Chuyến đi tiền tỷ: Đi biển 50 ngày bắt 27 tấn mực, thu về hơn 5 tỷ

Về xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) những ngày này, đâu đâu cũng chung niềm vui, niềm phấn khởi khi những ngư dân địa phương vừa trở về sau chuyến đi biển đầu năm 2018 mang theo nguồn lợi thủy sản lớn, thu về nhiều tỷ đồng.

Là địa phương có truyền thống đánh bắt thủy hải sản xa bờ với đội tàu đánh bắt khá hùng hậu nên không có gì ngạc nhiên khi Tam Giang luôn đứng trong top những địa phương có nguồn lợi kinh tế lớn từ biển.

Tàu đánh bắt với giàn phơi mực khổng lồ ở Tam Giang.

Riêng năm 2017, đội tàu câu mực khơi của xã có 30 chiếc với tổng công suất máy hơn 21.870CV, khai thác được hơn 9.000 tấn mực khô, tổng giá trị đạt 322,8 tỷ đồng, tăng 138 tỷ đồng so với năm 2016. Năm nay cũng không phải ngoại lệ khi ngay từ đầu năm, các ngư dân dày dặn kinh nghiệm ở Tam Giang đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến ra khơi đầu tiên trong năm mới của mình.

Ông Lương Văn Cam, chủ tàu câu mực khơi số hiệu QNa-90039 (thôn Đông An) chia sẻ: “Năm ngoái, tàu chúng tôi khai thác đạt sản lượng cao, anh em bạn biển rất phấn khởi. Năm nay, chúng tôi ra quân đánh bắt với quyết tâm giành thắng lợi. Điều tôi lo trong vụ khai thác trong năm mới này là nguồn lợi thủy sản, nhất là mực xà ở các vùng biển truyền thống như Hoàng Sa giảm sút. Tôi sẽ cố gắng tìm ngư trường mới, nhưng đảm bảo không vi phạm vùng biển nước ngoài như cơ quan chức năng khuyến cáo”.

Khô mực đang mang lại nguồn thu nhập bạc tỷ cho ngư dân xã Tam Giang, huyện Núi Thành.

Đúng như lời hứa, sau gần 50 ngày bám biển, tàu của ông Cam cập bến với 27 tấn mực khô. Với giá bán 195.000 đồng/kg, tàu ông thu về hơn 5,1 tỷ đồng. “Sau khi trừ các khoản chi phí cho chuyến đi biển, số còn lại tôi chia cho 50 thuyền viên, trung bình mỗi người từ 60 - 100 triệu đồng, còn tôi kiếm được khoảng hơn 1 tỷ đồng” – ông Cam chia sẻ.

Không “trúng mánh” như ông Cam, nhưng ông Lương Văn Tồn, chủ tàu QNa 91919 TS cũng bội thu với 20 tấn mực khô, thu về khoảng 3,1 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí tiền cho chuyến đi biển, ông chia cho 47 thuyền trên tàu, mỗi người từ 45-50 triệu đồng, riêng ông kiếm được 500 triệu đồng.

Và rất nhiều ngư dân khác cũng có tiền tỷ sau chuyến đi dài như: ông Lương Tới (thôn Đông Mỹ), chủ tàu QNa 90037TS trong chuyến đi biển đầu năm câu được 25 tấn mực khô thu về hơn 4,8 tỷ đồng. Hay ông Huỳnh Quốc Việt câu được 24 tấn mực khô, thu về khoảng 4,7 tỷ đồng…

Năm nay dù sản lượng không lớn nhưng nhờ thương lái thu mua giá cao nên ngư dân rất phấn khởi.

Điều đáng nói là năm nay tuy sản lượng đánh bắt giảm nhưng mực lại được thương lái trả cao gấp đôi nên ngư dân rất phấn khởi. “Có đợt, tàu của tôi đánh bắt gần 50 tấn mực khơi. Tuy nhiên, giá cả mực khơi thường không ổn định nên thu nhập cũng thay đổi theo từng thời điểm. Vụ năm nay, giá mực cao (khoảng 195.000 đồng/kg), bù lại cho sản lượng đánh bắt nên lợi nhuận đạt mức khá so với các năm. Năm ngoái, giá mực khơi chỉ ở mức 70.000 đồng/kg” - ông Cam hồ hởi nói.

Mặc dù mang lại thu nhập cao nhưng câu mực khơi xa là nghề rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Anh Dương Văn Thanh, lao động đi câu mực chia sẻ: “Dụng cụ để cầu mực khơi gồm một chiếc thuyền thúng, bóng đèn và một sợi dây cước. Mực sau khi câu được xẻ làm sạch rồi đem phơi khô trên giàn được lắp đặt tại tàu. Trung bình một buổi tối, tôi câu được khoảng 15-20kg mực. Trong chuyến biển này, tôi kiếm được 60 triệu đồng”.

Tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhưng nghề câu mực vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang nói: “Tuy nghề câu mực khơi ở địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhất là tình hình tai nạn trên biển. Riêng năm 2017, xã Tam Giang có 3 ngư dân bị mất tích, 1 tàu câu mực bị sóng đánh chìm, ước thiệt hại gần 9 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, việc tham gia tổ đoàn kết đánh bắt trên biển của các chủ phương tiện còn mang tính hình thức; một số chủ tàu thực hiện nhắn tin không đủ số lượng nên không hưởng đủ 4 chuyến hỗ trợ nhiên liệu trong năm. Khi có sự cố trên biển, các chủ tàu ít báo về địa phương...

Theo ông Phạm Văn Châu, năm nay 100% phương tiện đánh bắt xa bờ của địa phương phải đăng ký thành lập tổ đoàn kết khai thác trên biển và phải có hoạt động hỗ trợ theo quy chế; các tàu phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong quá trình khai thác hải sản cũng như di chuyển ngư trường, không vi phạm chủ quyền lãnh hải của các nước bạn...

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/chuyen-di-tien-ty-di-bien-50-ngay-bat-27-tan-muc-thu-ve-hon-5-ty-869839.html