Chuyện của những ngư dân Quảng Bình ăn Tết trên biển

Những chuyến đi biển nối tiếp nhau sau vài ngày vào bờ nghỉ. Nhưng chuyến biển cuối năm đặc biệt hơn, khi những ngư dân ra khơi 'xuyên' Tết âm lịch với mong muốn có những tàu thuyền đầy cá tôm, đón đầy 'lộc' biển cho một mùa đánh bắt bội thu.

Chuyến ra khơi đầy tâm trạng

Ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam gắn với phong tục đoàn viên, sum vầy nên nhiều người làm ăn xa thường về quê để ăn tết cùng gia đình. Nhưng đối với nhiều ngư dân đánh cá, vì mưu sinh nên họ phải xa gia đình, người thân để ăn Tết lênh đênh giữa biển khơi.

Một chủ tàu đang làm nghi lễ "thả tiền giấy" ở cửa biển Nhật Lệ trên chuyến ra khơi ngày cuối năm.

Một chủ tàu đang làm nghi lễ "thả tiền giấy" ở cửa biển Nhật Lệ trên chuyến ra khơi ngày cuối năm.

Những ngày cuối năm, chị Lại Thị Liễu (thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) tất bật dọn dẹp nhà cửa và mua sắm chuẩn bị cho gia đình ăn Tết sớm. Trong khi đó, chồng chị anh Hoàng Quang Tình sửa sang ngư lưới cụ, tiếp đá, nhiên liệu và lương thực, thực phẩm cho chuyến biển “xuyên” Tết nguyên đán.

Anh Tình (chủ tàu cá QB-91152.TS) cho biết, với ngư dân đánh cá, đánh ghẹ thì chuyến biển ra khơi vào cuối năm Âm lịch, đánh bắt trong những ngày Tết, cập bờ vào đầu năm mới có ý nghĩa quan trọng. Chuyến đi thắng lợi thì dự báo trong cả năm ra khơi sẽ thuận buồm xuôi gió, đánh bắt sẽ được nhiều hải sản.

“Ngày trước khi lần đầu tiên đón năm mới trên biển, tôi cũng nhớ nhà và thèm được đi chơi Xuân; nhưng rồi nhịp công việc lại cuốn mình vào không có thời gian để nhớ nhà nữa. Chỉ có tối trước khi ngủ, mở điện thoại ra xem hình người thân và thầm cầu cho mọi người một năm bình an, mạnh khỏe” – anh Tình kể lại.

Ngư dân xã Bảo Ninh đánh bắt hải sản trên biển...

“Tết ai cũng muốn được ở bên gia đình, nhưng chúng tôi lại ra khơi cũng buồn lắm. Vợ con ở nhà vắng bóng mình Tết cũng không trọn vẹn. Nhưng vì cuộc sống, nên anh em bạn thuyền cũng động viên nhau. Trước khi đi chuyến cuối năm, tâm trạng khác với những chuyến biển hàng ngày nhiều, cũng tâm trạng lắm”.

Theo anh Tình, thời khắc Giao thừa, anh em cũng tổ chức đón năm mới trên tàu cá. Bánh chưng, mứt tết, bia, kẹo… được các thuyền viên trải ra trên sàn tàu cùng ăn uống hát hò. Thời điểm này, qua màn hình máy định vị và bộ đàm, thuyền viên các tàu cùng gửi lời chúc mừng năm mới cho các tàu đang đánh bắt trên biển và về với gia đình trong bờ.

Vì cuộc sống mưu sinh

Có nhiều lần ăn Tết trên biển, ông Lại Thế Ngọc (ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh) cho biết, cảm xúc đi biển ngày Tết không năm nào giống năm nào.

Ngoài nỗi nhớ nhà thì mỗi người sẽ có những cung bậc và hoàn cảnh gia đình khác nhau, trong đó vắng những lần đi mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Những thuyền viên trẻ thì không được tham dự họp lớp, gặp bạn bè ở xa về quê…

Chuyến đi biển "xuyên Tết" cầu mong trúng "lộc biển" cho một năm ra khơi đánh bắt hải sản được thuận buồm, xuôi gió.

“Dân đi biển thì nghiệp cha truyền con nối, nên người trẻ hay người lớn tuổi dù ăn Tết trên biển cũng quen dần. Vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều gia đình có người đang đi biển xem như không có Tết, bởi trong nhà mua sắm đủ đầy nhưng không khí ăn Tết trong gia đình không trọn vẹn” – ông Ngọc chia sẻ.

Theo anh Hoàng Diên (lái tàu QB-91152.TS) thì Tết trên biển chỉ mang tính "thủ tục", bởi ngoài ít giờ Giao thừa xong là xem như qua năm mới và công việc cứ thế lại ập đến. Bởi con thuyền thì cứ chạy theo từng đàn cá, mà các thuyền viên vào guồng quay của công việc, nên Tết chỉ ở trong tâm trạng, trong nỗi lòng từng người mà thôi.

“Sau giây phút Giao thừa, anh em tập trung tiệc tùng, hát hò. Còn sáng mùng 1, có khi ngay trong đêm thì đã lại bắt đầu công việc đánh bắt rồi. Ngày trước, các tàu trong đội đánh bắt ngày Tết thường hay tụ tập quây quần lại trên con tàu to nhất để cùng vui, nhưng giờ thì cũng ít rồi. Ngày đầu năm mới, nếu tàu nào mà thả lưới trúng luồng cá lớn là trúng “lộc” thì dự cả năm sẽ may mắn rồi” – anh Diên nói.

Nhiều ngư dân Quảng Bình cho biết thêm, dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều ngư dân không ra khơi, nên những chuyến biển "xuyên Tết" sẽ đưa hải sản vào bờ vào giữa tháng Giêng, sẽ bán được giá cả cao hơn. Trong đó, lượng hải sản được thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng, vì lượng tàu cá bên đó cũng 'nằm bờ" ăn Tết nhiều.

Thanh Hà

Từ khóa: "lộc biển" xã Bảo Ninh Ngư dân Hoàng Quang Tình thôn Trung Bính họp lớp mừng thọ tết Nguyên Đán

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chuyen-cua-nhung-ngu-dan-quang-binh-an-tet-tren-bien-post329695.info