Chuyện cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chia sẻ về sự ra đời của cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

“Không nên gọi tôi là ‘ông trùm’ hoa hậu”

Chúng tôi hẹn gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh chiều 7/5 tại nhà vườn ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ông đón chúng tôi trong trang phục áo sơ mi tối màu, quần âu và đôi dép lê – phong cách quen thuộc của ông.

Sau khi mời khách nước trà xanh, nhà thơ nhanh chóng thay bộ quần áo khác, khoác thêm áo com lê mặc dù hôm đó đúng ngày Hà Nội bước vào đợt nắng nóng. Chúng tôi e ngại và dè dặt đề xuất ông có thể không cần diện com lê khi bối cảnh ghi hình là ở ngoài trời và không có quạt điện. Nhưng nhà thơ nói có vài lần lên báo hay lên tivi có khán giả phàn nàn về trang phục. Chúng tôi chỉ còn cách cười và động viên ông “chịu khó”.

Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà thơ Dương Kỳ Anh nhắc: “Hãy gọi tôi là nhà thơ Dương Kỳ Anh, là người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam như báo Tiền Phong đã nhiều lần viết thế chứ đừng gọi tôi là “ông trùm” hoa hậu”.

Sau đó, ông bắt đầu vào câu chuyện về cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam với tên gọi là cuộc thi “Hoa hậu Hội báo Tiền phong”:

Trước khi làm báo, tôi là một người làm thơ. Tôi yêu cái đẹp và luôn ấp ủ sẽ làm cái gì đó để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cho đến một ngày, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tôi là phóng viên báo Tiền Phong, được cử đi công tác ở Sa Pa và được hai cô gái mời về nhà chơi. Bên bếp lửa hồng, tôi càng nhìn rõ vẻ đẹp của hai cô gái, nhất là cô em, rất đẹp. Khi chia tay, một cô gái đã đưa cho tôi tờ giấy trong đó có ghi câu ca dao: “Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”.

Khi ấy trong tôi bắt đầu trăn trở về vẻ đẹp của những cô gái ở những nơi xa xôi ít người biết đến.

Đêm đó, hình ảnh cô gái đẹp cứ hiện lên trong tôi. Tôi nghĩ cần có một cuộc thi để những cô gái trẻ đẹp được tôn vinh và nhiều người biết tới.

Một lần khác, tôi lên Đà Lạt vào thăm dinh Bảo Đại và tình cờ tháy bức ảnh Nam phương Hoa hậu. Và cũng biết bà từng là Hoa hậu Nam Kỳ Lục tỉnh. Lần đầu tiên trong đầu tôi xuất hiện hai chữ Hoa hậu.

Cho đến năm 1988, lần đầu tiên đại diện của châu Á - Hoa hậu Thái Lan đăng quang cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Truyền thông châu Á bùng nổ nhưng báo chí Việt Nam chưa thông tin về cuộc thi đó. Tuy nhiên, tôi đọc một tờ báo nước ngoài và rất ấn tượng với chi tiết tường thuật Thủ tướng Thái Lan đón Hoa hậu trở về sau cuộc thi. Ông đã nói một câu đại ý như: “Tôi đã đón nhiều bậc vua chúa, tổng thống nhưng chưa khi nào tôi run như đón hoa hậu trở về”.

Nhờ một người bạn ở Fafilm Việt Nam, tôi mượn được bộ phim về cuộc thi Hoa hậu thế giới năm đó mang về chiếu nội bộ cho lãnh đạo báo Tiền Phong xem, sau đó tôi đã cùng Ban Biên tập mở hai cuộc họp cơ quan lấy ý kiến về ý định tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong” và được nhiều người trong báo đồng tình.

Dịp kỷ niệm 35 năm thành lập báo Tiền Phong (16/11/1953-16/11/1988), Ban Biên tập quyết định tổ chức Hội báo Tiền Phong trong 4 ngày tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, trong đó dành một ngày tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong ở Nhà Văn hóa Thanh Niên (phố Tăng Bạt Hổ - Hà Nội )

Nhà thơ Dương Kỳ Anh trong một dịp hội ngộ Hoa hậu Bùi Bích Phương

Thí sinh sợ thi áo tắm

Tổ chức một thi nhan sắc lúc bấy giờ là điều chưa từng có tiền lệ ở nước Việt Nam thống nhất nên chúng tôi không xin phép ai cả. Cuộc thi được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên với khán phòng khoảng 1.000 chỗ, nhưng khán giả không biết bao nhiêu người vây kín hội trường để theo dõi.

Chúng tôi lường trước mọi việc và có nhờ một đơn vị công an và thêm một đơn vị công an vũ trang bảo vệ cuộc thi.

Hầu hết thí sinh dự thi là người Hà Nội. Một số thí sinh ở Huế, Đồng Nai, Tuyên Quang…

Chúng tôi cho các thí sinh và người trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo xem cuốn băng về cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 1988; đồng thời, cũng áp dụng nhiều tiêu chí và các phần thi của cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào cuộc thi của mình. Tuy nhiên, chúng tôi thêm phần thi trình diễn áo dài truyền thống để phù hợp với văn hóa dân tộc.

Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên, chúng tôi không đưa ra tiêu chí về chiều cao mà chủ yếu nhấn mạnh vào vẻ đẹp của gương mặt, sự cân đối, hài hòa về hình thể và kiến thức.

Cái khó nhất trong cuộc thi Hoa hậu đầu tiên chính là màn thi áo tắm. Không có một thí sinh nào dám bước ra thể hiện phần thi này. Sân khấu “chết” khoảng 10 phút, chỉ có tiếng nhạc xập xình mà không có thí sinh. Tôi đã phải chạy vào phía cánh gà nhờ một nữ ca sĩ hình như là Ái Vân thì phải, mặc áo tắm lấy tinh thần động viên các thí sinh.

Sau đó, người đầu tiên bước ra thể hiện phần thi Áo tắm chính là Bùi Bích Phương. Có thể nói, Áo tắm trở thành phần thi bùng nổ nhất trong cuộc thi năm ấy. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam thống nhất, người phụ nữ mặc áo tắm lên trình diễn trên sân khấu đâu phải chuyện dễ dàng.

Khi cuộc thi công bố kết quả và Bùi Bích Phương là người giành vương miện, chúng tôi nhờ xe cảnh sát “hộ tống” cô về nhà, dù nhà cô ở ngay phố Bà Triệu. Hàng nghìn người vây lấy Bích Phương, hàng trăm thanh niên theo cô về tới tận nhà, cả đêm hô vang tên Bích Phương. Cuộc thi gây chấn động giới truyền thông, dư luận trong nước và cả quốc tế.

Đỗ Quyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hoa-hau/chuyen-cuoc-thi-hoa-hau-dau-tien-o-nuoc-viet-nam-thong-nhat-1271803.tpo