Chuyến đi 'quyến rũ' Đông Nam Á của ông Pompeo

Mỹ là một đối tác đáng tin cậy hay là một cường quốc rút lui? Đó là câu hỏi nằm lòng của nhiều người ở Châu Á khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra chính sách phát triển của Mỹ đối với Trung Quốc và khu vực trong chuyến công du đến khu vực lần này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) và ngoại trưởng Retno Marsudi (trái) nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước cuộc họp chính thức trong ngày 5-8. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5-8 đã kết thúc chuyến thăm đến các quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia và Indonesia, nơi ông thảo luận về việc tăng cường các lợi ích kinh tế và an ninh song phương, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và hòa bình cho biển Đông.

Giới chuyên gia nhận định, chuyến đi của ông Pompeo mang nặng gánh trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á đang lo ngại về sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và cần tìm kiếm một đối tác thay thế. Và có lẽ họ đang hướng đến Mỹ. Và đó cũng là thông điệp Ngoại trưởng Pompeo muốn gửi đi trong chuyến công du này, với mục tiêu là công bố tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực. Nhưng mọi chuyện tất nhiên không dễ dàng.

Đối tác đáng tin cậy?

Mỹ là một đối tác đáng tin cậy hay là một cường quốc rút lui? Đó là câu hỏi nằm lòng của nhiều người ở Châu Á khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra chính sách phát triển của Mỹ đối với Trung Quốc và khu vực trong chuyến công du đến khu vực lần này.

Thật vậy, nếu vị thủ lĩnh ngoại giao của Mỹ thành công trong việc tăng cường và thúc đẩy vai trò của Mỹ vào một khu vực chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu, ông sẽ phải nỗ lực gạt bỏ những nghi ngờ về cam kết của chính quyền Tổng thống Trump và tăng cường niềm tin trong nửa nhiệm kỳ còn lại của ông Trump. Đó là lý do mà ngoài các cuộc họp tại 3 quốc gia Đông Nam Á mà ông đến thăm, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã gặp gỡ các đối tác ASEAN bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Singapore trong tuần qua.

Bởi thực tế là, một số quốc gia trong khu vực đang cảm thấy “bị tổn thương” khi ông Trump kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia (không có Trung Quốc) mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đã thảo luận và ký kết. TPP kể từ đó vẫn hiệu lực mà không cần Mỹ, trong khi ông Trump đã bóng gió về khả năng Washington sẽ trở lại.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương rất muốn củng cố nền kinh tế, đầu tư và an ninh trước khi Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế. “Các nước trong khu vực đang muốn giữ Mỹ ở lại. Họ không muốn bị nợ Trung Quốc hoặc để Bắc Kinh tiếp tục lộng hành”, CSMonitor dẫn lời chuyên gia William Reinsch nhận định.

Nhiệm vụ có thành công?

Điều này cho thấy, Mỹ đang được “trải thảm đỏ” ở Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng có một trở ngại mà ông Pompeo phải đối mặt là cảm giác “sau tai nạn, người ta cẩn trọng hơn nhiều” trên toàn khu vực trong vấn đề TPP.

“Có một sự cảnh giác thực sự”, Philip Levy, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói. Đầu tiên, chính quyền ông Obama đã cam kết với các nhà lãnh đạo khu vực rằng, nếu họ đưa ra những nhượng bộ khó khăn trong một thỏa thuận thương mại, Mỹ sẽ thông qua thỏa thuận này. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi ông Trump lên nắm quyền. Vì vậy, cảm giác trên khắp khu vực là “Mỹ thật sự không đáng tin cậy”.

Ông Pompeo đến khu vực lần này nhằm “chào hàng” về tầm nhìn của Mỹ - bao gồm tất cả những điều mà chính quyền Obama cũng từng đưa ra để thúc đẩy việc ký kết TPP. “Đó là hồi chuông quen thuộc. Nó khiến các nước khá hoài nghi về chính quyền Trump”, một chuyên gia nhận định. Nhưng có một sự khác biệt của chính quyền ông Trump là ưu tiên của ông về ngoại giao song phương và các giao dịch thương mại qua các cuộc đàm phán và các thỏa thuận đa phương là rất lớn - một lựa chọn mà Pompeo tiếp tục nhấn mạnh trong chuyến đi lần này.

Ông Pompeo đã hoàn thành chuyến đi và đã làm hết mình. Nhưng giới phân tích nói rằng, tất cả hầu như không đủ để thậm chí bắt đầu giải quyết những mối quan tâm về cam kết lâu dài của Mỹ.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_193379_chuyen-di-quyen-ru-dong-nam-a-cua-ong-pompeo.aspx