Bế mạc Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 2017: - Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi loại bỏ những rào cản đối với thương mại, đầu tư

Sau 3 ngày làm việc, chiều 6-11, Hội nghị Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 4 đã bế mạc. Các thành viên đã đưa ra thông điệp đến các nền kinh tế thành viên trong khu vực và các nền kinh tế trên thế giới về một giai đoạn mới, giai đoạn tập trung phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập và kỷ nguyên số.

Sau 3 ngày làm việc, chiều 6-11, Hội nghị Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 4 đã bế mạc. Các thành viên đã đưa ra thông điệp đến các nền kinh tế thành viên trong khu vực và các nền kinh tế trên thế giới về một giai đoạn mới, giai đoạn tập trung phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập và kỷ nguyên số.

Các đại biểu chủ tọa buổi họp báo bế mạc kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC lần thứ 4.

Các đại biểu chủ tọa buổi họp báo bế mạc kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC lần thứ 4.

Tại buổi họp báo, các thành viên ABAC cho biết, với chủ đề của năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã dẫn dắt các đại biểu đi đến thống nhất các khuyến nghị tập trung vào những lợi ích của việc tự do hóa và phát triển thương mại dịch vụ cũng như giảm thiểu hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa khu vực APEC. ABAC kêu gọi các nhà lãnh đạo loại bỏ những rào cản đối với thương mại, đầu tư và kiên quyết chống lại xu hướng đi ngược lại toàn cầu hóa; Đẩy nhanh tiến trình phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, kêu gọi các nền kinh tế APEC có thêm các sáng kiến tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, các startup năng động và sáng tạo. ABAC kêu gọi APEC tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ và ủng hộ hơn nữa tinh thần kinh doanh của doanh nhân nữ, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số. Ngoài ra, ABAC kêu gọi APEC tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, đẩy mạnh tăng trưởng xanh trong APEC; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua ngành công nghiệp khai khoáng cũng như vấn đề về phát triển lực lượng lao động khỏe mạnh và có năng suất cao.

Các nhóm công tác của ABAC đã xây dựng 20 khuyến nghị để đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC, trong đó chỉ tập trung vào ba vấn đề cốt lõi có ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực, đó là đẩy mạnh liên kết trong khu vực, thứ hai đẩy mạnh đổi mới sáng tạo cũng như tập trung phát triển bền vững các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thứ ba là tập trung xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Ngoài ra, về lâu dài các thành viên ABAC cũng đề nghị lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đàm phán để có thể trở thành một khu vực mậu dịch tự do cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi về vai trò của Việt Nam trong ABAC, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 Hoàng Văn Dũng cho biết, năm 2017 Việt Nam là nước chủ nhà APEC nên Việt Nam đã chủ động đưa ra những chương trình để các thành viên ABAC cùng nhau xây dựng những lộ trình cũng như những khuyến nghị mang dấu ấn Việt Nam. “Chưa có lần nào mà Hội nghị ABAC đông đủ như hiện nay với gần 2.000 đại biểu DN trong và ngoài nước tham dự. Trong lịch sử 28 năm của APEC thì đây là lần đầu tiên các CEO quy tụ tại Việt Nam đông như vậy”, ông Dũng cho hay. Cũng theo ông Dũng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển, như: vị trí địa lý, nguồn nhân lực, ổn định về chính trí, tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay là thiếu chính sách để nuôi dưỡng DN phát triển, đặc biệt là DN tư nhân. Chỉ có DN tư nhân phát triển thì đất nước mới phát triển.

Điều đáng mừng là Việt Nam mới có Nghị quyết TW 5/NQ-TW - coi trọng vai trò của DN tư nhân. Trước đây chúng ta tập trung quá nhiều vào DN Nhà nước, bây giờ chúng ta mới nhận thức DN tư nhân là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế nhưng chúng ta thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách. Tuy vậy, tôi cũng mong rằng từ thay đổi tư duy đến hành động phải được rút ngắn một cách nhanh chóng để cho DN và nhân dân hưởng lợi.

Đề cập đến câu hỏi vai trò của ABAC như thế nào về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, tháng 5-2017, tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương với kiến nghị của cộng đồng DN, trong đó có DN APEC, các thành viên đã thống nhất nối lại bàn đàm phán TPP và kêu gọi 11 nền kinh tế thành viên thông qua, từ đó tạo động lực thúc đẩy các thành viên khác tham gia và hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia TPP. Các nền kinh tế thành viên cũng đề nghị Nhật Bản đứng đầu TPP.

Ông Dũng cho biết thêm, mỗi một Hiệp định thương mại đòi hỏi một loại giấy tờ, một loại thủ tục. Riêng trong khu vực APEC có đến 22 loại Hiệp định thương mại và 19 cái chuẩn bị ra đời. Nếu cứ làm như thế DN phải làm thủ tục rất tốn kém. Đặc biệt DN Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền, chưa có khả năng để thực hiện do đó, nếu bây giờ chỉ có một thủ tục thôi thì vô cùng thuận lợi.

“Mục tiêu khu vực APEC đến năm 2025 là hướng tới tự do hóa mậu dịch thương mại và đầu tư. Vì vậy, các thành viên ABAC khuyến nghị các thành viên APEC tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới, giảm thủ tục hành chính, giảm hàng rào thuế quan, giảm hàng rào bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thương mại và đầu tư dịch chuyển trong khu vực...”, ông Dũng cho hay.

XUÂN ĐƯƠNG – DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_175321_chuyen-cua-thanh-bui-ky-cuoi-nguoi-tiep-lua-cho-nhung-nghi-luc-vuon-len-.aspx