Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả

Với việc giảm diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tăng dần diện tích trồng rau màu và cây ăn trái, An Giang đang hướng đến mục tiêu trở thành vùng trọng điểm sản xuất trái cây của cả nước, đặc biệt là trái xoài. Những diện tích chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao hơn, là động lực để tỉnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi năm sau cao hơn năm trước.

Nhà màng trồng dưa lưới của anh Dương Hiếu Thảo

Nâng giá trị sử dụng đất

Chỉ với 1.000m2 đất thử nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng, anh Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, Phú Tân) trồng được 2.600 gốc dưa lưới, năng suất hơn 5 tấn trái/vụ, đạt doanh thu khoảng 140 triệu đồng, lợi nhuận hơn 90 triệu đồng. Với 4 vụ dưa/năm, nguồn thu từ 1 công dưa lưới tương đương với vài chục công trồng một số loại kém hiệu quả khác.

Chính hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà nông dân trên địa bàn tỉnh đang mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, rau, màu. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), năm 2019, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 5.698ha đất (theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 14-11-2017 của UBND tỉnh). Đến hết vụ hè thu 2019, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.682ha sang trồng rau, màu và cây ăn trái, đạt 65% kế hoạch (rau dưa các loại 1.012ha, cây màu 1.949ha, cây ăn trái 721,17ha). Vụ thu đông 2019, ước tổng diện tích chuyển đổi đạt 2.164ha, trong đó chuyển mạnh sang cây ăn trái (1.944ha), còn lại là cây màu (221ha). Như vậy, tổng diện tích chuyển đổi năm 2019 có thể đạt 5.846ha, vượt kế hoạch đề ra.

Để tìm đầu ra ổn định cho diện tích chuyển đổi, đặc biệt là cây xoài, Chi cục TT&BVTV đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành kế hoạch ngắn hạn “Xuất khẩu xoài sang Mỹ và các thị trường khác trong năm 2019”. Trên cơ sở đó, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp các đơn vị liên quan thúc đẩy thực hiện cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn ghi chép sổ tay, hướng dẫn kỹ thuật trồng đạt tiêu chuẩn... Sở NN&PTNT đang lựa chọn thuê tư vấn xây dựng “Kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ xoài giai đoạn 2020-2025”, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm giúp tiêu thụ xoài mang tính hiệu quả và bền vững.

Tiếp tục chuyển đổi

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền cho biết, kế hoạch năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi 9.060ha đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái (rau dưa các loại 2.698ha, cây màu 2.404ha, cây ăn trái 3.958ha). Trong đó, huyện An Phú chuyển đổi nhiều nhất với 2.102ha (1.335ha cây ăn trái, 610ha màu, 157ha rau dưa), kế đến là Phú Tân 1.860ha (rau dưa 1.440ha, cây ăn trái 270ha, màu 150ha), Thoại Sơn 1.267ha (rau dưa 360ha, cây màu 460ha, cây ăn trái 447ha), Tri Tôn 1.020ha (rau dưa 200ha, cây màu 100ha, cây ăn trái 720ha), Châu Phú 965ha (rau dưa 120ha, cây màu 435ha, cây ăn trái 410ha), Chợ Mới 538ha (rau dưa 146ha, cây màu 232ha, cây ăn trái 160ha), TX. Tân Châu 530ha (rau dưa 70ha, cây màu 300ha, cây ăn trái 160ha), Châu Thành 453ha (rau dưa 150ha, cây màu 67ha, cây ăn trái 236ha), TP. Long Xuyên 180ha (rau dưa 50ha, cây màu 50ha, cây ăn trái 80ha), TP. Châu Đốc 145ha (rau dưa 5ha, cây ăn trái 140ha), riêng Tịnh Biên không thực hiện chuyển đổi.

Với kết quả chuyển đổi trong thời gian qua, khả năng đạt và vượt so Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 14-11-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch, đến năm 2020, có gần 12.230ha diện tích trồng lúa được chuyển đổi sang cây ăn trái (xoài, chuối, cây có múi và nhãn); 31.130ha chuyển sang trồng rau, màu, trong đó rau dưa các loại 9.100ha (ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non) và cây màu 9.800ha (mè, bắp các loại, đậu các loại và nhóm cây có củ). Trong quá trình chuyển đổi, các địa phương thực hiện 15 mô hình trình diễn giống bắp các loại trên đất trồng lúa kém hiệu quả, quy mô 0,2ha/mô hình. Đồng thời, tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật trồng bắp các loại (bắp lai, bắp trắng, trồng bắp lấy thân, bắp non…) cho cán bộ kỹ thuật và nông dân thực hiện chuyển đổi.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. UBND tỉnh yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp quy hoạch phát triển các giống cây trồng trên từng địa phương. Chuyển đổi nhưng không được làm mất các yếu tố phù hợp để trồng lúa, khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn. Đối với cây trồng chuyển đổi, phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng của địa phương, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-theo-huong-hieu-qua-a258397.html