Chuyện dạy chữ trong chùa Khmer

Dịp hè hằng năm, sư sãi trong các chùa Khmer cùng hàng nghìn học sinh là con em đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng tham gia các lớp học tiếng mẹ đẻ, chữ Pali. Các lớp học này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại chùa Trà Tim mới, xã Ðại Tân, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại chùa Trà Tim mới, xã Ðại Tân, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Lớp học cũng giúp bồi dưỡng thêm tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, nhất là giúp các em học sinh hiểu được những giá trị phong tục tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chúng tôi đến chùa Trà Tim mới, ấp Tâm Phước, xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vào đầu một buổi chiều. Trời mưa rả rích. Những đứa trẻ vẫn đội mưa tới lớp đúng giờ, còn thầy giáo cũng đã có mặt. Bọn trẻ xếp hàng rồi lần lượt vào lớp học. Ðây là lớp dạy chữ Khmer cho các em nhỏ đồng bào Khmer trong xã. Thầy giáo Trần Phước Hoàng vốn là một vị à cha (avcha - là người tu rồi hoàn tục nhưng có uy tín trong cộng đồng), từng tu học tại chùa, giờ trở thành người tâm huyết truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các em.

Bằng tình yêu thương đối với các học trò nhỏ, thầy Hoàng luôn tận tâm chỉ dạy, nhiệt tình khi đứng lớp. Một cánh tay khi bé đã mất, thầy Hoàng vào chùa Trà Tim mới tu học từ thời niên thiếu, sau đó hoàn tục trở thành một à cha. Rồi thầy tình nguyện tham gia dạy chữ Pali cho các em nhỏ Khmer, dù không có bất kỳ khoản trợ cấp nào. Tấm lòng và tình yêu thương của thầy đã thôi thúc các em tới lớp mỗi ngày. Em Hên Thị Ngọc Phấn, học sinh lớp 7 ở xã Ðại Tâm đang theo học chữ Pali tại chùa Trà Tim mới, cho biết, thầy Hoàng rất thương học trò, thầy nhẹ nhàng, nhiệt tình, tận tâm nên các bạn rất quý thầy và chú tâm học tập cho thật tốt.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Sóc Kha cho biết: Toàn tỉnh có 158 trường học giảng dạy song ngữ tiếng Việt và tiếng Khmer và chín trường dân tộc nội trú giảng dạy chữ Khmer. Bên cạnh đó, 92 chùa Khmer trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các lớp dạy chữ Khmer vào dịp hè, thu hút hơn sáu nghìn em học sinh là người dân tộc Khmer đến học. Tại chùa Sà Lôn hay còn gọi là chùa Chén Kiểu, xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cũng đã thành lập lớp dạy chữ Pali cho con em đồng bào dân tộc Khmer trong và ngoài xã từ hơn 20 năm qua. Cứ mỗi dịp hè là nhà chùa lại gọi các em đến lớp, cho cả tập, sách, bút mực, động viên và giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn để các em yên tâm đi học.

Bên cạnh các lớp dạy chữ Khmer cho học sinh, chùa Sà Lôn còn có lớp dạy chữ Pali cho các vị sư đang tu học tại chùa và một số chùa lân cận. Các lớp học chữ Pali bắt đầu vào lúc 9 giờ hằng ngày. Giáo viên dạy chữ Pali là nhà sư Sơn Bảo Trang, từng tu học ở chùa này rồi cảm thấy yêu mến từng con chữ nên quyết tâm học hành và xin được dạy lại cho các lớp tu học khác. Chữ sư thầy Sơn Bảo Trang rất đẹp, rất thẳng hàng. Tuy là một vị sư trẻ nhưng thầy Trang được rất nhiều người quý trọng vì sự tận tâm, mỗi khi đứng lớp. Ðại đức Hoàng Kim Hưng, Trụ trì chùa Sà Lôn cho biết, hầu hết kinh Phật của đồng bào Khmer đều được ghi chép bằng chữ Pali nên việc dạy chữ Pali và dịch chữ Pali sang tiếng Khmer để các nhà sư mới vào chùa tu học, để hiểu nội dung trong kinh Phật.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Sóc Kha cho biết thêm: Thời gian qua, việc tổ chức giảng dạy chữ Khmer ở Sóc Trăng đạt kết quả rất khả quan, kể cả trong hệ thống các trường phổ thông cũng như tại các điểm chùa. Dịp hè, các trường ở 92 điểm chùa đều có tổ chức dạy chữ cho con em đồng bào Khmer.

Tuy chỉ là những lớp ngắn hạn trong thời điểm nghỉ hè hằng năm, nhưng lớp chữ Khmer trong các ngôi chùa ở Sóc Trăng luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Bởi các nhà sư cho rằng, việc giảng dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc Khmer cho con em dân tộc mình là điều vô cùng quan trọng. Cũng vì thế, các chùa luôn tạo điều kiện để các em tới lớp và chính các nhà sư là những thầy giáo trực tiếp truyền đạt kiến thức cho các em, nắn nót từng con chữ để các em hiểu được giá trị văn hóa dân tộc và thêm yêu tiếng mẹ đẻ của mình.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33940502-chuyen-day-chu-trong-chua-khmer.html