Chuyến đò yêu thương và nỗi day dứt về những đứa trẻ đặc biệt

Giữa thành thị xa hoa, đắt đỏ, nơi tình người được ví như 'vàng mười' thì vẫn còn đó ngôi trường dành cho nhiều đứa trẻ đặc biệt, luôn tràn ngập tình thương.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai?”

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh khi kể về những khó khăn, bất cập trong công tác giáo dục, quản lý trẻ đặc biệt hòa nhập cộng đồng tại trường.

Mấy năm trở lại đây, số trẻ đặc biệt mang hội chứng tự kỷ ở Việt Nam tăng nhanh, nhưng đáng tiếc là nhiều phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về hội chứng, dẫn đến sai lệch trong sự phát hiện, chấp nhận và điều trị cho trẻ.

Ở nhiều địa phương cũng chưa có sự quan tâm đủ cần thiết hỗ trợ nhóm trẻ này. E dè, ngần ngại là thái độ chung của nhiều các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay khi phải tiếp nhận trẻ đặc biệt hòa nhập. Bên cạnh đó, về chuyên môn, cơ sở vật chất, nhân lực và đặc biệt là về tình thương yêu, nhẫn nại đối với trẻ đặc biệt không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phấn đấu từ khi còn là sinh viên với các chương trình tình nguyện như mùa hè xanh, các chương trình thiện nguyện của bệnh viện… đã nuôi dưỡng mơ ước nhỏ nhoi của cô Lan Anh là phải làm được gì đó giúp những đứa trẻ đặc biệt.

Cô Lan Anh kể rằng, chuyện về với Trường Mầm non 8 đúng như là nhân duyên. Trường đã tổ chức mô hình nhận trẻ đặc biệt nên như tiếp được nguồn năng lượng, cô đi học thêm các lớp đào tạo ngắn hạn, học tại các bệnh viện, học chuyên sâu để hiểu hơn về trẻ đặc biệt.

“Khi đó, mình có nhận hỗ trợ ba trẻ đặc biệt bên ngoài trường vào buổi tối, mỗi tối di chuyển bốn, năm mươi cây số, nhưng mình không thấy mệt. Những gì mình nhận được là sự nhẫn nại, kinh nghiệm và tất nhiên là cả những trăn trở về cả cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ đặc biệt”, cô Lan Anh tâm sự.

Tại Trường Mầm non 8 hiện nay có 9 lớp và hình thành 4 phòng cá nhân cho các học sinh đặc biệt. Buổi sáng, trẻ đặc biệt được học hòa nhập với các học sinh bình thường, buổi chiều học chương trình giáo dục chuyên biệt.

Cô giáo Nga, người mẹ hiền của những học sinh tự kỷ hòa nhập

Điều quan trọng nhất để một ngôi trường bình thường trở thành ngôi nhà thứ hai đối với trẻ đặc biệt mang hội chứng tự kỷ đó chính là giáo viên tại lớp học, những người gần gũi, thân thiết và gắn bó với các em như chính người thân trong gia đình.

Hiện nay, tại trường có 5 giáo viên giáo dục đặc biệt đã được vào viên chức nhà nước để các cô yên tâm công tác và cống hiến. Hai giáo viên đang được học thêm chuyên ngành sư phạm giáo dục đặc biệt.

“Để gắn bó được với công việc này thì bằng cấp, trình độ mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn là giáo viên phải tâm huyết, yêu trẻ, bởi từ lý thuyết tới thực tiễn là cả một khoảng cách dài. Chỉ có yêu thương mới giúp được những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập được với cuộc sống bình thường.

Nhà trường luôn sẵn sàng đón những sinh viên sư phạm giáo dục đặc biệt về thực tập. Khi sinh viên ra trường, những kiến thức các em học được mới chỉ là lý thuyết chung, chưa có đủ kỹ năng chuyên môn và chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế, nhưng khi các em được tham gia trực tiếp công việc tại lớp thì sẽ nhanh trưởng thành từ những trải nghiệm quý giá ấy.

Đối với trẻ đặc biệt, việc học cùng con, hiểu con và kết hợp cùng nhà trường chính là một vòng tròn đồng hành cùng con trên chặng đường dài và đầy khó khăn này”, cô Lan Anh chia sẻ.

Cô Lan Anh cũng chia sẻ, trường còn rất nhiều khó khăn vì thực chất đây là cơ sở mầm non công lập, dù đã cố gắng cải thiện rất nhiều nhưng cơ sở vật chất vẫn không thể đầy đủ như một ngôi trường riêng dành cho trẻ đặc biệt.

"Các cô giáo đều mong mỏi nếu có được thêm các hạng mục phục vụ nhu cầu dạy và học cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ được đầu tư như sân chơi, phòng trị liệu âm nhạc… thì sẽ cải thiện tốt hơn quá trình hòa nhập", cô Lan Anh bày tỏ.

Đối với trẻ mắc hội chứng rối loạn phát triển, mốc thời gian phát hiện và áp dụng các biện pháp vô cùng quan trọng - đó được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định việc trẻ có thể hòa nhập tốt với cộng đồng không, thậm chí nếu được phát hiện sớm và áp dụng phương pháp phù hợp thì trẻ hoàn toàn có thể đi học bình thường. Đáng tiếc là hiện nay vẫn còn nhiều gia đình chưa nhận thức đúng về những biểu hiện, hành vi rối loạn và không chuẩn bị sẵn sàng lộ trình can thiệp cho trẻ.

Số lượng trẻ mắc hội chứng tự kỷ ngày càng có xu hướng tăng, tại Trường Mầm non 8 cũng không ngoại lệ, số trẻ đặc biệt đã đông hơn so với dự tính ban đầu.

Cô Lan Anh nhớ lại: “Nhiều khi mình nghĩ, nếu chọn làm quản lý trường học bình thường thì có lẽ sẽ không có những lo âu như mô hình bây giờ. Số trẻ đặc biệt ngày càng nhiều nhưng vì cơ sở vật chất hạn chế nên mình đã buộc phải từ chối rất nhiều trường hợp. Mình rất áy náy, day dứt và đôi lúc cảm thấy như bất lực vì họ cần mà mình đã từ chối, không thể giúp được".

Bốn trăm nghìn đồng/tháng cho lớp học đặc biệt

Trong những năm gần đây, khi số lượng trẻ mắc hội chứng rối loạn phát triển tăng nhanh, nhiều trung tâm đã ra đời và bên cạnh những cơ sở làm tốt thì cũng không ít nơi lợi dụng để kiếm chác, thu học phí cao nhưng hiệu quả thấp, thậm chí bạo hành trẻ.

Trong khi đó, tại Trường mầm non 8, cô Lan Anh chỉ cho phép thu học phí 400 nghìn đồng mỗi tháng nếu trẻ tham gia lớp học đặc biệt, bao gồm tất cả các chi phí từ dụng cụ học tập, giáo trình, thêm giờ…

400 nghìn đồng là con số quá nhỏ bé so với những chi phí bình thường trong cuộc sống, vậy mà cô Lan Anh và những giáo viên luôn kiên trì, nỗ lực và mong mỏi những đứa trẻ sẽ tiến bộ từng ngày: "Với giáo viên trường mình, chỉ cần yêu thương là đủ, chi phí chỉ cần vừa đủ để trang trải. Mỗi một khoản chi phí đều phải cân nhắc rất cẩn thận, tiết kiệm nhất, vì các gia đình có con mắc hội chứng này vô cùng vất vả nên hãy giúp đỡ và chia sẻ với họ".

Trường Mầm non 8 là một ngôi nhà đặc biệt, được dựng lên bằng tình yêu thương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhiều năm qua, cô Lan Anh đã duy trì và phát triển thành công mô hình giáo dục này với một công thức duy nhất là tình yêu thương con trẻ chân thành của tất cả giáo viên.

Trong dòng tâm sự của mình, cô Lan Anh có hồi tưởng lại những lần vất vả trong quá trình triển khai mô hình giáo dục thêm cho những đứa trẻ đặc biệt.

Trong quá trình ấy có những lần tưởng chừng vấp ngã, có những khó khăn không thể vượt qua mà theo cô đó là chặng đường “chạy xe miệt mài không có lúc nghỉ, khi dừng lại thấy thành quả của mình không có gì ngoài hai chữ hạnh phúc, mình thật sự toại nguyện”.

Có những nốt trầm trong câu chuyện với cô Lan Anh, câu chuyện có những khoảng lặng khi cô nhắc đến tương lai của những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ: “Điều mình lo lắng nhất là những đứa trẻ phát hiện muộn, những đứa trẻ đã được can thiệp tại trường mầm non nhưng khi lên các lớp học trên, ai sẽ là đồng hành cùng các con. Liệu rằng môi trường xung quanh có phù hợp để giúp con hòa nhập hay không? Rồi cuộc sống của các con sau này sẽ thế nào?”.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, để cống hiến, làm được những việc có ích cho bản thân và cộng đồng. Cô Lan Anh cùng những giáo viên tại Trường Mầm non 8 đang cố gắng từng ngày để cống hiến cho giáo dục mầm non cũng như giáo dục đặc biệt mà không màng đến những khó khăn, vất vả.

Bằng khen, phần thưởng, chức tước… chưa bao giờ là ước muốn của những giáo viên ở đây. Họ chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi nhưng cũng to lớn nhất, đó là những trẻ em đặc biệt sớm tìm được “sự bình thường” mà những đứa trẻ tuổi mầm chồi vốn có.

Ước mơ ấy tưởng chừng nhỏ bé nhưng cũng thật vĩ đại từ những con người bình phàm, bé nhỏ!

Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cau-chuyen-ve-chuyen-do-cho-day-yeu-thuong-post213580.gd