Chuyện của những người yêu Hội!

chọn làm công tác Hội, đã bước vào 'ngôi nhà chung' Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), hẳn ai cũng mang trong mình tình yêu với 'tổ ấm' này, chỉ có điều với mỗi người, 'tình yêu' ấy được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhân dịp Tết đến xuân về, Nhà báo và Công luận ghi lại những sắc thái của tình yêu ấy, cũng như hiểu thêm về những công việc, những nhiệm vụ lặng thầm và chẳng hề dễ dàng của những người làm công tác Hội.

Nhà báo Lê Văn Tòa - vẫn một niềm tin yêu

Trong câu chuyện với phóng viên về những kỷ niệm vui - buồn gắn bó với Hội, nhà báo Lê Văn Tòa, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, nguyên Chủ tịch HNB Lâm Đồng trải lòng: Mười năm trước, chỉ sau ít ngày về nhận nhiệm vụ Thường trực HNB tỉnh, tôi được tiếp đoàn công tác của HNBVN. Một vị khách mời tôi uống cạn kèm theo lời thán phục: “Ông là người dũng cảm”. Tôi ngẩn người, chưa kịp hiểu hàm ý của từ “dũng cảm” đó là gì, anh bạn này nói tiếp: Còn trẻ thế mà chấp nhận về Hội là dũng cảm, ông là người trẻ nhất trong tất cả lãnh đạo Thường trực Hội trong cả nước…

Quả thật, ngày đó, hơn 40 tuổi, lứa tuổi không còn trẻ nữa nhưng với công tác HNB thì có lẽ rất hiếm người ở tuổi đó được điều về làm công tác Hội. Thậm chí, đã có một thời gian rất dài, hễ ai mà điều động về chuyên trách công tác Hội thì coi như người đó đã “một đi không trở lại”; “đường về ôi xa tít mù khơi”. Tình trạng “xin, cho”; “xin” không về Hội và “cho” không về Hội diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có người còn nói, nếu buộc phải về Thường trực công tác Hội thì họ sẽ xin nghỉ... Thực tế đó, đã làm cho những người làm công tác chuyên trách Hội không khỏi buồn lòng....

Nhà báo Lê Văn Tòa

Nhưng vượt lên tất cả, ngay sau đó, tôi đã cật lực lao vào công việc, bởi tôi cho rằng chỉ có công việc mới tạo cho mình niềm vui, giúp cho mình thoát khỏi hoài niệm. Tôi đã bị cuốn vào hết việc này tới việc nọ, thậm chí nhiều lúc phải làm ngoài giờ, làm đêm nhất là những lúc Hội “vào vụ”… Rồi nhanh chóng tôi đã tìm thấy được nhiều niềm vui trong công việc!

Đặc biệt, trong các diễn đàn công tác Hội, dù ở góc nhìn nào tôi luôn chứng minh cho mọi người thấy rằng: HNB không phải là nơi hạ cánh hay là nơi giải quyết chính sách lao động; càng không thể coi Hội là cái túi “đựng” thành phần yếu kém đạo đức và năng lực... Hội phải là nơi rèn luyện cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, Hội phải được nhìn nhận, đối xử đúng tầm với vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, một nghề nghiệp rất đặc thù.

Và chúng tôi luôn tâm niệm: HNB là “mái nhà chung” của những người làm báo. Đã là mái nhà chung thì nó phải là nơi lui tới thường xuyên của anh em báo chí để mái nhà không hoang lạnh. Mà muốn được thế thì ngôi nhà ấy phải ấm nồng tình đồng nghiệp, phải có lối văn hóa ứng xử trải lòng, trải dạ… Hội là nơi rèn tâm, luyện bút cho người làm báo. Nơi luôn đề cao giá trị tinh thần, ở đó chỉ có mời gọi, chỉ bảo nhau trên cơ sở lấy cái tình, lấy đạo đức nghề nghiệp làm trọng, luôn hướng hoạt động tới hội viên, và vì thế nó không dành cho những người thụ động, thiếu sáng tạo…

Bên cạnh đó, HNB là con đẻ của mối lương duyên giữa Đảng bộ, chính quyền tỉnh và HNBVN. Nếu đứa con từ mối lương duyên này không biết cách để ràng buộc tình cảm của hai đấng sinh thành thì chắc chắn nó sẽ khẳng khiu, còi cọc, không thể phát triển… Tất cả những thứ đó là sự cố kết làm cho mái nhà chung của HNB vững chãi, ấm cúng, trong đó có vai trò quan trọng của lãnh đạo Hội chuyên trách…

NB Lê Văn Tòa đón nhận Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Đại hội lần thứ VII- HNB Lâm Đồng.

Và theo thời gian, tôi cùng các đồng nghiệp dần đưa HNB Lâm Đồng vượt qua khó khăn, không ngừng khẳng định được vai trò, vị trí và vị thế của mình trong lòng hội viên cũng như xã hội. Bên cạnh nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, song trên hết là niềm tin yêu đối với nơi mình đã gắn bó, cống hiến.

Hơn nhiệm kỳ qua, mặc dù đã chuyển sang làm công tác khác, nhưng với tư cách một hội viên HNBVN, nhà báo Lê Văn Tòa vẫn luôn hướng về Hội với tấm lòng nhiệt thành nhất. Vẫn tâm tư, trăn trở về những việc mà Hội chưa làm được và không ngại góp ý, hiến kế những quyết sách mới với mong muốn góp phần không ngừng nâng cao vị thế của Hội.

Nhà báo Hà Minh Đích - phải biết “đo” tâm trạng của hội viên

Khi đánh giá về hoạt động HNB ở một địa phương hay đơn vị nào đó, người ta thường hay nói: “Cán bộ nào phong trào ấy”, có lẽ với riêng Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi - Hà Minh Đích điều ấy là hoàn toàn chính xác. Mặc dù, ông luôn khẳng định “Một cây làm chẳng nên non”, sở dĩ HNB Quảng Ngãi có được chút ít thành công như hôm nay là nhờ công sức của rất nhiều người, trong đó phải kể đến Ban Chấp hành HNB tỉnh, một tập thể tâm huyết, biết làm và chịu làm.

Nhà báo Hà Minh Đích bày tỏ: Thú thật, lúc tham gia Ban Chấp hành (năm 2004) thấy cảnh “Ba không” tôi và các đồng nghiệp có hơi buồn, cảm thấy vô cùng day dứt bởi sự “hữu danh vô thực” của mình, nhưng không trách móc gì bởi hoạt động của Hội ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ còn mờ nhạt lắm. “Ba không” là do mình chứ có phải do ai đâu mà trách.

Nhà báo Hà Minh Đích

Tuy khó khăn là vậy, nhưng có lẽ do làm việc ở Đài huyện quá lâu (28 năm) nên khi chuyển sang công tác Hội tôi thấy háo hức lắm. Tôi thích công việc này. Tôi làm chuyên trách công tác Hội (từ năm 2006 với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực) không phải do “bị phân công” mà là sự lựa chọn tự nguyện, tất nhiên phải có lá phiếu tín nhiệm của hội viên. Nói vậy để thấy tôi không hề có tâm tư hay lăn tăn gì chuyện thăng tiến hay thu nhập. Đối với tôi được hội viên tín nhiệm, hội viên thương yêu là quý lắm rồi”. Chủ tịch HNB Quảng Ngãi, xúc động.

Và chuyện giải quyết “Ba không” là công sức của tập thể Ban Chấp hành khóa II, khóa III. Ông và các đồng nghiệp đã hứa trước toàn thể hội viên là sẽ chấm dứt “Ba không” nếu làm không xong thì xin rút lui để anh em khác làm! Quyết tâm là vậy nhưng cũng phải mất 3 năm mới đạt được mục tiêu đó.

NB Hà Minh Đích nhớ lại: Hồi ấy, khi làm việc với Ban Thường vụ HNB tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói rằng: “Hội kêu “Ba không”, lãnh đạo tỉnh đã giải quyết “Ba có”. Bây giờ trái bóng đang ở trong chân của Hội rồi đó, các anh đá sao thì đá!”. Tất nhiên, “thừa thắng xông lên” chúng tôi đã trình lãnh đạo tỉnh một kế hoạch “dài hơi” với tham vọng đưa hoạt động của Hội đi vào nền nếp. Khi được lãnh đạo tỉnh chấp thuận, chúng tôi bám vào kế hoạch này để xây dựng các đề án, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện…

Mỗi năm tích góp một ít thành quả, những hội viên trước đây bàng quan với tổ chức Hội nay đã tìm thấy lợi ích của mình. Vị thế của Hội trong giới báo chí được khẳng định và chừng mực nào đó đã có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Quảng Ngãi là tỉnh 10 năm liên tiếp có tác phẩm đoạt Giải BCQG, và điều này không phải ngẫu nhiên mà có… Biên chế và lao động ổn định, kinh phí ngân sách hỗ trợ hàng năm bảo đảm các hoạt động của Hội, mấy năm gần đây đều dao động ở mức gần là 2,5 tỷ đồng, cơ ngơi làm việc khá khang trang… Hội đã được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, HNBVN và tỉnh Quảng Ngãi trao tặng.

Bên cạnh những hoạt động Hội mang dấu ấn rõ nét, ngày 12/11/2016, HNB Quảng Ngãi đã có sáng kiến phát động chương trình “Ly cà phê 50 ngàn”, nhằm quyên góp kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho phóng viên, nhà báo - hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau phải điều trị dài ngày hoặc rủi ro tai nạn; những trường hợp được phản ánh qua các chuyên mục “Vòng tay nhân ái” trên Báo Quảng Ngãi và “Kết nối những tấm lòng” trên Đài PT-TH Quảng Ngãi. Sau hơn một năm hoạt động, hiệu quả từ chương trình giàu ý nghĩa này đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi Hà Minh Đích (bên phải) trao tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học từ Quỹ chương trình “Ly cà phê 50 ngàn”.

Tôi hỏi NB Hà Minh Đích: “Ông từng nói rằng đối với ông được hội viên tín nhiệm, thương yêu là quý lắm rồi, nhưng làm sao để biết điều này?”, NB Hà Minh Đích thẳng thắn: Khi Hội đưa ra công việc gì mà hội viên hưởng ứng, tham gia một cách hào hứng thì lúc ấy hội viên đang thương yêu mình, đang cần đến Hội. Còn một khi hội viên ngãng ra, bàng quan với công việc thì mình phải xem lại. Làm chuyên trách công tác Hội là phải biết “đo” tâm trạng của hội viên để luôn tìm ra giải pháp thúc đẩy công việc tiến triển.

Nếu cán bộ chuyên trách biết “sống chết” với nghề ắt sẽ nghĩ ra cách để có kinh phí, có cơ sở vật chất mà hoạt động. Tạo vị thế không thể nói suông mà phải bằng hành động. Trong công việc, chúng tôi luôn tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành nhưng không phải xin xỏ, tùy lụy. Để có điều kiện hoạt động, cán bộ Hội phải biết thuyết phục lãnh đạo địa phương bằng hiệu quả công việc. Tất nhiên phải chịu khó, biết “đeo bám”, không “dễ làm khó bỏ”…

Nhà báo Hồng Thư- giữ cho được sự “nồng ấm”…

Sau 32 năm làm phóng viên và kinh qua phó, trưởng phòng chuyên môn của Báo Vĩnh Long, năm 2010, nhà báo Hồng Thư được phân công về làm Phó Chủ tịch Thường trực HNB Vĩnh Long. “Thật sự, ban đầu khi biết được điều này, tôi rất đắn đo và không muốn nhận nhiệm vụ, vì vẫn còn mê nghề, muốn được tiếp tục đi và viết, hơn nữa xa rời một nơi mình đã từng gắn bó mấy mươi năm là điều không dễ chút nào! Nhưng vốn đã nhiều nhiệm kỳ tham gia BCH Hội Nhà báo tỉnh và làm thư ký Chi hội Báo, hiểu được phần nào công việc của Hội, tôi không thể từ chối nhiệm vụ mới”, Nhà báo Hồng Thư chia sẻ.

Chị cho biết: Điều thuận lợi tôi có được là BCH Hội và các thế hệ Thường trực Hội trước đây là những người có nghề, có tâm huyết với công tác Hội, đã xây dựng Hội trở thành mái nhà chung của những người làm báo trong tỉnh. Là người kế thừa, tôi nhận thấy trách nhiệm càng nặng nề hơn, đó là phải tiếp tục giữ cho mái nhà chung của Hội không chỉ nồng ấm mà còn phải tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần cùng các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.

Nhà báo Hồng Thư

Ý tưởng là như thế nhưng khi bắt tay vào công tác Hội quả thật không dễ chút nào. Do đó, càng đòi hỏi chúng tôi phải nghiên cứu đề ra kế hoạch hoạt động phù hợp và thậm chí không tự ái khi có một hoạt động nào đó ít hội viên tham gia. Bởi, có từng lúc kế hoạch của Hội trùng khớp với thời điểm hội viên, phóng viên phải đi công tác làm nhiệm vụ chuyên môn.

NB Hồng Thư cùng các nhà báo - hội viên trong một chuyến đi thực tế tại Khu Di tích Trung ương cục Miền Nam do HNB tỉnh Vĩnh Long tổ chức.

Tuy công việc của Hội đôi khi rất thầm lặng nhưng những người làm công tác Hội cũng giống như những nhà báo, phải luôn lắng nghe, quan sát và không ngừng suy nghĩ tìm từng chủ đề để tổ chức thực hiện. Có như thế, mới hiểu được các cơ quan báo chí và hội viên đang cần gì ở Hội?

Và từ hiệu quả của các việc đã làm được, vai trò, vị thế của HNB Vĩnh Long ngày càng được nâng lên, có tiếng nói và khẳng định uy tín nhất định đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng. Đặc biệt, 225 hội viên đã luôn hướng về “mái nhà chung ấm áp” là HNB Vĩnh Long.

Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng - 40 năm chưa giảm lửa nhiệt tình

Nhận mình là người có duyên với công tác Hội, ngoài 70 tuổi, nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng vẫn cần mẫn cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực HNB TP. Hà Nội. Gần 40 năm gắn bó với nghề báo, với công tác Hội, ông vẫn chưa hề giảm lửa nhiệt tình, đam mê.

Được biết, trước đó, hai khóa liền ông là Thư ký LCH nhà báo Đài PT-TH Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành HNB thành phố. Và khi vừa nghỉ công tác ở Đài, NB Viêm Hoàng đã được đề nghị về làm việc ở Văn phòng HNB Hà Nội.

Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng

“Thực ra, vào thời điểm đó, cũng có một hai đơn vị truyền thông ngỏ lời mời tôi về công tác. Nghĩ đi nghĩ lại, mấy chục năm làm công tác biên tập cũng đã nếm đủ mùi vất vả. Nhiều lúc về đến nhà ăn cơm vẫn còn nghĩ đến công việc ở Đài, sợ có gì sơ sẩy. Biên tập kỹ nhưng vẫn có thể sai ở những khâu thể hiện tiếp theo. Thôi, tốt nhất sang một lĩnh vực khác để có thêm một trải nghiệm mới. Thế là, tôi nhận lời về làm việc ở HNB Hà Nội với nhiệm vụ Ủy viên Thường trực. Đến nhiệm kỳ khóa V (2010-2015) được anh em bầu là Phó Chủ tịch Thường trực HNB Hà Nội”, NB Viêm Hoàng trải lòng.

Theo ông, công việc hàng năm của Hội có thể chia ra thành từng nhóm công việc. Nếu đã có kinh nghiệm và biết tổ chức sắp xếp thì cũng không vất vả lắm. Nhưng khó nhất trong công tác Hội là phải biết vận động, thuyết phục để các Chi hội và hội viên thực hiện đúng tiến độ đặt ra. Ngay những công việc “sát sườn”… tất cả đều được hướng dẫn - nhưng muốn thực hiện đúng tiến độ thì bộ phận văn phòng phải nhắc nhở thường xuyên liên tục và không được cáu. Cáu là hỏng việc!

“Nhắc đến điều này, bất chợt tôi lại nhớ tới lời NB Nguyễn Gia Quý - Nguyên Chủ tịch HNB TP. Hà Nội dặn khi tôi về làm ở Hội: Công việc ở Hội cần có sự thông cảm với anh em ở các Chi hội. Phải nhắc nhở và nhắc nhở, không “mệnh lệnh được đâu”…”, NB Viêm Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.

NB Viêm Hoàng động viên các VĐV nhà báo tại Hội khỏe HNB TP. Hà Nội mở rộng lần thứ 23 - năm 2017 .

Đặc biệt, thêm một ấn tượng về NB Viêm Hoàng là tại Đại hội HNB TP. Hà Nội lần thứ VI (nhiệm kỳ
2015-2020) ông được nghỉ vai trò lãnh đạo Hội và chỉ tham gia Ban Chấp hành. Song chỉ vài tháng sau, ông lại được mời về giúp đỡ Hội tiếp tục đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực HNB Hà Nội cho đến bây giờ (do lúc đó, Chủ tịch HNB TP. Hà Nội là NB Hồ Quang Lợi sang nhận nhiệm vụ mới - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN). Tôi muốn NB Viêm Hoàng chia sẻ thêm về điều này nhưng ông từ chối khéo, song tôi thầm hiểu, ông nhận lời ở lại Hội để cùng với các đồng nghiệp xây dựng “ngôi nhà chung” của những người làm báo Thủ đô luôn ấm áp cũng chỉ vì một chữ “Tình”!

Còn nhiều, còn nhiều nữa những tấm gương người làm công tác Hội trong cả nước tôi mong muốn được giới thiệu, tôn vinh, nhưng vì điều kiện nên đành xin hẹn những lần sau. Và họ chính là những cánh én đã và đang góp phần làm nên mùa Xuân của Hội!❏

❀ Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/chuyen-cua-nhung-nguoi-yeu-hoi-33477