Chuyện đất đai ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức): Chỉ số ít người cố tình không chịu hiểu

LTS: Hơn 2 năm kể từ ngày xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết thấu đáo những ý kiến, kiến nghị của một số công dân về đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên, trước sự thật 'hai năm rõ mười', khác với hầu hết người dân xã Đồng Tâm, một số ít công dân tại đây vẫn cố tình không chịu hiểu, lợi dụng dân chủ để làm phức tạp tình hình, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Bài 1: Sự thật về “59ha đất đồng Sênh”

Tất cả những phản ánh, kiến nghị của một số công dân xã Đồng Tâm nêu ra đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố Hà Nội giải đáp cụ thể, thấu đáo, bảo đảm chính xác, khách quan. Thế nhưng, một số ít công dân vẫn cố tình không chịu thừa nhận sự thật: Phần diện tích họ tưởng tượng là đất nông nghiệp, thực chất là đất quốc phòng.

Những con số... tưởng tượng

Cho đến nay, một số ít công dân xã Đồng Tâm vẫn cho rằng, tổng diện tích đất quốc phòng khu vực sân bay Miếu Môn thuộc địa phận hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36ha; còn khu đất người dân hay gọi với tên “đồng Sênh” có diện tích 59ha là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Tổng diện tích khu vực này là 106ha.

Đây không phải là nội dung mới. 59ha và 106ha là những con số... tưởng tượng, nghĩa là không có căn cứ, không có cơ sở về mặt lịch sử sử dụng đất cũng như căn cứ pháp lý. Bởi vì, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (gồm cả khu vực đất mà một số ít người dân địa phương thường gọi là “đồng Sênh” và khu 14 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khu vực đất sân bay Miếu Môn) chỉ có tổng diện tích là 64,11ha, khác xa so với con số 106ha.

Thậm chí, con số 106ha cũng “thay đổi” trong chính nhóm người đang có hành vi sai trái, lúc thì nói 96ha, lúc nói 106ha và hiện nay họ “chốt” là 106ha… Tuy nhiên, tất cả hồ sơ, tài liệu đang lưu trữ ở các đơn vị quân đội và hồ sơ, tài liệu liên quan đến đất nông nghiệp xã Đồng Tâm từ năm 1981 đến nay cho thấy, không có bất kỳ nội dung nào thể hiện diện tích 59ha đất nông nghiệp với tên gọi “đồng Sênh” ở khu vực mà một số ít người dân cho đó là đất nông nghiệp của xã.

Trong đó, kết quả rà soát sổ mục kê thuế đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đồng Tâm từ năm 1980 đến nay không có dấu vết về việc đóng thuế đất nông nghiệp của khu "đồng Sênh". Vậy diện tích đất nông nghiệp 59ha phải chăng từ trên trời rơi xuống?

Đó là chưa kể, nếu quan sát trực quan sơ đồ sân bay Miếu Môn có thể thấy, diện tích đất sân bay nằm trong khu vực địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích chung của sân bay. Nếu con số 106ha là có thật thì diện tích đất sân bay thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm phải chiếm gần 1/2 tổng diện tích sân bay (?). Chẳng lẽ địa giới hành chính xã Đồng Tâm tự nở ra chiếm luôn cả phần các xã khác thuộc huyện Chương Mỹ (có bàn giao đất để xây dựng sân bay Miếu Môn)?

Một số ít người dân ở xã Đồng Tâm cho rằng, các mốc số 28, 13, 29, 37 ở khu vực sân bay Miếu Môn là các mốc phân định ranh giới giữa khu 47,36ha và khu 59ha nêu trên. Sự thật, các mốc giới này do các đơn vị quân đội cắm từ năm 2016 để phân định ranh giới, phạm vi đất quốc phòng giao cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng công trình quân sự và diện tích đất còn lại của sân bay Miếu Môn.

Các mốc giới mới này không làm thay đổi thực tế lịch sử đất đai ở xã Đồng Tâm, càng không phải cơ sở để “hợp thức hóa” các con số tưởng tượng 59ha và 106ha. Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn đã được các đơn vị quân đội cắm mốc giới bằng bê tông cốt thép, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý. Điều này đã được cơ quan đo đạc của Bộ Tài nguyên - Môi trường kiểm định và xác nhận không có thay đổi, chuyển dịch.

Có một chi tiết đáng lưu ý, dễ bị lợi dụng để làm cớ dựng lên những con số tưởng tượng nêu trên là tổng diện tích đất sân bay Miếu Môn hiện trạng là 236,7ha, tăng 28,7ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/TTg ngày 14-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ. Cần hiểu rõ rằng, số diện tích tăng này thuộc phần 31,9ha bị ảnh hưởng thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ được Nông trường quốc doanh Lương Mỹ bàn giao cho Bộ Tư lệnh Công binh; không hề thuộc địa giới xã nào của huyện Mỹ Đức.

Kiến nghị của ông Lê Đình Kình và một số người là không có căn cứ

Những sự thật nêu trên đã được giải thích rõ nhiều lần thông qua việc xem xét hồ sơ, tài liệu lưu trữ, kiểm tra mốc giới, đo đạc thực địa và được thể hiện chi tiết trong Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội - một kết luận khách quan và đúng quy định của Luật Thanh tra. Thực tế là rất nhiều người dân ở Đồng Tâm đều đọc, hiểu và đồng tình với Kết luận thanh tra này nên không a dua theo cái sai, không vào hùa, lợi dụng dân chủ để đòi những thứ không thuộc về mình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, Kết luận thanh tra 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội có khó hiểu không, ông Nguyễn Văn Vỹ, ở xóm 8, thôn Hoành, xã Đồng Tâm khẳng định: “Tôi không có tranh chấp gì đọc cũng hiểu huống chi là những người rắp tâm đi khiếu kiện. Vấn đề là người ta không muốn hiểu, cố tình không muốn hiểu”.

Sau khi Kết luận thanh tra 2346/KL-TTTP-P5 được ban hành, một nhóm người do ông Lê Đình Kình đứng đầu không đồng tình đã có khiếu nại với Thanh tra Chính phủ. Ngày 25-4-2019, sau một quá trình xem xét nghiêm túc, khách quan, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP về “Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội”.

Thông báo 611/TB-TTCP xác nhận: “Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra, các nội dung của Kết luận thanh tra phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm tính chính xác. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội”.

Có thể nói, quá trình xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân xã Đồng Tâm đã được thành phố Hà Nội và các cơ quan trung ương tiến hành nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của công dân và thượng tôn pháp luật.

Trong Thông báo số 611/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ còn nêu rõ: “Thanh tra thành phố Hà Nội đã làm rõ các kiến nghị, phản ánh của ông Lê Đình Kình và một số hộ dân. Trong đó làm rõ diện tích 28,7ha chênh lệch; việc đề nghị tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng; diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Kết luận về diện tích sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là có căn cứ, có cơ sở, việc kiến nghị của ông Lê Đình Kình là không có căn cứ, không có cơ sở”.

Sự thật rõ ràng, dễ hiểu như vậy, nhưng một số ít người dân ở xã Đồng Tâm vẫn cố tình không chịu hiểu, mù quáng lôi kéo một nhóm người đòi diện tích đất do mình tưởng tượng ra với hy vọng lấy được lợi ích không thuộc về mình. Đó là điều khiến ngay cả những người dân chân chất, hiền lành ở Đồng Tâm cũng cảm thấy nực cười và bất bình.

(Còn nữa)

Trí Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/936913/chuyen-dat-dai-o-xa-dong-tam-huyen-my-duc-chi-so-it-nguoi-co-tinh-khong-chiu-hieu