Chuyển đổi cây trồng bền vững: (Bài 1) Thanh long đánh thức đất cằn

Trên vùng đất đồi sỏi đá, cây thanh long đã làm thay da đổi thịt cho nhiều hộ dân ở huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc).

Cũng như nhiều xã vùng bán sơn địa ở huyện Lập Thạch, Vân Trục trước đây từng là xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 135 của Chính phủ). Đất đai của Vân Trục chủ yếu là những quả đồi bát úp cằn cỗi, trơ sỏi đá, chỉ có thể trồng sắn, keo, bạch đàn. Sự xuất hiện của cây thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch nói chung, xã Vân Trục nói riêng trong vòng 10 năm gần đây đã giúp bộ mặt đời sống của nhiều hộ dân nơi đây thay đổi từng ngày, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

 Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, cây thanh long đã giúp người dân nhiều nơi ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Lê Bền

Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, cây thanh long đã giúp người dân nhiều nơi ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Lê Bền

Gia đình bà Đỗ Thị Kim ở thôn Đồng Núi, xã Vân Trục là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xã Vân Trục cũng như huyện Lập Thạch đưa cây thanh long về với vùng đất này.

Cũng như các hộ dân trong xã, vùng đất đồi của gia đình bà Kim trước năm 2010 chỉ trồng được cây sắn. Từ cây sắn, người dân chuyển sang trồng bạch đàn, keo lai. Nhưng đất đồi cằn cỗi, bạch đàn, keo lai chu kỳ phải 6-7 năm mới có thể cho thu hoạch, mỗi héc-ta cao lắm cũng chỉ 70-80 triệu đồng, đời sống người dân nơi đây hết sức chật vật.

Bà Kim kể, qua tìm hiểu thông tin biết về giá trị của cây thanh long qua phương tiện thông tin đại chúng, năm 2009, bà tìm tới một đại lý bán giống cây thanh long ở Hà Tây (cũ). Đây cũng là giống thanh long ruột đỏ, nhưng có màu vỏ nhạt hơn giống hiện nay. Gần một héc-ta đất đồi trồng keo, được gia đình bà phá bỏ để trồng hơn 1.000 trụ thanh long. Nhưng trồng tới năm thứ 2, gần 1ha thanh long của bà vẫn không ra quả, hoặc chỉ ra những quả bé như cái chén.

Không nản chí, năm 2010, bà tiếp tục tìm hiểu thông tin và tìm tới một đơn vị cung cấp giống thanh long ruột đỏ có thể tin tưởng hơn về chất lượng, đó là Viện Nghiên cứu Rau quả. Rút bài học lần trước, bà chỉ dám mua một vài trăm gốc thanh long ruột do Viện Nghiên cứu Rau quả cung cấp. Và lần này thì đã có kết quả, khi chỉ sau 2 năm trồng, vườn thanh long ruột đỏ đã cho quả sai trĩu trịt, màu đỏ đậm, quả nào quả nấy nặng từ 400 – 500 gr/quả.

Bà Đỗ Thị Kim với vườn thanh long VietGAP cho thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm. Ảnh: Lê Bền

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân trong xã Vân Trục, rồi các đoàn tham quan của các xã khác ở huyện Lập Thạch cũng đã tìm tới gia đình bà Kim tham quan, học tập, mua giống về trồng. Từ năm 2012-2013 trở đi, phong trào trồng cây thanh long theo đó bắt đầu nở rộ ở nhiều xã trong huyện Lập Thạch, đặc biệt là mở rộng ở nhiều hộ tại xã Vân Trục.

Riêng gia đình bà Đỗ Thị Kim, đã từng bước mở rộng diện tích thanh long. Bà Kim cho biết, từ năm 2012-2015, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với gia đình bà và một số nơi trong vùng, triển khai nghiên cứu, chọn ra giống thanh long phù hợp với huyện Lập Thạch để mở rộng ra sản xuất. Kết quả cho thấy giống thanh long TL4 (do Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu) đã khẳng định được sự phù hợp, cho năng suất, quả to, mã đỏ đẹp, chất lượng tốt, có giá bán cao.

Có được giống thanh long phù hợp, gia đình bà Kim đã tự tin mở rộng diện tích thanh long, đến nay đạt trên 3ha, và là một trong những hộ dân có diện tích thanh long lớn tại xã Vân Trục. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bón phân, tỉa cành..., đến nay, vườn thanh long của bà Kim đã được cấp chứng nhận VietGAP, được các siêu thị, thương lái từ nhiều tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên... đặt mua ổn định tại vườn với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg.

(Còn nữa)

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-doi-cay-trong-ben-vung-bai-1-thanh-long-danh-thuc-dat-can-d275070.html