Chuyện dạy tiếng Việt cho phạm nhân người nước ngoài ở Bình Thuận

Trong quá trình cải tạo, nhiều phạm nhân người nước ngoài có cơ hội được tiếp cận văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam thông qua các lớp dạy tiếng Việt.

Trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) hiện đang quản lý, giam giữ hơn 6.000 phạm nhân, trong đó có 200 phạm nhân là người nước ngoài, gồm 21 quốc tịch. Trong đó, đa số phạm nhân người nước ngoài đều phạm tội lần đầu, tuy nhiên tính chất và mức độ phạm tội đa dạng phức tạp (phần lớn phạm các tội về ma túy, xâm phạm sở hữu, lừa đảo...). Đây cũng là địa điểm duy nhất đang giam giữ phạm nhân người nước ngoài ở các tỉnh phía Nam.

Để quản lý và giáo dục người nước ngoài trong trại giam là một vấn đề không dễ thực hiện. Rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, phần lớn các tù nhân người nước ngoài tại đây không biết tiếng Việt. Trong khi, tỉ lệ cán bộ trại giam có thể nói lưu loát tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 30%.

Một tiết học tiếng Việt cho các phạm nhân người nước ngoài. (Ảnh: Trọng Phú)

Một tiết học tiếng Việt cho các phạm nhân người nước ngoài. (Ảnh: Trọng Phú)

Nhằm giúp cho các phạm nhân người nước ngoài tiếp cận dễ hơn với ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, có điều kiện cải tạo tốt, trại giam Thủ Đức đã mở các lớp học tiếng Việt hàng ngày. Các phạm nhân với nhiều quốc tịch từ Nigeria, Malaysia, Nga, Trung Quốc…đều được học chung một lớp với ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh. Tại đây, các phạm nhân được tập phát âm tiếng Việt, nghe giải nghĩa các từ, cụm từ tiếng Việt, học ngữ pháp...

Những cán bộ trại giam “đứng lớp” được ưu tiên là những người có thể phát âm lưu loát tiếng Anh, đồng thời có khả năng diễn đạt ngữ nghĩa để phạm nhân hiểu. Rất nhiều phạm nhân nước ngoài thông qua những lớp học này đã sử dụng thành thạo tiếng Việt. Thậm chí có phạm nhân còn đính hôn với người Việt Nam.

Mohd Hafiz Gomez (52 tuổi, quốc tịch Malaysia) là một trong những người đã “luyện” thành công tiếng Việt trong thời gian chấp hành án tại trại giam Thủ Đức. Dù bị tuyên phạt Chung thân vì vận chuyển ma túy, nhưng Gomez đã chấp hành hình phạt tù được 19 năm và có 7 lần được giảm án. Chỉ vài tháng nữa, phạm nhân này sẽ chính thức được tự do.

Mohd Hafiz Gomez (quốc tịch Malaysia) cho biết anh có bạn gái người Việt Nam đang đợi mình ra tù.

Gomez chia sẻ: “Lúc mới vào đây, tôi cũng rất buồn và ương bướng, không nghe theo lời cán bộ trại giam. Nhưng sau nhờ các cán bộ động viên, dần dần tôi cũng hiểu ra và bắt đầu học tiếng Việt. Ngoài giờ học trên lớp cùng các phạm nhân khác, tôi đến thư viện mượn từ điển Anh - Việt để học thêm. Sau vài năm, tôi thấy ngôn ngữ tiếng Việt của mình đã khá thành thạo, có thể giao tiếp thoải mái”.

Theo lời Gomez, nhờ học tiêng Việt mà anh đã có “vợ chưa cưới” là người Việt Nam. Trước đây, hai anh chị quen nhau trong trại giam Thủ Đức và hiện tại, người bạn gái của Gomez đã ra tù, đang đợi ngày anh được tự do để đoàn tụ.

“Khi tôi vào tù thì vợ cũ đã ly dị tôi. Nhưng rất may mắn tôi được gặp gỡ người bạn gái của mình trong phân trại số 4. Cô ấy rất quan tâm tôi và gia đình hai bên cũng đã gặp nhau. Mỗi ngày tôi đều cố gắng cải tạo tốt vì tôi biết ngoài kia, có một người đặc biệt đang đợi mình”. - Gomez chia sẻ.

Preeyang (quốc tịch Thái Lan) cảm thấy thích thú với việc học tiếng Việt trong trại giam.

Vào trại năm 2013, nữ phạm nhân Preeyang (29 tuổi, quốc tịch Thái Lan) kiên trì suốt 7 năm qua với việc học tiếng Việt.

“Ở đây, chúng tôi có các lớp học tiếng Việt cho người cơ bản và lớp cho người nâng cao. Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ khi nhập trại (năm 2013) và coi đó là thú vui của mình cho đến tận bây giờ. Vì tôi có thể nói tiếng Anh khá tốt, nên cũng thường hướng dẫn cho các phạm nhân khác, để họ có thể hiểu tiếng Việt nhanh hơn”.

Preeyang cho rằng, việc học tiếng Việt trong trại giam rất có lợi. Bởi ngoài việc có thể giao tiếp tốt hơn với quản giáo, việc thông thạo tiếng Việt có thể mang đến những cơ hội việc làm cho cô trong tương lai. “Biết đâu sau khi ra tù, tôi có thể ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc” – Preeyang cười.

Theo Ban Giám thị trại giam Thủ Đức, việc dạy tiếng Việt cho phạm nhân nước ngoài là một trong những ưu tiên lớn. Nhờ đó mà các phạm nhân nước ngoài dễ tiếp thu các chủ trương của Nhà nước, cải tạo tốt hơn.

Thượng tá Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám thị trại giam Thủ Đức cho biết: “Việc giáo dục thường xuyên, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được Ban giám thị trại giam hết sức quan tâm. Trong thời gian qua, trại đã mở các lớp dạy tiếng Việt cho hơn 60 lượt phạm nhân người nước ngoài. Nhiều phạm nhân nước ngoài tiếp thu tốt và sau một thời gian, có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động in ra tiếng Anh các tài liệu cần thiết như: Nội quy cơ sở giam giữ, tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù giúp cho phạm nhân hiểu biết và thực hiện trong quá trình cải tạo”./.

Trọng Phú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/chuyen-day-tieng-viet-cho-pham-nhan-nguoi-nuoc-ngoai-o-binh-thuan-1061799.vov