Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Còn nhiều việc phải làm

Dồn điền, đổi thửa là hướng đi tất yếu nhằm tạo những 'cánh đồng mẫu lớn', nâng cao giá trị canh tác… Thực tế, sau dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã 'bứt phá', đạt nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, để hiệu quả như kỳ vọng, vẫn còn nhiều việc phải làm về định hướng sản xuất vùng, miền; xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ...

Chuyển đổi đất trồng lúa: Gỡ vướng để tăng hiệu quả

Sản xuất theo hướng sạch, an toàn mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Phúc Thọ. Ảnh: Bá Hoạt

33.884ha chuyển đổi hiệu quả

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong dồn điền đổi thửa, qua đó hình thành các vùng sản xuất theo quy hoạch phù hợp, ổn định. Điển hình như huyện Sóc Sơn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Thị Bình Anh, xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao, đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 10.845ha, đạt 107% so với kế hoạch. Qua đó, đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp tập trung cho giá trị kinh tế cao như: Chè an toàn và VietGAP 200ha, bưởi 250ha, hoa nhài 148ha, rau an toàn 330ha… giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt hơn 161 triệu đồng; nhiều vùng sản xuất cho giá trị từ 350 triệu đồng tới 1 tỷ đồng/ha...

Tương tự, huyện Quốc Oai cũng đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt chuyển đổi cơ cấu kinh tế sau dồn điền đổi thửa cho 16 xã với tổng diện tích 2.700ha, cho hiệu quả kinh tế cao như: Nhãn chín muộn Đại Thành, chè Long Phú, thịt lợn sinh học Quốc Oai...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.183,1/75.980,1ha (đạt 104,2%), vượt 3.673,5ha so với kế hoạch. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn (với 33.884ha), trong đó chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (đạt trên 13.500ha); tiếp đến là diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả (hơn 6.500ha), rau an toàn, hữu cơ (gần 3.000ha). Các huyện có diện tích chuyển đổi lớn nhất là: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… Qua dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung cho giá trị thu nhập tăng thêm 25-30%...

Chú trọng sản phẩm đặc trưng

Dù đạt nhiều kết quả tích cực song theo đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố thời gian qua còn chậm và chưa vững chắc. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Nhiều địa phương đã có quy hoạch vùng chuyển đổi nhưng việc thực hiện chưa tốt. Hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao…

Ông Đoàn Quang Hoài, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), cho rằng, hệ thống hạ tầng cho khu chuyển đổi tại nhiều xã của Đông Anh chưa được đầu tư bài bản. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới còn chậm... dẫn tới người dân khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn nhận định: Đầu ra sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định nên người dân có tâm lý e ngại khi đầu tư phát triển sản xuất. Trong khi đó, hướng phát triển chăn nuôi con đặc sản (như vịt cỏ Vân Đình) giúp nông dân làm giàu lại gặp khó khăn “đầu ra”... “Do vậy, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, thành phố nên theo hướng phát triển các loại cây, con đặc sản, giá trị kinh tế cao đi đôi với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ theo chuỗi” - ông Tuấn đề nghị.

Để tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nêu quan điểm: Hiện nay, quy hoạch chuyển đổi của các địa phương cơ bản giống nhau, chưa có tính đột phá, ít sản phẩm nông nghiệp đặc trưng… Với Sóc Sơn, kinh nghiệm cho thấy, thời gian qua, trong chuyển đổi tập trung vào sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng lớn, phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn... nên một số nông sản của địa phương, như rau hữu cơ, gà đồi… được thị trường đón nhận, ít bị rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá”...

Về định hướng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất cây, con đặc sản và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh... Ví như, với nông dân ở Ứng Hòa, khi triển khai các mô hình đa canh lúa - cá - vịt, cần tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển lúa chất lượng cao, vịt chăn nuôi theo hướng đặc sản, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ mới... chứ không khuyến khích phát triển rau hay các loại cây ăn quả... Ngược lại, với các vùng cây ăn quả đã được định hình tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng… sẽ tập trung đào tạo, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để tạo sản phẩm tốt nhất. Song hành, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, đặc biệt, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù từng địa phương...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Còn nhiều việc phải làm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/919362/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-con-nhieu-viec-phai-lam