Chuyển đổi cây trồng phù hợp

Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 26.000ha từ đất trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái. Đồng thời, trồng cây cao lương tại các vùng miền núi của 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn để phục vụ cho nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Tín Thành. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa tăng giá trị trên cùng diện tích, vừa tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp lớn.

Hiệu quả chuyển đổi

Với nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, ít bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, An Giang được thiên nhiên ưu đãi điều kiện sản xuất nông nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nguyễn Văn Hiền cho biết, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt hơn 687.862ha/năm, trong đó lúa vẫn là chủ yếu (614.262ha). Năng suất lúa hiện đạt bình quân 6,38 tấn/ha (tăng 0,43 tấn/ha so năm 2016), sản lượng 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, diện tích rau màu đạt 55.600ha, sản lượng đạt 742.000 tấn.

Đặc biệt, diện tích cây ăn trái có sự phát triển nhanh, hiện đạt 15.800ha (tăng 5.000ha so với năm 2016), chủ yếu là cây xoài và cây có múi, sản lượng đạt 224.000 tấn (tăng 57.000 tấn so với năm 2016). Năm 2002, ước doanh thu đạt từ 142-160 triệu đồng/ha, tăng 26 triệu đồng/ha so năm 2016 (tương ứng với tốc độ tăng trưởng 2,8%/năm).

Ông Hiền cho biết, thực hiện Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 17-11-2017 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp đã đã cụ thể hóa kế hoạch cần chuyển đổi của từng địa phương, giúp đẩy nhanh diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 25.598ha. Diện tích rau màu và cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa là yêu cầu cần thiết

Theo ông Hiền, thời gian tới, Chi cục TT&BVTV sẽ tích cực tham mưu thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dự kiến, từ năm 2020 đến 2025, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 26.000ha từ đất trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái, đồng thời trồng cây cao lương tại các vùng miền núi của 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn để phục vụ cho nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Tín Thành.

Tỉnh sẽ tăng diện tích lúa chất lượng cao và nếp qua từng năm, dự kiến bình quân tăng khoảng 4.000ha/năm, tương đương giá trị 346 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, linh hoạt xây dựng kế hoạch sản xuất lúa thu đông phù hợp với tình hình cụ thể của từng năm và theo biến động giá cả của thị trường.

Hướng đến chất lượng

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, cùng với tăng diện tích các loại cây ăn trái tiềm năng như: xoài, mít, cây có múi, sầu riêng, nhãn... đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP... Chi cục TT&BVTV sẽ phối hợp Trung tâm Sau nhập khẩu II, tiếp tục tập huấn cấp mã số vùng trồng (code), tạo điều kiện xuất khẩu nông sản An Giang vào các thị trường khó tính, có giá trị cao. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau màu, cây ăn trái giai đoạn 2021-2025 giúp địa phương khai thác tốt các tiềm năng để phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị và thị trường tiêu thụ.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, cây ăn trái… nhằm tạo điều kiện gắn kết doanh nghiệp và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống nhà máy chế biến rau, củ, quả gắn với các vùng nguyên liệu để sản xuất được bền vững.

Chi cục TT&BVTV tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Trong đó, tăng cường công tác dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng hàng vụ, hàng năm để góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng, đặc biệt là công tác điều tra, phát hiện các đối tượng sinh vật có nguy cơ gây hại trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản xuất khẩu.

Chi cục TT&BVTV sẽ tiếp tục tập huấn và hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ… Đồng thời, tổ chức sản xuất lúa gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.

Cùng với phối hợp mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết “Cánh đồng lớn” (đầu tư và tiêu thụ sản phẩm) để phát triển bền vững ngành trồng trọt, Chi cục TT&BVTV sẽ tiếp tục phối hợp vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP… tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo An Giang.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuyen-doi-cay-trong-phu-hop-a279654.html