Chuyến đi gây tranh cãi của Tổng thống Hàn Quốc tới xưởng nghệ thuật Triều Tiên

Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới xưởng nghệ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng trong chuyến công du Triều Tiên tuần này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi cả ở trong và ngoài nước.

Tổng thống Moon Jae-in tuần này đã có chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Triều Tiên và tới thăm nhiều địa điểm tại thủ đô Bình Nhưỡng. Một trong những nơi nhà lãnh đạo Hàn Quốc đặt chân đến là Xưởng Nghệ thuật Mansudae.

Tuy nhiên, chuyến đi của ông Moon Jae-in tới Xưởng Nghệ thuật Mansudae hôm 19/9 đã trở thành đề tài gây tranh cãi cả ở Hàn Quốc và một số nước khác. Đây vốn là nơi lưu trữ các tài sản nước ngoài của Triều Tiên bị “đóng băng” theo nghị quyết trừng phạt 2371 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 năm ngoái.

Tổng thống Moon Jae-in và phu nhân tới thăm Xưởng Nghệ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Xưởng Nghệ thuật Mansudae được thành lập từ năm 1959 và là một trong những xưởng chế tác nghệ thuật có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 4.000 nhân viên, trong đó có 1.000 người là các họa sĩ.

Vào năm 2016, Liên Hợp Quốc đã nghiêm cấm Xưởng Nghệ thuật Mansudae xuất khẩu các sản phẩm nghệ thuật của xưởng ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là các bức tượng và điêu khắc. Liên Hợp Quốc cho rằng từ các hợp đồng mua bán này, Triều Tiên có thể thu tiền để phục vụ cho chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Ông Moon Jae-in xem một tác phẩm nghệ thuật tại xưởng Mansudae (Ảnh: Reuters)

Vì lý do trên, nhiều người cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới một nơi bị liệt vào danh sách “đen” của Liên Hợp Quốc như xưởng Mansudae là không phù hợp.

Trước khi Liên Hợp Quốc ra lệnh cấm đối với Xưởng Nghệ thuật Mansudae, nhiều khách hàng nước ngoài, trong đó có Senegal, Namibia, thậm chí cả Đức, đã mua các sản phẩm từ xưởng. Cơ sở này được cho là đã chế tác các tác phẩm cho 18 quốc gia, chủ yếu ở khu vực châu Á và châu Phi.

Ngoài ra, Xưởng Nghệ thuật Mansudae được cho là cung cấp nguồn nhân công giá rẻ để tham gia vào các hoạt động chế tác tượng đài và điêu khắc ở nước ngoài kể từ thập niên 1970, trong đó có tượng đài anh hùng chiến tranh ở Namibia và tượng đài Phục hưng châu Phi ở Senegal. Đức được cho từng thuê xưởng nghệ thuật Triều Tiên để phục dựng đài phun nước cổ tích Frankfurt vào năm 2006.

Tượng đài Phục hưng Châu Phi của Senegal (Ảnh: Bloomberg)

Tại Triều Tiên, Xưởng Nghệ thuật Mansudae đã tham gia vào quá trình xây dựng những đài tưởng niệm quan trọng nhất như tượng đài biểu tượng của đảng Lao động Triều Tiên hay tượng đài các cố lãnh đạo Triều Tiên. Tất cả hình ảnh của các thế hệ trong gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều do xưởng này phụ trách sản xuất.

Theo Korea Herald, các nghệ nhân làm việc tại Xưởng Nghệ thuật Mansudae không được hưởng lợi nhuận từ các tác phẩm của họ mà khoản tiền này được cho là nộp lại cho chính quyền Triều Tiên.

Một công trình nghệ thuật tại Triều Tiên do xưởng Mansudae chế tác (Ảnh: Bloomberg)

Liên quan tới chuyến đi gây tranh cãi của Tổng thống Moon Jae-in, một quan chức thuộc Ủy ban Trừng phạt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định chuyến đi này không vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên quan chức Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về việc liệu chuyến thăm của ông Moon có thể được Triều Tiên sử dụng để quảng cáo cho các hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật ở nước ngoài hay không.

Trong khi đó, Yoon Young-chan, thư ký phụ trách truyền thông công chúng của Tổng thống Moon Jae-in, nói với các phóng viên rằng mục đích của nhà lãnh đạo Hàn Quốc khi tới Xưởng Nghệ thuật Mansudae chỉ đơn giản là vì ông trân trọng các tác phẩm nghệ thuật ở đây.

Theo Dân trí

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//chuyen-di-gay-tranh-cai-cua-tong-thong-han-quoc-toi-xuong-nghe-thuat-trieu-tien_n41199.html