Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang

Sự chuyển dịch trên đồng ruộng ở Tuyên Quang là chuyển đổi từ nếp nghĩ, cách làm để bảo đảm lương thực cho đến quy hoạch thành vùng phát triển hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Người dân xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân.

Người dân xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân.

Sự chuyển dịch trên đồng ruộng ở Tuyên Quang là chuyển đổi từ nếp nghĩ, cách làm để bảo đảm lương thực cho đến quy hoạch thành vùng phát triển hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nhìn những cánh đồng Tân Ca, An Lập, Chanh 2 … của xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đã được quy hoạch lại sau dồn điền, đổi thửa; những tuyến đường nội đồng đã được đổ bê-tông gắn với hệ thống mương tưới prabol, chúng tôi đã thấy cung cách làm ăn mới. Chủ tịch UBND xã Thái Bình Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ, vụ xuân này, toàn xã có 120 ha lúa, trong đó, chủ yếu là giống lúa lai. Hơn 50% diện tích lúa đã được gieo cấy trước Tết, số còn lại được cấy sau Tết. Được sự hỗ trợ của tỉnh về cấu kiện mương bê-tông thành mỏng prabol, hai năm qua, xã đã huy động nhân dân góp công làm được hơn 3 km mương, đưa tổng chiều dài số mương được kiên cố của xã lên hơn 30 km, bảo đảm nguồn nước tưới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết, vụ xuân năm nay, tỉnh dự kiến gieo cấy 18.765 ha lúa, hơn 7.630 ha ngô, gần 3.280 ha cây lạc… Sở đã đưa ra bộ giống cho các địa phương lựa chọn phù hợp điều kiện thời tiết và thời gian sinh trưởng, trong đó ưu tiên giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt. Xác định đây là vụ lúa quan trọng trong năm, vì vậy ngay từ khi kết thúc vụ mùa, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân, trong đó chú trọng đến lịch thời vụ và cơ cấu các bộ giống. Được tỉnh hỗ trợ cấu kiện bê-tông đúc sẵn, người dân các huyện đã đồng thuận cao trong việc đóng góp ngày công để xây dựng. Vì vậy, việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng hằng năm đều cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nhiều huyện có thành tích nổi bật như Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình...

Huyện Na Hang là điểm sáng trong thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cứng hóa được 26,4 km kênh mương, đạt 100% kế hoạch. Kênh mương bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn có những ưu điểm như thi công nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện; hệ thống cấu kiện có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với mọi điều kiện địa hình, dễ dàng điều chỉnh dòng chảy... Huyện Na Hang đã huy động được nhiều nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, cơ bản giải quyết nguồn nước tưới cho cây trồng hằng năm phục vụ sản xuất. Vụ xuân năm nay, huyện gieo cấy 650 ha lúa, trong đó hơn 90% diện tích bảo đảm nguồn nước tưới tiêu.

Kinh tế nông, lâm nghiệp là thế mạnh của tỉnh miền núi Tuyên Quang. Việc hình thành những vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa tập trung như: cây cam, cây chè, cây lạc, mía… là biểu hiện sinh động sự bứt phá trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, lựa chọn một số loại cây, con có ưu thế phù hợp khí hậu, sinh thái đặc thù để phát triển thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Trước hết, tỉnh đã hoàn thành sớm các quy hoạch sử dụng đất về các vùng chuyên canh cây chè, mía, cam, lạc, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến giấy, bột giấy và chế biến gỗ; quy hoạch chăn nuôi, thủy sản; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; huy động “4 nhà” cùng vào cuộc. Từ đó, người nông dân thật sự làm chủ trên mảnh đất của mình, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản Tuyên Quang. Các nhà máy chế biến nông, lâm sản đã đồng hành cùng người nông dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây trồng, chất lượng sản phẩm hàng hóa không ngừng nâng cao. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm gần 8.750 ha chè, hơn 11.610 ha mía, gần 5.500 ha cam, hơn 4.370 ha lạc, gần 1.000 ha chuối, 129.000 ha rừng trồng nguyên liệu.

Lâm Bình là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Đất tự nhiên rộng, nhưng chủ yếu là đất rừng và hơn 4.000 ha vùng lòng hồ thủy điện. Biến hạn chế thành lợi thế, trên bờ, huyện đã quy hoạch đất thành vùng sản xuất rau đặc sản như: rau bò khai, rau ngót rừng, giảo cổ lam; chăn nuôi lợn đen, dê núi, vịt bầu địa phương, vịt trời, gà ta… vừa bảo đảm nâng cao năng suất, thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích. Với diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện triển khai mô hình nuôi cá lồng. Các giống cá được nuôi gồm: cá tầm, cá anh vũ, cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá trê, cá diêu hồng, cá quả… Đây là những giống cá có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện thời tiết, môi trường của vùng lòng hồ thủy điện. Mô hình chăn nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện đã mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho nông dân ở huyện vùng cao, cũng chính là cơ hội giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân và đặc biệt còn thúc đẩy các hoạt động du lịch trên địa bàn.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã xác định danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản xuất bảo đảm an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển diện tích chè đạt 8.800 ha; ổn định diện tích cam toàn tỉnh 8.300 ha; mở rộng diện tích mía nguyên liệu lên 15.500 ha, diện tích lạc 5.000 ha; hằng năm trồng hơn 10.000 ha rừng tập trung, mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC; phát triển đàn trâu, mở rộng quy mô nuôi cá đặc sản bằng lồng, giá trị sản xuất cá đặc sản chiếm 25%/tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Bài và ảnh: Hải Chung

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/39329702-chuyen-dich-san-xuat-nong-nghiep-o-tuyen-quang.html