Chuyện đời bên những xe rác: Thức Trắng đêm, ngửi xú uế mỗi ngày để người khác có đường sạch, phố quang

Mặc cho những đêm hè oi bức đến ngột ngạt hay đêm đông rét cắt da cắt thịt, những công nhân môi trường vẫn tất bật với công việc, gom rác, dọn đường… để giữ sạch đường phố.

Trở thành công nhân môi trường là họ chấp nhận mất đi những giây phút sum vầy vốn có bên gia đình để hoàn thành công việc, đem lại niềm vui cho người khác.

Chị Phạm Thị Hòa đã có 8 năm gắn bó với công việc quét rác.

Chị Phạm Thị Hòa đã có 8 năm gắn bó với công việc quét rác.

Những bữa ăn đêm bên xe rác

“Trước khi làm nghề rác, chị cũng không thể tưởng tượng ra công việc lại nặng nhọc đến thế. Giờ giấc sinh hoạt bị thay đổi, làm đêm ngủ ngày. Thời gian đầu khi mới vào làm chưa quen nên hầu hết ai cũng khá mệt mỏi. Nhưng rồi được anh, chị đồng nghiệp chia sẻ, động viên thì chị dần quen. Lâu dần mình thấy vui và yêu nghề em ạ!”- Đó là lời bộc bạch của chị Phạm Thị Hòa, Tổ phó Tổ môi trường số 6, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội về đặc thù của nghề quét rác.

Chị Hòa còn nhớ cách đây 8 năm, khi lần đầu tiên chị phải đón giao thừa ngoài đường vì phải làm ca đêm. Mặc dù công nhân các chị cùng nhau tổ chức ăn uống, đón giao thừa tập thể nhưng cảm giác tủi thân vẫn ập về.“Đó là lần đầu tiên trong đời chị không được đón giao thừa cùng người thân. Khi đó, sau cuộc điện thoại chúc năm mới của chồng chị khóc nức nở mặc cho mọi người động viên”, chị Hòa nhớ lại.

Nhưng rồi những cảm giác đó cũng mau chóng không còn bởi tình cảm mà những đồng nghiệp như anh chị dành cho nhau. Trong ngày 30 Tết vừa qua, tổ công nhân của chị Hòa phải bắt đầu công việc từ 9h đến Giao thừa công việc vẫn chưa xong bởi lượng rác quá lớn.

Khi đó đợi công việc tạm ổn, tổ của chị cũng tổ chức ăn Giao thừa đầy, mâm cỗ sang canh có gà, xôi, hoa quả… như một gia đình. Rồi sau đó, mọi người lại nhanh chóng thu dọn và tiếp tục công việc đến 5h sáng rồi mới về nhà. Không chỉ có đêm giao thừa mà trong những ngày làm việc bình thường, chuyện ăn, ngủ bên những xe rác lúc nửa đêm cũng là điều hiển nhiên.

Chị Hoa kể: “Tổ chị có hơn 20 người, mỗi ca làm việc các chị thành lập 1 nhóm từ 6-8 người gọi là nhóm 68. Mỗi một lần làm đêm chờ xe cẩu lâu quá, mọi người lại mua đồ ăn như chân gà, thịt nướng…. ngồi ăn vui vẻ với nhau. Những lúc như vậy các chị quên đi hết mệt mỏi, nhờ thế mà thức được đến 2-3h sáng là chuyện bình thường”.

Đối với những công nhân như chị Hòa thì việc ăn, ngủ cạnh những đống rác đã trở nên quen thuộc. Phải chăng khứu giác của họ đã trở nên “mất phản ứng” với mùi hôi thối, xú uế. Nhưng, tôi tin là không phải như vậy. Họ cũng là người bình thường như hết thảy mỗi chúng ta. Tuy nhiên, cái nghề quét rác, “sống chung” với những điều đó đã trở nên là 1 sự bình thường, có thể coi như 1 thức bệnh nghề nghiệp, có muốn tránh, có muốn đeo bao nhiêu khẩu trang, bịt bọc cũng không được.

“Nhiều người dân đi qua họ có thể nhìn bọn chị với ánh mắt kinh hãi rồi lắc đầu. Nhưng với bọn chị thì đó là mối duyên nghiệp với nghề. Với nghề rác này nếu mình không sống chung với nó thì chẳng bao giờ có thể theo được nghề”, chị Hòa tâm sự.

Ngoài vớtrác trên kênh Nhiêu Lộc, ông Lê Hữu Diện còn nhiều lần cứu người tự tử và vớt xác chết. (Ảnh: Trần Ngọc).

Tủi phận trăm bề

Bắt đầu trở thành công nhân môi trường từ cách đây 8 năm, chị Hòa từng vứt bỏ một công việc nhàn hơn, tốt hơn để trở thành lao công. Chị Hòa đến với nghề chỉ với một câu bông đùa với chồng khi mới nghỉ việc: “Bây giờ ai xin cho em vào làm quét rác em cũng làm”.

Thế rồi chồng chị xin cho chị vào Công ty môi trường thật và thời gian khiến chị gắn bó với công việc này tới tận bây giờ. Chị nhớ những ngày đầu tiên đi làm dù không ai chê bai nhưng tự bản thân chị Hòa thấy ngại và xấu hổ với công việc mà mình chọn. Chị Hòa nhớ: “Bản thân chị cảm thấy tự ti khi lựa chọn một công việc mà bị nhiều người dè bỉu. Lúc mới đầu đi làm hầu như chị giấu quần áo đồng phục không dám mặc ngay từ ở nhà đi. Chị toàn mặc quần áo bình thường xong đến chỗ làm mới thay. Nhưng dần rồi tham gia các hoạt động đoàn, chị trở nên vui vẻ và thoải mái hơn. Nhờ tình người, nhờ công việc ý nghĩa mà chị trụ lại được với nghề”.

Công nhân môi trường thường xuyên phải đối diện với những nguy hiểm từ thời tiết hay chính cả con người. Việc công nhân môi trường bị say nắng ngất giữa đường, bị kim tiêm đâm vào tay, bị người khác hành hung… là chuyện xảy ra thường xuyên.

Từng bị ám ảnh bởi người khác hành hung vô cớ, anh Lê HoàngVững (51 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, kể lại: “Khoảng 11 giờ khuya hôm đó, tôi đang quét rác thì bất ngờ một ông đi xe máy tông vào xe rác. Chiếc xe xoay ngang va vào người khiến tôi ngã chúi, sây sát tay chân.

Ông ta liên tục quát tháo tôi và dùng lời lẽ miệt thị rằng tôi đã đậu xe rác choán đường đi mặc dù tôi để xe sát lề, lại có đèn tín hiệu. Những người dân sống gần đó lên tiếng bênh vực tôi cũng bị ông ta cự nự. Trước khi lên xe đi, ông này hăm dọa tôi đủ điều”, anh Lê Hoàng Vững (51 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, kể. Một lát sau, người đàn ông trở lại, chở theo một người đàn ông khác. Hai ông xuống xe, hùng hổ chửi mắng anh Vững và bất ngờ một ông rút dao ra. Anh Vững hoảng sợ bỏ chạy.

“Từ đó đến nay tôi vẫn phải tiếp tục quét rác hằng ngày trên tuyến đường xảy ra sự cố trong tâm trạng bất an”- anh Vững chia sẻ. Là tài xế chạy xe rác cùng đơn vị với anh Vững, anh Đinh Văn Sia (40 tuổi) có lần suýt chết khi “đụng” nhóm thanh niên say xỉn.

“Lúc ấy đã khuya, tôi chạy xe chở rác từ hướng quận Gò Vấp qua quận 12 thì phát hiện tốp thanh niên độ năm người đang đi xe máy phía trước trong trạng tháisay xỉn. Do họ đi giữa đường, lại chạy chậm nên tôi cho xe “bò” theo sau. Tới giữa cầu Trường Đai, bất ngờ một thanh niên đi xe máy từ sau vọt lên và cúp trước đầu xe rác”- anh Sia nhớ lại.

Giúp đời, cứu người

“Hằng ngày chúng tôi vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM). Những bịch rác hôi thối, những con chó chết sình… được chúng tôi vớt sạch. Không chỉ vậy, chúng tôi còn cứu người tự tử và vớt cả xác chết”- ông Nguyễn Văn Luyến (51 tuổi), công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 3 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nói.

Ông Luyến kể: “Buôỉsáng chỉ cách đây ít ngày, tôi và anhTrầnVănTài (38 tuổi) đang vớt rác ở khu vực cầu Công Lý thì nghe tiếng kêu:“Cứu con với chú ơi, con không muốn chết!”. Nhìn quanh, tôi phát hiện một cô gái độ 20 tuổi chới với giữa dòng nước chảy xiết. Tôi và anhTài lao thuyền tới và đưa cô gái lên. Cô này lạnh run, tôi đưa áo phao và lái thuyền về bến”.

Ông Luyến tìm bộ quần áo cũ và đưa cô gái mặc. Cô gái than đói bụng và không tiền đi xe, các anh trong đội gom góp được 500.000 đồng đưa cho cô.

“Trước khi đi, cô gái mở lời cám ơn và nói sẽ không làm chuyện dại dột nữa”- ông Luyến vui vẻ cho biết. Ông Lê Hữu Diện (54 tuổi), công nhân cùng xí nghiệp với ông Luyến, cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần cứu người tự tử.“Bữa đó, tôi đang ngồi trực tại văn phòng của đội thì nghe tiếng la cứu người.

Trời tối như mực, tôi rọi đèn pin theo hướng tay mọi người chỉ và thấy ba cái đầu ngụp lặn trong dòng nước chảy xiết và nhanh chóng cứu họ”, ông Diện kể.

“Công việc của bọn chị vốn đã nhọc nhằn rồi, chỉ mong sao người dân có ý thức cao hơn trong việc vứt và phân loại rác. Và chị cũng mong mọi người nhìn nhận công việc của bọn chị một cách công bằng, đừng miệt thị mà hãy coi nó là một công việc bình thường như bao nghề khác”, chị Hòa gửi gắm tâm tình.

Vũ Đạt – Trần Ngọc – Vũ Lành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/chuyen-doi-ben-nhung-xe-rac-thuc-trang-dem-ngui-xu-ue-moi-ngay-de-nguoi-khac-co-duong-sach-pho-quang-d102213.html