Chuyện đánh biệt kích trên đỉnh Trường Sơn

Trong khoảng 10 năm (từ 1960-1970), Mỹ-ngụy tăng cường thả thám báo, biệt kích nhằm nắm tình hình ở khu vực huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Giữa bộn bề khó khăn, vất vả, quân và dân huyện Quảng Ninh, tiêu biểu là Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Làng Ho, Làng Mô vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, bắt sống nhiều toán biệt kích. Những câu chuyện 'đánh biệt kích' vẫn được người dân nơi đây kể lại với niềm tự hào.

Ông Nguyễn Văn Yêu (bên trái) cùng vợ - bà Hồ Thị Viên sôi nổi khi kể lại chuyện đánh biệt kích. Ảnh: Trúc Hà

Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nằm ven con sông Long Sơn. Thật khó tưởng tượng, ở giữa đại ngàn cao ngất Trường Sơn, nơi này lại bằng phẳng và đất đai màu mỡ như châu thổ sông Hồng. Bãi hoa màu với lạc, ngô xanh mướt. Con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã mở ra cơ hội giao thương, rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi, góp phần đổi thay cho vùng đất biên giới này. Khó có thể nhận ra nơi đây từng là “tọa độ lửa”, ngày đêm giặc Mỹ bắn phá. Với vị trí giáp Lào, ngụy quyền Sài Gòn đưa nhiều toán biệt kích tới đây hoạt động nhằm điều tra tình hình các đường mòn sang Lào, các mục tiêu quân sự, kho tàng, binh trạm, thuyền bè, xe cộ ở vùng Long Đại, Cổ Tràng, hoặc bắt cóc cán bộ, nhân dân đi lẻ rồi gọi máy bay đến bốc vào Nam.

Khi biết tôi có ý định viết bài về truyền thống Anh hùng của đơn vị, Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô giới thiệu: Những năm kháng chiến chống Mỹ, đơn vị lập rất nhiều chiến công, trong đó, những thành tích đánh biệt kích là một điển hình. Ngoài tư liệu trong biên niên sử, hiện trên địa bàn vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại đơn vị, trực tiếp tham gia truy lùng, tiêu diệt, bắt sống các toán biệt kích.

Theo gợi ý của Đồn trưởng Huân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Cả, nguyên là nhân viên thông tin của Đồn Biên phòng Làng Mô. Đã 80 tuổi, nhưng ông Cả vẫn rất khỏe mạnh và rất minh mẫn. Đặc biệt, khi nhắc đến những tháng năm công tác trong lực lượng CANDVT Quảng Bình, giọng ông càng trở nên sôi nổi.

Tháng 2-1959, ông Trần Văn Cả nhập ngũ vào lực lượng CANDVT Quảng Bình và được cử ra Bắc học thông tin. Trở về, ông được biên chế vào Đại đội cơ động của Ban chỉ huy CANDVT tỉnh Quảng Bình. Bởi vậy, trong những năm 1964-1968, ông nhiều lần cùng Đại đội cơ động tăng cường cho Đồn Biên phòng Làng Mô vây bắt, truy kích biệt kích do Mỹ - ngụy thả xuống biên giới.

Đã hơn 50 năm, nhưng ông vẫn nhớ như in trận vây bắt nhóm biệt kích gồm 6 tên ở Khe Trệt. Đó là ngày 14-5-1968, máy bay lên thẳng chở 1 toán biệt kích được trang bị các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, mang vũ khí đổ bộ xuống sườn đồi thuộc Khe Trệt. 2 chiến sĩ của đơn vị đang công tác ở Bản Trệt đã phát hiện, cấp tốc báo về đồn. Sau khi lên phương án đánh địch một cách kĩ lưỡng, sáng ngày 18-5, đơn vị triển khai 3 mũi truy lùng nhóm biệt kích này. Đến 13 giờ cùng ngày, tại Khe Chảy, tổ của Thiếu úy Hùng - Đội trưởng cơ động của đơn vị và tổ đồng chí Bằng - trinh sát viên gặp 1 tên đang câu cá ở bên bờ suối. Ta kêu gọi, nhưng hắn ngoan cố không đầu hàng, buộc các chiến sĩ phải nổ súng tiêu diệt tại chỗ. Những tên còn lẩn khuất quanh đó vội bỏ chạy. Đến lúc này, lực lượng truy tìm được bổ sung thêm 30 dân quân, tiến hành ngăn chặn các ngả đường, sẵn sàng bắn máy bay khi chúng đến cứu. Đến ngày 24-5, ta bắt được 2 nhân viên truyền tin, khi chúng đang dùng pháo hiệu bắn lên cho máy bay đến cứu. Đến ngày 9-6, ta bắt tiếp được 2 tên. Chúng khai, do không có thức ăn, 2 tên muốn đầu hàng, nhưng tên toán phó không đồng ý, nên bị chúng giết.

Thành tích đánh biệt kích của Đồn Biên phòng Làng Mô không chỉ ở lãnh thổ Việt Nam, mà còn ở bên Lào. Ngày 19-12-1967, Mỹ dùng trực thăng, đổ toán biệt kích “Cô-xi-tin”, gồm 11 tên xuống vùng núi Phu Pơ Rê, xã Khun Xê, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào. Bạn tổ chức truy lùng nhưng không phát hiện được gì. Sau khi xác minh tình hình, Đồn Biên phòng Làng Mô lập Ban chỉ huy truy tìm, gồm 4 đồng chí (có 2 người Lào), do đồng chí Hữu, Trung úy, Đồn trưởng làm Chỉ huy trưởng. Lực lượng trực tiếp truy tìm cũng nhanh chóng được thành lập với 16 chiến sĩ Biên phòng Việt Nam, 6 dân quân của Lào. Đến ngày 15-6-1968, toàn bộ toán biệt kích bị ta tóm gọn, thu 9 súng cạc-bin, 2 súng ngắn, lựu đạn, đạn dược, khí tài... Sau trận này, Huyện ủy Bua La Pha đã yêu cầu đơn vị đến báo cáo kinh nghiệm trận đánh tại Đại hội Đảng bộ huyện. Chính quyền và nhân dân địa phương của Lào tổ chức liên hoan mừng công.

Chuyện đánh biệt kích của ông Nguyễn Văn Yêu, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô cũng có những điều đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở Trường Sơn, nên khi về hưu, ông cùng vợ là Hồ Thị Viên sống trong ngôi nhà sàn sát chân núi. Tuy không có con, nhưng hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông bà vẫn hạnh phúc như vợ chồng mới cưới. Bà Viên bảo: Ngày ấy, bà xinh đẹp, hát hay nhất vùng, gia đình lại có 5 đảng viên, nên mới “đủ tiêu chuẩn” để Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho đồng ý cho kết hôn với ông. Với bà, ông là chàng trai dũng cảm nhất mà bà từng gặp. Sự dũng cảm ấy bà thấy ở chồng khi ông không sợ hiểm nguy, cùng đồng đội luồn rừng truy tìm biệt kích, mặc dù trước đó, không ít cán bộ đã hi sinh, bị thương bởi nhiệm vụ này. Ngày ấy, phụ nữ tuy không tham gia truy kích biệt kích, nhưng những nữ dân quân thường tổ chức vận chuyển lương thực giúp đoàn. Khi ấy, ăn đói mặc thiếu, nhưng mỗi lần có vụ truy lùng biệt kích thì nhà góp trứng, nhà góp gạo cho bộ đội đánh giặc. Điều mà bà Viên nhớ nhất là khi ông cắt phép để hỏi vợ. Hôm sang hỏi bà làm vợ, chưa tới nhà, thấy Đồn Biên phòng Làng Mô đi đánh biệt kích ở Khe Trệt, ông đi theo luôn. Mấy hôm sau, ông trở về, mang gà, rượu sang nhà bà xin cưới.

Tên biệt kích bị Đồn CANDVT Làng Mô bắt. Ảnh: Tư liệu

Khắp các bản người Bru - Vân Kiều, suốt từ Làng Mô đến Làng Ho, khi nhắc đến cái tên Tà Giọc (tên thật là Hồ Vôông), người dân đều nói “ông nớ khôn, giỏi lắm, bắt kiệt kích giỏi như CANDVT”. Và ai cũng sẵn sàng kể câu chuyện bắt biệt kích của Tà Giọc.

Chuyện xảy ra năm 1968, khi ông Giọc đi tìm lá trầu ở cửa suối Tăng Ký đổ ra sông Long Đại thì gặp 2 tên biệt kích. Sau khi “than nghèo, kể khổ và bất mãn với chế độ hiện tại”, ông Giọc thuyết phục được 2 tên biệt kích về lán trâu của ông Bồng (anh trai ông Giọc) để “sinh sống và xây dựng cơ sở”. Sau khi được anh em ông Giọc cho ăn cơm với thịt gà, 2 tên biệt kích nói, vẫn còn 1 tên nữa trên núi, giờ sẽ đi gọi về ở đây luôn. Tà Giọc liền “cắt cử” anh trai về bản lấy thêm gạo, gà để nuôi mọi người (nhưng kỳ thực là về Đồn CANDVT Làng Ho báo tình hình), còn mình sẽ lên núi. Hôm sau, sau khi gọi được thêm 1 tên biệt kích về, đi qua khe Tăng Ký, nước rất sâu, Tà Giọc bảo với 3 tên biệt kích: “Các chú cất súng vào gùi của tôi đeo, như vậy mọi người bơi dễ hơn”. Tin lời ông Giọc, 3 tên biệt kích đưa súng cho ông để bơi qua khe. Khi chúng vừa lóp ngóp đặt chân lên bờ thì các chiến sĩ CANDVT, dân quân xã “đón” sẵn. Nhờ thành tích này, ông Giọc được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-danh-biet-kich-tren-dinh-truong-son/