Chuyển dịch cây trồng ở huyện cù lao Chợ Mới

Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, được thiên nhiên ưu đãi điều kiện sản xuất nông nghiệp lý tưởng nhưng huyện Chợ Mới cũng chịu áp lực dân số đông, đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích, Chợ Mới đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng cho hiệu quả cao hơn.

Đất ít, người đông

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 170 triệu đồng/ha. Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp 183 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ở huyện cù lao Chợ Mới, ngay trong năm 2018, có những vườn cây ăn trái đạt giá trị cao gần gấp 3 lần bình quân của tỉnh. Điều này chứng minh được hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp ở huyện cù lao lớn nhất tỉnh, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết, trong tổng diện tích tự nhiên hơn 36.906ha của huyện, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 27.905ha. Dù được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông nghiệp nhưng huyện cũng đối diện với khó khăn là áp lực dân số đông nhất tỉnh (gần 348.000 người, mật độ dân số 924 người/km2), đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ (bình quân chỉ 0,32ha/hộ). “Làm sao trong điều kiện đất nông nghiệp ít mà nông dân vẫn có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu là nỗi trăn trở của huyện. Xuất phát từ quan điểm xác định nông nghiệp phải thật sự là nền tảng thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới đã mạnh dạn chọn giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập và giá trị trên cùng diện tích canh tác” - ông Thao phân tích.

Những vùng rau màu ở Chợ Mới cho hiệu quả kinh tế cao

Để thực hiện quyết tâm này, từ năm 1995, huyện Chợ Mới đã thực hiện xã hội hóa trong dân để xây dựng bờ bao kiểm soát lũ kết hợp nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, hoàn thành vào năm 2000 trên toàn huyện. Từ đây, nỗi lo chạy lũ không còn, lúa sản xuất 3 vụ, rau màu thì canh tác quanh năm. Tiếp theo, Chợ Mới chọn khâu đột phá về giống và ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Huyện triển khai Chương trình hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, rồi Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2001-2008 và 2014-2020, thực hiện Dự án vùng nguyên liệu rau màu xuất khẩu huyện Chợ Mới. “UBND huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng chọn lọc giống để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu, cây ăn trái có giá trị cao hơn, đồng thời phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả” - ông Thao nhấn mạnh.

Những vườn cây trăm triệu

Từ năm 2012, huyện Chợ Mới được Chính phủ hỗ trợ thực hiện Dự án Nam Vàm Nao (giai đoạn 2012-2020) với kinh phí 1.209 tỷ đồng nhằm mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa 2 công trình “thế kỷ” trước đây. Điều này như chắp thêm đôi cánh để nông nghiệp của huyện vững bước phát triển. Từ đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện khá đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực. Chuyển dịch mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2015. Những diện tích lúa kém hiệu quả được nhường chỗ cho cây ăn trái và cây màu có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2015-2017, toàn huyện đã có gần 4.000ha chuyển dịch, trong đó chuyển dịch từ đất lúa là 2.488,4ha. “Điển hình đi đầu trong công tác này là tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Đến tháng 9-2016, 3 xã đã chuyển toàn bộ 1.777ha lúa kém hiệu quả sang màu và vườn. Riêng xã Mỹ Hiệp chuyển 100% thành vườn. Hiện nay, vùng cù lao Giêng đang tập trung phát triển sản xuất cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái. Những vườn cây ăn trái mang lại giá trị sản xuất lên đến 450 triệu đồng/ha” - ông Vũ Minh Thao thông tin.

Hiện nay, vùng trồng xoài cù lao Giêng được tỉnh hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới, hệ thống giao thông, thủy lợi phù hợp với vườn cây ăn trái. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp Viện Cây ăn quả Miền Nam hỗ trợ nâng diện tích canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre) xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu xoài thành công sang Úc, chuẩn bị xuất đi Mỹ. Khi thương hiệu xoài được khẳng định ở những thị trường khó tính, giá trị sẽ được nâng lên, nông dân càng giàu có hơn dù diện tích canh tác không lớn. Ở những vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái khác của huyện, cũng được tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy đời sống nông hộ và kinh tế địa phương phát triển. “Thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững” - ông Thao khẳng định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chuyen-dich-cay-trong-o-huyen-cu-lao-cho-moi-a248630.html