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước của ông Phạm Thế Duyệt được tái hiện sống động.

Nhà báo Hồng Liên chia sẻ: Là phóng viên viết nhiều mảng Thời sự - Chính trị - Xã hội và may mắn có nhiều dịp đi thực tế các cơ sở ở Hà Nội cùng Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt thời kỳ đầu đổi mới (1988 - 1996), tôi cảm nhận được nhiều trăn trở trong suy nghĩ và sự chỉ đạo của đồng chí - người luôn vượt qua khó khăn vì công việc, vì người nghèo khó, bất hạnh.

Được sự đồng ý của ông, nhà báo Hồng Liên đã viết cuốn truyện ký trong vòng 3 năm với tư liệu được chắt chiu từ những lần đi gặp gỡ nhiều cộng sự của ông; quãng thời gian đi các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và quê hương Hải Dương - Thanh Miện để hiểu sâu sắc vấn đề định viết…

Nhà báo Hồng Liên bày tỏ: Sau khi viết xong, tôi càng hiểu, trân quý ông Phạm Thế Duyệt - người đã sống 85 tuổi đời thật đẹp và có ý nghĩa. Ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành than, cho giai cấp công nhân, cho tổ chức công đoàn và sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Cầm trong tay cuốn truyện ký viết về hành trình cuộc đời của mình, ông Phạm Thế Duyệt xúc động chia sẻ lại lời nói khi chia tay Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng bộ Thủ đô Hà Nội tháng 6/1996: “Tôi đã hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng bộ Thủ đô, nay kiểm lại thật nghiêm túc tôi thấy mình đã giữ được tinh thần ấy cho đến ngày nay.

Tôi sẽ tiếp tục những năm tháng còn lại rèn luyện sức khỏe, giữ vững tình người, giữ vững vai trò người đảng viên sao cho luôn xứng đáng với giai cấp công nhân Việt Nam với Công đoàn Việt Nam và vẫn là người thợ mỏ ngày ấy”.

Góp thêm tư liệu quý

Đồng chí Phạm Thế Duyệt và tác giả cuốn truyện ký - nhà báo Hồng Liên.

Nói về cuốn truyện ký, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: “Tổ chức Công đoàn của chúng ta tự hào có một người thủ lĩnh như đồng chí Phạm Thế Duyệt; tự hào đã lựa chọn, đào tạo và giới thiệu cho Đảng một cán bộ ưu tú để trở thành một nhà chính trị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước...”.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, cuốn sách “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” thay lời tri ân của tổ chức Công đoàn đối với những đóng góp của ông Phạm Thế Duyệt, cũng là món quà có ý nghĩa gửi đến những thế hệ cán bộ Công đoàn và người lao động cả nước, đặc biệt là những người thợ mỏ.

“Chúng ta tin tưởng rằng trong thời kỳ mới, vận hội mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp được dày công vun đắp từ các thế hệ cha anh đi trước, vươn lên giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ” - ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Nhà báo Hồng Liên - tác giả cuốn truyện ký chia sẻ: Truyện ký không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một kho tư liệu để lại cho thế hệ mai sau.

Kho tư liệu ấy được chứa đựng qua những câu chuyện của chàng kỹ sư mỏ luôn hết lòng với công việc; của một lãnh đạo ngành mỏ luôn dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; một người lãnh đạo có phẩm chất nêu gương, khả năng hóa giải mâu thuẫn, tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể…

Những câu chuyện tưởng như đã trôi dần theo dòng chảy của thời gian, qua sự tả thực của nhà báo Hồng Liên bỗng trở nên gần gũi, sống động và mang tính thời cuộc.

Đó là “điểm nóng” ở Thái Bình xảy ra vào năm 1997, khi nhiều thôn xã trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng mất ổn định khiến cho tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở những nơi này gần như không thể hoạt động được; vụ hàng trăm người dân Giao Thủy, tỉnh Nam Định kéo đến trụ sở Trung ương Đảng số 4 Cảnh Chân, Hà Nội đòi giải quyết yêu cầu của họ vào mùa thu năm 2000; vụ bạo loạn xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên năm 2001…

Mỗi vụ việc đều có dáng dấp chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, sáng suốt, thấu tình, đạt lý của vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước - đồng chí Phạm Thế Duyệt.

Có thể nói, những câu chuyện, hình ảnh về ông Phạm Thế Duyệt được khắc họa qua tập truyện ký, ngoài việc góp thêm một phần tư liệu quý báu về các lãnh đạo, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, còn góp phần lan tỏa những hình ảnh này đến gần hơn với đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người lao động.

Cuốn truyện ký “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” được giới thiệu đến bạn đọc trong tháng 4/2021 do Nhà Xuất bản Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ấn hành. Trong Tháng Công nhân, 2.000 cuốn sách “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp phát tới 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chuyen-doi-cua-nguoi-tho-lo-ngay-ay-b05eKIqGR.html