Chuyến đi đánh thức ký ức 50 năm: Ngàn xa gần lại một câu ân tình

Khi chiếc máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất 7g45 sáng ngày 20.8, thì cả Ngô Vi Bản và Nguyễn Văn Quê mới tin đây là thực chứ không phải mơ. Từ bé đến giờ, hai anh em chưa được đi đâu xa khỏi làng quê mình, thế mà hôm nay, như lời Quê nói: 'Được đi một phát hẳn tận Sài Gòn, rồi cả mũi Cà Mau - vùng đất cuối cùng của Tổ quốc'.

1. Bản là trưởng thôn Giữa của làng Mộ Đạo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Còn Quê là đại diện các gia đình Mộ Đạo từng đón con em cán bộ miền Nam về ở trong nhà vào những ngày cuộc chiến tranh Việt Nam trước 1975 chưa kết thúc. Đã 50 năm. Hồi ấy Quê khoảng bảy tuổi, còn Bản mới lên hai.

Ký ức 50 năm trước thức dậy trong tâm trí Quê - nay tóc đã muối tiêu và dáng vẻ hệt như cái tên cha mẹ đặt. “Một buổi chiều năm 1968, ba chiếc xe khách từ quốc lộ số 2 lăn bánh từ từ vào đường làng Mộ Đạo rồi dừng lại ở sân kho hợp tác xã. Nhiều anh chị tuổi học sinh xuống xe và được cán bộ địa phương đưa về từng nhà dân. Nom anh chị nào cũng ra dáng được nuôi nấng ở nơi tử tế, khác hẳn đám trẻ con nhà quê chúng tôi. Gia đình tôi cũng được đón ba chị về ở, đó là các chị Lâm Thị Thủy, Trần Thu Thảo và Phạm Thị Thúy.

Từ trái sang: anh Ngô Vi Bản, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân, anh Nguyễn Văn Quê - hai nông dân đến từ làng Mộ Đạo, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Đã 50 năm mà tôi vẫn nhớ đôi mắt to đẹp của chị Thảo, vóc người đậm đà của chị Thủy và cái dáng đi nhanh nhẹn của chị Thúy. Các nhà xung quanh và họ hàng của tôi cũng có các anh chị về ở: anh Đức cao lớn, anh Dũng dáng đi khuềnh khoàng và đặc biệt anh Ngọc (Đào Minh Ngọc) đẹp trai, học giỏi cả xóm sau đó đều biết tiếng...

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chúng tôi cũng được cha mẹ, chú bác bảo khẽ cho biết: “Cha mẹ của các anh chị học sinh về ở nhà mình đều là những người đang chiến đấu ở miền Nam để góp phần giải phóng đất nước, các anh chị vì hoàn cảnh chiến tranh mà phải xa cha mẹ dù tuổi còn rất nhỏ”... Chỉ cần nghe thế là thấy thương, trẻ con với nhau mà lại”.

Với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp: anh Đoàn Hoài Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (giữa)

Ngô Vi Bản thì nói với chất giọng vang vang, dạo tháng 4 năm nay các anh chị học sinh miền Nam gần cả trăm người kéo về thăm hỏi, tặng quà bà con Mộ Đạo đã làm cả làng vừa xốn xang vui, vừa bồi hồi ngẫm ngợi, bởi lẽ có không ít người ở các nơi khác từng qua đây, từng ở đây mà nào có được một câu nhắn gửi, chứ nói gì về thăm! Lứa ông bà, cha mẹ chúng tôi người thì đã mất, người còn thì lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng còn đủ minh mẫn để bảo với con cháu: “Ở đời cố mà sống thủy chung như các anh chị, cố mà giữ tình cảm nhân nghĩa với nhau”.

Nghĩa tình với nhau đến thế đã quý, vậy mà tháng 8 này các anh chị lại còn mời một đoàn cán bộ Vĩnh Phúc 15 người vào thăm miền Nam và cảm động nhất là các anh chị đã không quên mời đại diện làng Mộ Đạo tham gia đoàn...

2. Công việc và nhiều lý do khác nữa đã giới hạn chuyến thăm miền Nam của đoàn Vĩnh Phúc chỉ vỏn vẹn có năm đêm sáu ngày. Dù ngắn vội nhưng mười anh chị đại diện cho học sinh miền Nam Vĩnh Phú (HSMN) cũng đã kịp đưa đoàn đến với những cuộc hội ngộ trang trọng và ấm áp; những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của TP.HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre... đã được ghi vào sách sử và báo chí.

Với lãnh đạo tỉnh Bến Tre: anh Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy (thứ tư từ phải sang); anh Trần Ngọc Tư - Trưởng đoàn Vĩnh Phúc, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (thứ ba từ phải sang)

Ở TP.HCM, ngay buổi đầu tiên đoàn đến, anh Nguyễn Hữu Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận đã cùng các cán bộ phụ trách Văn phòng Thành ủy tiếp đón đoàn thật nồng hậu. Ở Đồng Tháp, Tỉnh ủy đã phân công Phó chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Hoài Bửu cùng nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh tiếp đãi đoàn rất chu đáo, thân tình.

Anh Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy do bận việc đột xuất không tiếp đoàn được, đã đặc biệt gửi tặng mỗi thành viên trong đoàn một món quà ý nghĩa: chiếc bút máy khắc tên người tặng và người được tặng. Ở Bến Tre, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đã cùng Bí thư, Chủ tịch thành phố Bến Tre tận tình đón đoàn cả ba buổi tối, sáng và trưa, chỉ với một tâm nguyện được nói ra thành lời: “Trước năm 1975, khi miền Nam là tiền tuyến lớn thì miền Bắc - trong đó có Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) là hậu phương lớn hết lòng vì miền Nam thân yêu. Sức người, sức của từ miền Bắc đã đổ vào miền Nam bằng mọi con đường trên bộ và dưới biển. Bao nhiêu người con quê Bắc đã ngã xuống ở miền Nam. Miền Bắc cũng đã gánh lấy trách nhiệm chăm lo nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng miền Nam khi đất nước trở lại thanh bình.

Tình nghĩa ấy miền Nam không bao giờ quên và đã tiếp tục nuôi dưỡng đến tận bây giờ và còn nhiều năm sau nữa. Những tỉnh Bắc và Nam kết nghĩa. Những chuyến thăm hỏi, những mối quan hệ hợp tác Bắc - Nam trong nhiều lĩnh vực”.

Đến với Đất Mũi Cà Mau - mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc cũng là quê hương của chị Châu Nhật Sinh, một trong những HSMN “mạnh thường quân” của chuyến đi

Còn cả những trường học kết nghĩa mang tên các địa danh Nam - Bắc. Như trường THPT mang tên Bến Tre ở thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và trường THCS mang tên Vĩnh Phúc (thành phố Bến Tre). Thật cảm động khi các thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hiên và hiệu phó Nguyễn Văn Đại trường THPT Bến Tre cùng cả đoàn Vĩnh Phúc vừa bước xuống xe đã được đắm chìm ngay vào không gian chào đón vừa rộn ràng sự trọng thể, vừa ấm tình Nam - Bắc của thầy trò trường THCS Vĩnh Phúc. Phó chủ tịch UBND thành phố Bến Tre - Nguyễn Văn Thương cùng đi với đoàn cho biết: thầy trò trường Vĩnh Phúc đã quyết định thực hiện những nghi thức long trọng nhất để chào đón đoàn.

Những lời hát, những chiếc khăn đỏ đã được các em học sinh quàng lên vai các vị khách quý từ miền Bắc vào như một lời hứa: thế hệ đi sau sẽ tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, sống tử tế bằng học tập tốt để phụng sự tốt cho Tổ quốc, bằng việc nuôi dưỡng lòng nhân nghĩa - thủy chung và tinh thần đoàn kết “Nam Bắc một nhà”. Cảm khái trước không khí thân tình ấy, một thành viên học sinh miền Nam đã sáng tác tại chỗ bốn câu thơ tặng thầy trò trường Vĩnh Phúc: “Bến Tre - Vĩnh Phúc bên nhau/Ngàn xa gần lại một câu ân tình/ Kết đoàn nghĩa ấy đinh ninh/Nước non một khối trường chinh vững bền”.

3. Những tưởng ngần ấy cuộc gặp gỡ với người, với đất phương Nam đã đủ để lại trong lòng các anh chị đến từ Vĩnh Phúc những kỷ niệm ấm áp khó phai mờ. Vậy mà, vẫn còn những niềm vui trên cả mong đợi của các thành viên trong đoàn. Đó là những thùng trái cây đặc trưng của Nam Bộ mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng để các thành viên mang về làm quà cho người ở nhà. Đó là buổi ăn sáng tại tư gia nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết do chính ông đích thân ra thực đơn: phở Bát Đàn với biến tấu miền Nam và những quả hột vịt lộn nóng hổi với rau quả từ vườn nhà.

Những khoảnh khắc ấm áp, thân tình giữa đoàn Vĩnh Phúc và học sinh miền Nam với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sáng 25.8

Những câu chuyện vui vẻ, thân tình, gần gũi đậm phong cách Nam Bộ của người từng là nguyên thủ quốc gia đã xóa đi khoảng cách chủ - khách, trên - dưới, đã tạo một ấn tượng đẹp trong lòng những người được làm khách của ông Triết buổi sáng 25.8 ấy. Vẫn là Ngô Vi Bản và Nguyễn Văn Quê - hai người nông dân đến từ làng Mộ Đạo xa tắp ấy đã không giấu được niềm sung sướng khó tả khi được gọi ra chụp ảnh riêng với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Ôi giời, không có chuyến đi này biết bao giờ chúng em mới biết miền Nam, mới được có tấm ảnh quý này để treo ở nhà, à không, ở Nhà văn hóa liên thôn của làng Mộ Đạo chứ!”...

4. Lúc chia tay những người bạn phương Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên - Lê Anh Tân, và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc - Mai Văn Trung đã nói giản dị thay cho lời cam kết: “Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện bằng được biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam tại Vĩnh Phúc vào quý đầu tiên của năm 2019, như các anh chị đã mong muốn và đang triển khai”.

Vâng, biểu tượng hai bà mẹ miền Nam và miền Bắc dựa lưng vào nhau với hai đứa trẻ trên vai trên cái nền của lá sen và lá cọ đã nên hình nên dáng sẽ là một biểu hiện cụ thể của sự tri ân mà những đứa con miền Nam muốn tạc vào miền đất phương Bắc đã từng có thời nuôi dưỡng mình, để nhắc nhở mãi về đạo lý biết ơn và chung thủy.

Bạn Trần Thu Thảo (thứ năm từ trái sang) thay mặt Ban liên lạc HSMN tỉnh Vĩnh Phú tiễn đoàn Vĩnh Phúc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Lại vẫn là anh Quê đẫm chất chân quê ấy đã làm bao người rơi nước mắt khi nói: “Các ông bà trong thôn làng đã nhờ tôi chuyển đến các anh chị lời thăm hỏi như sau. Bác Đối hỏi thăm sức khỏe anh Trí và anh Tâm. Anh Thôn hỏi thăm chị Thảo, chị Thủy và chị Thúy. Anh Vinh hỏi thăm sức khỏe chị Lê Ngọc Bền và nhắc chị cho anh xin một vài tấm ảnh kỷ niệm. Bà Sinh hỏi thăm chị Đức Hạnh. Bà Ngó hỏi thăm chị Thanh Mai và chị Thế Thanh. Anh Tuệ hỏi thăm rất nhiều đến chị Châu Nhật Sinh”. Có tưởng tượng giỏi đến mấy cũng không ai ngờ trong buổi tối giao lưu chia tay, Ngô Vi Bản đã đến ngồi cạnh cô giáo Ngân ngày xưa ở trong nhà anh, thôn Giữa làng Mộ Đạo, để “bật mí” một chi tiết bất ngờ: “Cô ơi, dạo ấy em mới hai tuổi, cô đã may cho em cái quần yếm rất đẹp. Em đã mặc nó đi khoe với trẻ con cả thôn... Em nhớ mãi lúc cô may xong và mặc nó cho em”.

Quả đúng là ân tình đã giúp những con người ngàn xa gần lại...

Nguyễn Thế Thanh - Ảnh: tư liệu HSMN Vĩnh Phú

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-di-danh-thuc-ky-uc-50-nam-ngan-xa-gan-lai-mot-cau-an-tinh-15193.html