Chuyện đàn ông đảm đang đi chợ

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc đi chợ cơ bản coi đó là nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình, thế nhưng nếu ai đó đến chợ cá Bến Do (Cẩm Phả) vào buổi sáng sớm, thì bắt gặp khá nhiều đàn ông đi chợ. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Chợ cá Bến Do (Cẩm Phả) hình thành từ mấy chục năm trước, đầu tiên từ những ghe thuyền của những người đánh cá của Cẩm Phả ghé vào bờ để bán cất cho các lái buôn, nhiều người tiêu dùng cũng đến đây mua giá gốc cho rẻ. Vậy là hình thành chợ.

Đầu tiên là chợ tạm, đến đầu những năm 2000 chợ mới được xây dựng kiên cố. Chợ họp từ sáng sớm tinh mơ, các lái buôn thuyền chã từ nhiều nơi đổ về đây, bán lại tôm cá... cho các lái buôn trên cạn, rồi từ đó cá tôm được đổ về nhiều chợ khác của TP Cẩm Phả và sang cả Hạ Long. Vì công việc không mấy nhẹ nhàng nên có nhiều ông chồng cũng đi theo giúp đỡ vợ, ban đầu thì cũng hơi ngượng ngùng, nhưng sau thì cũng tinh ranh không kém các bà vợ.

Đến chợ cá, ta còn bắt gặp các lái buôn đến từ Đầm Hà, Đông Triều, Quảng Yên.v.v. đến bán các đồ mang tính miền quê và có nhiều ông chồng đi theo để phục vụ bà xã nhà mình.

Có nhiều đàn ông bán cá ở chợ cá Bến Do (Cẩm Phả).

Có nhiều đàn ông bán cá ở chợ cá Bến Do (Cẩm Phả).

Anh Nguyễn Văn Hùng hàng ngày đi chợ cùng vợ, anh đưa ra lý giải: Chẳng nhẽ lại bắt vợ thuê người làm à. Vợ chồng anh Hùng chuyên bán cá tươi sống, công việc từ sáng tinh mơ xuống dưới thuyền chã, bê mấy chục cân cá tươi sống phải kèm theo cả nước biển mặn để thả cá.

Nặng nhọc thật đấy, anh Hùng đâu nỡ để vợ làm một mình được, nên sáng nào anh cũng phụ vợ tay xách, nách mang. Công việc hàng ngày của vợ chồng anh Hùng, vợ bán cá còn chồng thì cân cá cho khách, rồi anh Hùng kiêm cả công việc làm cá khi khách yêu cầu.

Anh Nguyễn Văn Nhật đã có thâm niên gần chục năm nay làm nghề buôn rau cùng vợ. Rau anh lấy từ quê ra. Khách mua nhiều nên anh Nhật thường bán hàng cùng vợ. Tay anh thoăn thoắt chọn khoai tây cho khách hàng lại vừa chuyện trò: “Khoai tây 15 nghìn đồng một ký, khoai ngon đấy, mua cả cân đi”.

Miệng nói, tay nhặt khoai, tay kia anh vơ mấy củ hành, một ít rau thì là “Này vừa tròn 20 nghìn nhé, nấu canh khoai phải có hành với thì là mới thơm chứ”. Anh Nhật bảo: “Ban đầu bán rau với vợ, mình là đàn ông cũng ngại, nhưng sau rồi cũng quen đi”.

Không khó gặp những người đàn ông đảm đang thay vợ đi chợ ở chợ cá Bến Do.

Thấp thoáng có những người đàn ông cũng tay xách nách mang đi chợ thay cho vợ. Tôi đến làm quen với một người đàn ông. Anh chàng chỉ nói lí nhí rằng mình tên là Bảo, rồi giải thích: "Hôm nay vợ tôi mệt ở nhà nên tôi mới đi chợ thay cho vợ”.

Chị bán cá gần đó vô tư góp lời: “Anh ấy ngày nào cũng đi chợ đấy. Gớm đàn ông con trai mà cũng khéo chọn hàng rồi mặc cả, phụ nữ nhiều người chưa chắc bằng”. Thấy không giấu được, người đàn ông tên Bảo đành thổ lộ: “Chẳng là cô vợ nhà tôi tính tiết kiệm, đi chợ chỉ mua cá nhỏ, tôm sắt về chọn con to để người ăn, còn thì cho ngan, gà ăn. Mình là đàn ông nghĩ sao phải khổ, tiết kiệm quá để làm gì, vậy là tôi đành đi chợ, mình lại mua được cái thứ mình thích ăn”.

Một người đàn ông khác giới thiệu tên là Thường, ở phường Cẩm Thành sáng nào cũng đi chợ. Chẳng là do vợ anh bán hàng tạp hóa, buổi sáng sớm chị lại dọn hàng bán bánh cuốn. Anh Thường làm nghề tự do, dạo này tuổi cao xương khớp đau, nên kinh tế hàng ngày hầu như đều do vợ anh làm. Vậy là anh Thường phải đi chợ, vì có lần anh chần chừ chị vợ bảo: “Ông không đi chợ thì ở nhà bán bánh cuốn cho tôi”. Công việc này thì anh đành chịu, dẫu sao thì đi chợ vẫn đỡ gò bó hơn.

Cuộc sống đổi thay, những người đàn ông đi chợ, đó cũng là một cách để họ giữ gìn hạnh phúc gia đình được êm ấm, bởi lẽ nào tất cả mọi công việc trong gia đình đều phó mặc người phụ nữ được?

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/chuyen-dan-ong-dam-dang-di-cho-2473814/