Chuyến đi 'giải hạn' cho dân nghèo

Cuối tháng 7/1998, tôi cùng một số phóng viên khác đã được vinh dự tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về vùng hạn hán ở Quảng Bình.

 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) ngày 30/7/1998. Ảnh: T.Phùng.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) ngày 30/7/1998. Ảnh: T.Phùng.

Mùa hè năm 1998, nắng nóng khốc liệt, kéo dài và không có mưa nên một số tỉnh miền Trung gặp hạn nặng. Riêng tại Quảng Bình, hạn cục bộ đã xảy ra ở một số địa phương dẫn đến tình trạng lúa cháy khô trên đồng. Khe, suối khô cạn, nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng.

Vào ngày 30/7 năm đó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hân hoan chào đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và đoàn công tác của Đảng, Chính phủ thăm và làm việc tại Quảng Bình.

Vào đến Quảng Bình, Tổng Bí thư đã về cơ sở để kiểm tra tình hình hạn hán của nhân dân.

Tại huyện Lệ Thủy, sông Kiến Giang đã chạm về nước chết không còn chảy được. Sản xuất và đời sống của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Sau khi thăm hỏi và chia sẻ, Tổng Bí thư lưu ý với lãnh đạo Bộ NN-PTNT quan tâm huyện Lệ Thủy để nhanh chóng xây dựng hồ chứa Phú Hòa (xã Phú Thủy).

Sau đó, hồ chứa Phú Hào được xây dựng và cho đến nay vẫn phát huy tốt hiệu quả trong việc tưới tiêu cho các xã phía tây huyện Lệ Thủy.

Tổng Bí thư dẫn đầu đoàn công tác lên những vùng đồi khô cháy để thấu hiểu và chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp ứng cứu cho bà con kịp thời.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm và nói chuyện với Chi bộ thôn ở xã An Ninh. Ảnh: T.Phùng.

Tại huyện Quảng Ninh, Tổng Bí thư đã lội ra cánh đồng lúa hơn 100ha bị chết cháy khô do hạn của xã An Ninh để xem xét cụ thể. Năm đó, huyện Quảng Ninh có gần 400ha lúa bị cháy khô như rơm. Từ cánh đồng về, hay tin Chi bộ Đảng thôn đang họp, Tổng Bí thư cũng đã dành thời gian ghé vào để thăm hỏi, trò chuyện với các đảng viên và nhân dân.

Tổng Bí thư ghé giếng làng ở thôn Nguyệt Áng (xã Tân Ninh). Theo các cụ cao niên bảo, giếng này hiếm khi khô hạn nhưng năm đó cũng đã trơ đáy. Người dân trong vùng không còn biết lấy nước uống ở đâu.

Tại hiện trường, Tổng Bí thư yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề xuất phương án đưa nước ngọt về cho người dân vùng An Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh… đang bị khô hạn. Giám đốc Trung tâm nước sạch tỉnh trình bày phương án đưa nước ngọt về với kinh phí hơn 300 triệu đồng và thời gian khảo sát, thi công nhanh nhất cũng sau 6 tháng mới hoàn thành.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với bà con nông dân tại vùng hạn hán huyện Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng.

Nghe xong, Tổng Bí thư quay sang hỏi lãnh đạo Công an tỉnh có mấy xe cứu hỏa. Nghe xong, Tổng Bí thư chỉ đạo ngay trong chiều hôm đó, công an tỉnh điều động hết xe cứu hỏa, các huyện hỗ trợ nhau điều động thêm phương tiện như xe công nông, thậm chí cả xe bò kéo chở thùng lớn đựng nước để lấy nước từ xã Gia Ninh, băng qua sông Kiến Giang đưa về ngay cho vùng đang khô khát.

“Nhiệm vụ có nước ngọt cho nhân dân là ưu tiên số một. Sau đó còn cho đàn trâu bò để giữ được con trâu là đầu cơ nghiệp cho bà con nông dân”, Tổng Bí thư đã chỉ đạo lúc đó.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư được thực hiện ngay chiều hôm đó. Tại các vùng dân cư bị hạn nặng, người ta đào nhiều hố có diện tích chừng 4 - 5m2, lót bạt và nước ngọt chở từ Gia Ninh về được đổ chứa vào đó. Người dân đến những điểm này lấy nước về dùng và cho trâu bò uống. Cơn khát nước của bà con vùng trọng điểm hạn đã được giải quyết nhanh chóng.

Thời gian sau đó, Quảng Bình triển khai nhanh việc lắp đặt trạm bơm ở Gia Ninh. Gia đình ông Phạm Cồng (thôn Phú Hào, xã Gia Ninh) đã tự nguyện hiến đất vườn để đặt trạm bơm giếng khoan. Ông Phạm Cồng sau này mất ở tuổi 102.

Nước bơm từ đây được đẩy qua hệ thống ống nhựa vượt sông Kiến Giang chạy thêm vài km đến các cụm dân cư các xã nói trên. Công trình này dùng mãi đến những năm gần đây mới dừng. Riêng trạm bơm và giếng khoan vẫn còn.

Cũng tại giếng làng xã Tân Ninh, Tổng Bí thư nhắc lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý hỗ trợ huyện Quảng Ninh nâng cấp hồ chứa nước Cẩm Ly để đảm bảo nước sinh hoạt, tưới tiêu cho nhân dân trong vùng.

Tác giả chụp ảnh cùng với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong chuyến công tác tại vùng hạn Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm.

Tôi còn nhớ, buổi sáng, trước lúc rời Quảng Bình, Tổng Bí thư gọi nhóm phóng viên đến và hỏi: “Mấy hôm báo chí theo bác vất vả rồi. Bây giờ có nguyện vọng gì không”. Tôi mạnh dạn thưa: “Thưa bác, anh em chỉ muốn được chụp ảnh với bác thôi ạ”.

Nghe vậy, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cười hiền nói với các đồng chí bảo vệ cho anh em chụp ảnh thoải mái một chút. Tôi được vinh dự đứng bên Tổng Bí thư để chụp bức ảnh kỷ niệm. Khi đồng nghiệp chụp xong, Tổng Bí thư còn bảo, chú nào chụp thấy chưa được ưng ý thì chụp lại cũng được.

Ở thị xã Đồng Hới lúc đó có bà Nguyễn Thị Thủy là lính của Tổng Bí thư lúc còn ở bên quân đội. Dành thời gian, Tổng Bí thư đã thăm hỏi bà Thủy như người thân lâu ngày gặp lại. Sau này, bà Thủy kể: “Thủ trưởng gặp hỏi han sức khỏe, chuyện gia đình, cuộc sống. Thủ trưởng còn tặng quà và căn dặn những điều chân tình, ân cần như tình cảm cha với con vậy”.

Tâm Phùng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-di-giai-han-cho-dan-ngheo-d270988.html