Chuyện đau đầu 'hậu' hội nghị liên Triều

Có thể nói, cơn đau đầu này chủ yếu tập trung vào tay Mỹ và Trung Quốc, mà trước hết là Tổng thống Donald Trump.

Ảnh: AP via Salon

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào hôm 27/4, có khả năng thiết lập lại hàng chục năm “thù địch” và mở đường cho thỏa thuận hòa bình vốn chỉ vài tháng trước còn không thể nào tưởng tưởng được.

Hai nhà lãnh đạo thảo luận có thể chấm dứt khả năng phóng tên lửa hạt nhân nhằm vào Mỹ cà các đồng minh. Họ nói chuyện về chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, mà về mặt kỹ thuật vẫn tiếp tục, vào cuối năm. Và họ đã kết thúc gần chín tiếng đồng hồ cùng một tuyên bố chung, đưa tất cả những khát vọng đó lên giấy.

Nhưng đó không phải là tất cả. Họ tạo ra những cảnh đáng chú ý, như Kim bước qua biên giới vào Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên vào Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950. Hai nhà lãnh đạo thậm chí còn đi cạnh nhau trên một tấm thảm đỏ dài khi họ đi qua đội bảo vệ danh dự, sau đó “thảnh thơi” trò chuyện riêng tư trong 30 phút trên một cây cầu.

Những hình ảnh, và cuộc họp, thực sự đáng chú ý. Nhưng vẫn còn ba vấn đề.

Thứ nhất, Kim và Moon vạch ra các mục tiêu, nhưng họ không chỉ rõ cách họ đạt được mục tiêu đó. Thứ hai, không rõ công chúng Hàn Quốc - mà các cuộc thăm dò cho thấy vẫn còn hoài nghi về Kim - sẽ chấp nhận loại nhượng bộ đến mức nào để có thể hàn gắn đất nước. Và cuối cùng, thành công tương đối của hội nghị thượng đỉnh Kim-Moon gây áp lực lên Tổng thống Donald Trump, người có kế hoạch gặp Kim vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

“Thỏa thuận Kim-Moon” mang tính “phong cảnh” hơn thực chất

Lãnh đạo hai miền đã ký tên vào cái gọi là “Tuyên bố Panmunjom”, trong đó cả hai đồng ý chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm và làm việc hướng tới “mục tiêu chung” là phi hạt nhân hóa.

Ảnh: Getty via The Daily Caller

Chỉ có một vấn đề: Có rất ít chi tiết cụ thể về cách thực hiện từng điều. Abraham Denmark, cựu quan chức Lầu Năm Góc, nói: “Thỏa thuận này dài về tham vọng và hy vọng và ngắn gọn về chi tiết.” Nói cách khác, tài liệu ba trang cho biết cả hai nước đều muốn gì nhưng không phải những gì mỗi nước sẽ sẵn sàng đưa ra để đạt được những mục tiêu đó.

Chiến tranh Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang diễn ra kể từ khi các bên chiến tranh đồng ý đình chiến vào năm 1953. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ, tương ứng ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc trong cuộc xung đột, cũng phải ký một hiệp ước hòa bình chính thức để chiến tranh chính thức chấm dứt. Không rõ những gì mà Bắc Kinh và Washington cảm thấy, mặc dù Trump có vẻ phấn khởi khi ông tweet HÔM 27/4: “CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN SẼ CHẤM DỨT!”

Phi hạt nhân hóa là một vấn đề khó giải quyết. Kim tin rằng Triều Tiên nên giữ chương trình hạt nhân của mình như là một biện pháp phòng vệ chống lại cuộc xâm lược từ bên ngoài nếu có. Ngược lại, Mỹ và Hàn Quốc muốn Triều Tiên tháo dỡ các khu vực hạt nhân và ngừng sản xuất tên lửa có thể tấn công Mỹ và các đồng minh.

Họ cũng phải quyết định cách Triều Tiên có thể hạn chế chương trình hạt nhân của mình - điều này cần có thời gian để đàm phán. “Đau đầu nhất luôn là chi tiết và quá trình thực hiện” - Vipin Narang, một chuyên gia hạt nhân tại MIT, nói. “Phi hạt nhân hóa là một hành trình dài, không phải là một kết quả.”

Trước đó, hai miền từng có các thỏa thuận tương tự, nhưng vô tác dụng. Chẳng hạn, vào năm 1991, Bình Nhưỡng và Seoul hứa sẽ kết thúc Chiến tranh Triều Tiên nhưng chưa bao giờ thực sự làm như vậy. Năm 2005, Triều Tiên và năm quốc gia khác - kể cả Mỹ và Hàn Quốc - đã ký một thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy viện trợ kinh tế và các cơ hội ngoại giao. Tất nhiên, thỏa thuận đó cũng bị xếp xó.

Tuy nhiên, tuyên bố chung hôm 27/4 chắc chắn có giá trị. “Điều quan trọng là nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cam kết hoàn tất việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bằng văn bản. Nó tạo ra trọng trách cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa”, Jenny Town, chuyên gia của Viện Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins, nói.

Nhưng đối với Scott Snyder, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại về vấn đề nước ngoài, phần khó khăn nhất là chuyện kế tiếp: “Có rất nhiều nguyện vọng, nhưng thời gian mới trả lời được.”

Áp lực lên Mỹ-Trung

Trước hết là Donald Trump. Các chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh Kim-Moon là khúc dạo đầu cho cuộc họp Kim-Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 - có nghĩa là cả hai nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với kỳ vọng cao hơn sau cuộc gặp gỡ đầy tính chất marketing của hội nghị 27/4.

Ảnh: Shutterstock via annenberg.usc.edu

Thỏa thuận Kim-Moon “đặt một lượng lớn áp lực và kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump”, Denmark nói. “Seoul sẽ thúc đẩy sự lạc quan và đầy hứa hẹn, trong khi Washington sẽ muốn tập trung vào chi tiết và chất lượng.”

Đó có thể là một vấn đề. Bởi như đã nói, Washington và Bình Nhưỡng cách xa nhau về quan điểm đảm bảo Triều Tiên không bao giờ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống Mỹ và đồng minh.

Theo Wall Street Journal, Trump sẽ yêu cầu ít nhất hai điều từ Kim. Thứ nhất, Triều Tiên phải tháo dỡ chương trình hạt nhân nhanh chóng. Thứ hai, Trump sẽ không dỡ bỏ trừng phạt đối với Bình Nhưỡng cho đến khi Triều Tiên đạt được tiến bộ đáng kể đối với mục tiêu đó.

Cũng tích cực, nhưng cũng đặt ra vấn đề khó. Trong các cuộc đàm phán trước đây, Triều Tiên đề nghị kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế nhưng sau đó đã bỏ dở giữa chừng. Điều đó khiến Trump cảm thấy Triều Tiên không đáng tin cậy và lần này muốn có dấu hiệu rõ ràng hơn.

Wall Street Journal viết: Khi tổng thống nói rằng ông sẽ không phạm sai lầm của quá khứ, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ không nhượng bộ đáng kể, chẳng hạn như dỡ bỏ lệnh trừng phạt, cho đến khi Bắc Triều Tiên đã tháo dỡ đáng kể các chương trình hạt nhân.

Kim chưa có dấu hiệu rõ ràng sẵn lòng đồng ý với những yêu cầu đó. Ông đồng ý ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể tấn công nước Mỹ, nhưng không nói rằng không bao giờ thử nghiệm những vũ khí đó nữa hay kết thúc chương trình hoàn toàn. Có khả năng là Kim sẽ “cau mày” nếu Trump có đòi hỏi cao như vậy.

Trump đã đe dọa sẽ rời bỏ các cuộc đàm phán với Kim nếu ông cảm thấy không “thành công”. Do đó, có thể Trump - và Kim - sẽ bỏ “phiếu trắng” bất chấp hy vọng cao rằng họ sẽ đạt được một tuyên bố chung nào đó.

Hội nghị 27/4 vẫn rất ý nghĩa

Việc thiếu chất không có nghĩa hội nghị 27/4 không đạt được điều gì đó. Đã có những khoảnh khắc lịch sử đáng ghi nhận, như việc Kim đặt chân vào lãnh thổ Hàn Quốc.

Họ cũng trồng cây với nhau, nói chuyện riêng trong 30 phút trên một cây cầu và chụp ảnh với các đoàn đại biểu. Đây mới là lần thứ ba lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh. Hai lần khác - vào năm 2000 và 2007 - không có những hình ảnh đầy sức sống như vậy, và đều diễn ra ở Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) nâng cốc chúc mừng trong bữa tiệc tối được tổ chức sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại làng Đình Chiến hôm 27/4.

Ảnh: Joint Press Corps via Korea Herald

Đó là buổi gặp mặt đầy biểu tượng. Ngay cả bữa ăn mà Kim và Moon cùng chia sẻ cũng có ý nghĩa. Ví dụ, họ dùng hải sản từ thành phố Busan của Hàn Quốc, nơi Moon lớn lên. Họ cũng ăn mì lạnh Triều Tiên gửi qua biên giới, được nấu bởi đầu bếp Bình Nhưỡng.

Nó có vẻ kỳ lạ, nhưng các chuyên gia tin rằng những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt vậy lại rất quan trọng. Donald Manzullo, Giám đốc Viện Kinh tế Hàn Quốc, cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 đầy tính biểu tượng, hình ảnh và hùng biện. Không nên quá mải mê tìm kiếm tiến bộ ‘thực’ mà bỏ qua điều đó. Biểu tượng cũng rất quan trọng.”

Cho dù giờ của sự hài hòa có thể biến thành một nền hòa bình lâu dài hay không vẫn là một câu hỏi mở - nhưng điều đó đã không làm mất đi ý nghĩa của những khoảnh khắc như vậy.

Lục Kiếm

Theo Vox

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/chuyen-dau-dau-hau-hoi-nghi-lien-trieu-81195.html