Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả: Cần có quy hoạch

Do chưa chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, nên việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, thậm chí còn xảy ra tình trạng sản phẩm tồn đọng rớt giá, vì chuyển đổi ồ ạt...

Theo tính toán, không chỉ giúp hiệu quả kinh tế tăng 3 - 5 lần so với trồng lúa, mà việc chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn còn góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, việc chuyển đổi này được chính quyền các địa phương và nông dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Chuyển đổi cơ cấu cần được quy hoạch bài bản, giúp người dân vừa chủ động, vừa hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các địa phương đều chưa quan tâm đến việc quy hoạch vùng, diện tích, cũng như xác định đối tượng cần chuyển đổi, mà thực hiện theo kiểu “thiếu nước đến đâu chuyển đổi đến đó”. “Dù biết việc quy hoạch nhằm tránh chồng chéo, cũng là cơ sở để tính toán, định hướng cho nông dân trồng cây gì, diện tích bao nhiêu... nhưng hiện địa phương chỉ mới rà soát, khoanh vùng thực trạng và nhu cầu chuyển đổi, chứ chưa quy hoạch cụ thể”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho biết.

Thực tế, không chỉ mùa khô mới xảy ra tình trạng nhiều khu vực sản xuất lúa không chủ động được nước tưới mà ngay cả trong vụ sản xuất đông xuân cũng có, nên hiệu quả thấp, cần chuyển sang các loại cây trồng cạn. Song, vì chưa được quy hoạch cụ thể, nên diện tích chuyển đổi biến động theo mức độ khô hạn, việc triển khai cận lịch thời vụ, cộng với một bộ phận người dân còn tư tưởng độc canh cây lúa dẫn đến một số diện tích bị bỏ hoang, hoặc chỉ sản xuất được một vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Như năm 2020, toàn tỉnh chỉ chuyển đổi được khoảng 790ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, trong khi gần 1.400ha ở TX.Đức Phổ phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu nước!

Ngoài ra, việc chuyển đổi được thực hiện theo kiểu tự phát, nên vừa lãng phí, vừa giảm hiệu quả kinh tế, thậm chí nông dân rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. “Quy hoạch là cần thiết, nhưng quá trình quy hoạch cần chú trọng quy mô chuyển đổi của từng hộ để khuyến khích người dân tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo lợi thế riêng của từng địa phương. Đồng thời, định hướng cho nông dân những loại cây trồng phù hợp theo hướng “mỗi xã một sản phẩm” để tránh tình trạng sản phẩm tồn đọng, rớt giá”, Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Bình Sơn) Đỗ Minh Huấn đề xuất.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả cũng phải đảm bảo nguyên tắc là diện tích tập trung từ 3ha trở lên và có 60% cây trồng chủ lực. Quá trình thực hiện phải xây dựng kế hoạch và quy hoạch cụ thể, dựa trên nhu cầu thực tế và điều kiện, lợi thế ở địa phương...

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202106/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-lua-kem-hieu-qua-can-co-quy-hoach-3059992/