Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế

Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững theo định hướng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương định hướng cho bà con nông dân đưa các loại cây trồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng thay thế cho diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế thấp, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Diện tích trồng mía kém hiệu quả kinh tế được bà con nông dân xã Quang Trung (Ngọc Lặc) chuyển sang trồng sắn dây.

Thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, huyện Triệu Sơn đã tập trung đưa các loại cây trồng, như: cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau màu, cây thức ăn chăn nuôi... vào trồng thay thế trên diện tích 2.038 ha đối với đất lúa và một số cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn huyện hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với chế biến và xuất khẩu. Điển hình như tại thôn Diễn Thành, xã Hợp Thành trước đây là đất 2 lúa, nhưng do khô hạn, thiếu nước, sản xuất khó khăn nên hầu hết các hộ nông dân bỏ ruộng nhiều năm. Từ năm 2016, được xã vận động, một số hộ dân trong thôn đã chuyển đổi được hơn 10 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi, ổi... Do đất được cải tạo tốt, kết hợp với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây trồng phát triển tốt, bước đầu đạt doanh thu khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 10 lần so với trước khi chưa chuyển đổi.

Là xã miền núi, nên nhiều năm liền, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trên vùng đồi của xã Quang Trung (Ngọc Lặc) chỉ được bà con sản xuất độc canh cây mía, nên hiệu quả kinh tế thấp, lợi nhuận thu được chỉ dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/vụ. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, những năm qua, UBND xã Quang Trung đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi diện tích trồng mía đạt hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây phù hợp với nhu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện, toàn xã đã chuyển đổi được khoảng 200 ha trồng mía sang trồng các loại cây, như: dứa, keo, sắn dây, cam, bưởi, chanh leo... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã và đang nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt, đa phần diện tích sau khi chuyển đổi đều đạt lợi nhuận từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/vụ, một số diện tích chuyển sang trồng cây ăn quả lợi nhuận đạt tới 150 đến 200 triệu đồng. Điều này đã giúp doanh thu bình quân trên diện tích sản xuất trồng trọt của xã năm 2020 đạt 107 triệu đồng/ha/năm, tăng 45 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015.

Thực tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã giúp cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Điều này càng được minh chứng rõ khi mà từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt hơn 45.000 ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn có năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên diện tích đã được chuyển đổi, hầu hết đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 4 lần so với trước khi chuyển đổi. Một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu có giá trị hoặc sản xuất công nghệ cao còn đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 8 đến 10 lần.

Có nhiều yếu tố giúp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt được sự chuyển biến tích cực. Trong đó, việc tuân thủ nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt và chỉ thực hiện chuyển đổi khi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng được chuyển đổi. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo lựa chọn được những cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của người dân, lại thu hút được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Hiện, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục thực hiện giải pháp tích tụ, tập trung đất đai kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-theo-huong-nang-cao-gia-tri-kinh-te/130176.htm