Chuyện cười ra nước mắt về bóng đá trong văn chương Việt

Cầu thủ bê tha, liên đoàn làm bóng đá theo phong trào, người quản lý bóng đá tiêu cực, nạn dàn xếp khiến bao chuyện bi hài quanh trái bóng xảy ra.

Bóng đá là đề tài yêu thích, được mọi người bàn tán không dứt trong đời sống, đi vào văn chương. Một số nhà văn Việt chọn viết về bóng đá với góc nhìn châm biếm, đả kích những mặt tiêu cực của môn thể thao vua.

Đi xem bóng đá như tù binh bị áp giải

Tinh thần thể thao của Nguyễn Công Hoan là tác phẩm nổi tiếng nhất khi nhắc tới đề tài châm biếm, đả kích liên quan tới bóng đá. Nhiều người biết đến tác phẩm khi một trích đoạn được đưa vào giảng dạy tại chương trình ngữ văn phổ thông.

Truyện ngắn bắt đầu từ việc một trận đấu bóng được tổ chức ở sân vận động. Quan tri huyện gửi giấy về xã Ngũ Vọng yêu cầu quan lại cấp xã phải cử đúng một trăm người đến dự và cổ vũ trận đấu. Mọi người trong xã đều tìm mọi cách để xin miễn đi xem bóng đá.

Không ai muốn đi xem thể dục vì người ta phải lo kiếm cơm, người thì ốm yếu, người lại chẳng có quần áo lành lặn mà đi xem. Người có của thì đút lót tiền để không phải đi xem.

Tranh biếm họa của họa sĩ Omar Momani.

Lý dịch trong làng phải tìm đủ cách đánh đập, bắt bớ, dọa nạt, mà người làng vẫn chốn như chạy giặc. Dưới ngòi bút châm biếm của Nguyễn Công Hoan, cuộc đi xem bóng đá của 94 người dân y hệt như một cuộc áp giải tù binh.

Trận bóng mà quan trên quan dưới dàn dựng hăng hái ấy, chỉ là trò tô vẽ cho trật tự thối nát của chế độ thực dân. Còn với người dân, trận bóng như tai họa, phải van xin, lạy lục, náo loạn vì cuộc lùng sục, tróc nã.

Đả kích cầu thủ "ngôi sao", dàn xếp tỉ số

Nếu như Nguyễn Công Hoan mượn chuyện bóng đá để đả kích xã hội, thì nhà văn Vũ Bão lại đi trực diện vào các vấn đề của bóng đá. Trong cuốn sách Ông khóc Tôi cũng khóc, với truyện ngắn Bó cỏ dưới mõm ngựa, nhà văn đả kích thói hư hỏng của một cầu thủ “ngôi sao”.

Nhân vật chính của truyện là Lê Doãn - cầu thủ được mệnh danh là “Vua Chiến Trường”, “Thần bóng đá”, luôn bắn thủng lưới đối phương. Tiếng tăm anh nổi như sóng cồn. Đi đâu, làm gì, nhất nhất đều có người hâm mộ, tung hô Lê Doãn.

Trên đỉnh hào quang, Lê Doãn sa ngã đạo đức: “Các cô gái cuồng tín của Thần Bóng đá cứ lăn vào đời anh. Những lúc nằm thở dốc như bễ lò rèn, anh thương vợ vô cùng nhưng đến lần sau, anh lại tặc lưỡi tự an ủi: ‘Chẳng qua cũng chỉ là bi kịch của người đàn bà lấy chồng nổi tiếng’. Ấy thế mà Doãn vẫn được tiếng là đọa cao đức dày, vì anh biết nhiều cách chùi mép”.

Tranh biếm họa của họa sĩ Omar Momani.

Có lúc cao hứng anh nằm kiểm kê những tín đồ mê mẩm của bóng đá ấy rồi xếp thứ tự theo vần chữ cái ABC. An, rồi đến Bích, Bình, Chi, Diệp, Dung, Định, Tú… Vân, Xuân, Yến. Người cuối cùng trong danh sách ABC ấy là cô bé 18 tuổi trùng tên vợ anh: Yến.

Không chỉ sa ngã, Vua phá lưới đã trượt xuống bên kia sườn dốc. Người thứ nhất biết việc đó là Yến, vợ anh, nhận ra thể lực anh đã suy sụp. Người thứ hai là huấn luyện viên biết rõ Lê Doãn đã phá sức trong những buổi gặp gỡ vụng trộm với các cô gái trẻ mê tài anh.

Đã ghi 197 bàn thắng, Lê Doãn tự tin tới mức anh ngồi toan tính sẽ ghi 3 bàn thắng để hoàn thiện con số 200 bàn trong những tư thế như nào. Nhưng ba bàn thắng thứ 198, 199, 200 cứ như bó cỏ treo mõm ngựa. Dù ngựa cố phi bụi mù bụi cát lên thì lúc nào bó cỏ cũng cứ treo dưới mõm ngựa một đốt ngón tay.

Với những chi tiết hài hước mà sâu cay, tác giả viết câu chuyện như một lời cảnh tỉnh dành cho các cầu thủ, khi ở đỉnh cao danh vọng vẫn phải tập luyện thể chất, và càng phải tôi luyện tinh thần, ý chí, đạo đức.

Tiền là tấm vé vào chung kết

Cũng là một tác phẩm của Vũ Bão, truyện ngắn Ông khóc tôi cũng khóc lại đả kích tiêu cực của một bộ phận quản lý bóng đá. Truyện kể về ông Cống, Giám đốc Sở Thể dục thể thao tỉnh Sông Ninh quyết tâm “Bằng bất kỳ giá nào phải phấn đấu đưa đội bóng Sông Ninh lên hàng A1”.

Ông Cống đích thân đi mời các cầu thủ quê ở Sông Ninh đang khoác áo các đội sừng sỏ trở về đầu quân cho đội bóng tỉnh nhà. Anh nào xin đi không được cứ tự động bỏ về Sông Ninh, ông Cống sẽ cho vào biên chế, quyết định tang một lúc hai bậc lương.

Anh nào nặng gánh gia đình, ông can thiệp với ban tổ chức chính quyền đưa từng trường hợp vợ chưa có việc làm vào cơ quan để các cầu thủ yên tâm tập luyện.

Chỉ trong hai tháng trời, Sông Ninh ra quân với một đội hình hùng hậu đủ cả trung phong “vua chiến trường”, tiền vệ “cường kích”, hậu vệ “bê tông” và thủ môn “cánh cửa thép”.

Được đại hội đảng bộ tỉnh “thả phanh” bằng bất kỳ giá nào quyết tâm đưa đội Sông Ninh lên hạng A1, ông Cống nắm vững tư tưởng chỉ đạo của bí thư “Bằng bất cứ giá nào”, ông không ngần ngại ngã giá với trọng tài mua một quả đá phạt 11 mét.

Với kinh nghiệm 40 năm hoạt động của mình, ông Cống cũng chứng minh rằng tiền là tờ hóa đơn có thể mua được mọi thứ kể cả trọng tài, tiền là giấy thông hành có thể đi khắp nơi, kể cả vào chung kết.

Nhờ trọng tài nhận tiền, liên tục phá thế trận đội đối thủ, tạo quả phạt đền 11 mét cho Sông Ninh, mà đội Sông Ninh đã thắng đối thủ 1 - 0. “Quần chúng cứ việc la ó, một không vẫn cứ là một không”.

Đến trận chung kết với đội Tam Đảo, dù đã dàn xếp để đội Sông Ninh thắng, nhưng cuối cùng tỉ số vẫn hòa 1 - 1, cả hai đội Tam Đảo và Sông Ninh đều lên hạng A1. “Nhân dân Sông Ninh reo hò như hóa dại trước thắng lợi có một không hai của đội nhà”, có biết đâu hai đội đã dàn xếp mua bán trước đó.

Giờ phút lên nhận huy chương, ai cũng khóc. Ông Cống khóc vì đã làm hết sức (kể cả mọi thủ đoạn như mua trọng tài, mua đội đối phương) để đội bóng vào hạng A1 bằng được. Còn những người khác khóc vì đã đạt được mục đích: đội bóng lên hạng A1, ít nhất là trong một năm, tỉnh đỡ tốn một khoản tiền lớn nuôi đội bóng.

Thu Hiền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-ve-bong-da-trong-van-chuong-viet-post855966.html