Chuyện của người đàn ông làm đến phồng tay vẫn không muốn nghỉ

Từ bé chỉ biết cái cuốc, con dao, phát nương làm rẫy nên từ khi về đội cơ khí cải tạo lao động, Giàng A Dinh, SN 1978 ở Mộc Châu, Sơn La thích lắm. Tự tay mài những lá côn xe máy, Dinh cảm thấy tự tin về khả năng của mình, nhiều lúc mải mê làm đến khi đôi tay phồng rộp, rách da, rớm máu nhưng vẫn giấu cán bộ để được làm tiếp.

Nói về Dinh, phạm nhân trong tổ cơ khí do mình phụ trách, quản giáo Đỗ Thế Tuân ở trại giam Suối Hai bảo Dinh thì nhiều chuyện lắm, thậm chí có câu chuyện đã trở thành giai thoại, ai nghe cũng ôm bụng cười lăn. Bản chất của phạm nhân này là thật thà, nhiều khi thật đến tội nghiệp mà điển hình là chuyện đôi tay của anh ta phồng đến chảy máu vì đi lao động.

Chuyện xảy ra cách đây đã 2 năm, khi đó Dinh đúng là ngu ngơ như nhà quê xuống phố, được chuyển từ trại tạm giam CA tỉnh Điện Biên về trại giam Suối Hai cải tạo bản án tù 7 năm về tội tàng trữ ma túy. Được đưa về đội cơ khí của Trung úy Tuân, cải tạo lao động, Dinh cứ “mắt tròn, mắt dẹt”, ngẩn ngơ, lạ lẫm trước những cái máy chạy sè sè, thở ra khói xanh, khói đỏ. Là dân tộc Mường chính hiệu, từ bé đến lớn chỉ biết cái cuốc, con dao đi nương làm rẫy, đi bộ là chính chứ đã lần nào được ngồi lên chiếc xe máy bao giờ đâu mà biết “con ngựa sắt biết uống xăng, chạy nhanh hơn ngựa” ấy có những bộ phận gì. Thế nên khi được giao nhiệm vụ mài lá côn xe máy, Dinh cứ mân mê miếng sắt một bên đã dán phụ kiện, cảm nhận cái lạnh ngắt của lớp thép mỏng, lạ lẫm. Ngày đầu học việc, Dinh chỉ cầm lá côn lên nghiêng ngó rồi nhìn phạm nhân khác làm, không dám thử vì sợ “cái ánh lửa bắn ra ấy liếm vào tay mình”. Một tuần trôi qua như thế, Dinh vẫn chỉ ngồi, xem và né khi ánh lửa bắn ra, chưa một lần dám thử làm.

Phạm nhân Giàng A Dinh đang cải tạo lao động ở đội cơ khí. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Giàng A Dinh đang cải tạo lao động ở đội cơ khí. Ảnh: N.Vũ

Đội cơ khí của anh Tuân có 47 phạm nhân, là người ở nhiều tỉnh phía Bắc song đa số là dân Hà Nội nên mặt bằng dân trí cũng tương đối hài hòa với công việc đảm nhiệm là sản xuất lá côn, má phanh xe máy, tay phanh và bộ phận đèo hàng. Nhiều phạm nhân mới về đội của anh, ngày đầu học việc cũng vấp váp nhưng chỉ là một, hai tuần sau, dưới sự dìu dắt của cán bộ kỹ thuật là có thể tự tay làm ra sản phẩm, vài tháng sau là làm việc thành thạo , vượt mức khoán đề ra. Riêng có Dinh là trường hợp cá biệt, học đã lâu mà còn nhát đến độ mãi không dám thao tác.

Theo lời quản giáo Tuân thì những phạm nhân được đưa về đội cơ khí của anh cải tạo đều được rà soát rất kỹ. Thứ nhất là về trình độ văn hóa đều học hành ít nhất là hết lớp 7, mới phạm tội lần đầu, nhanh nhẹn và tự giác, không quấy phá, chống đối. “Đặc thù công việc ở đội tôi là máy móc, sắt thép, vật dụng nào cũng có thể trở thành vũ khí nếu xảy ra đánh nhau thế nên phạm nhân đưa về đây cải tạo lao động phải được lựa chọn kỹ càng như thế vừa đảm bản an toàn cho trại, phạm nhân và cả cán bộ”, anh Tuân cho biết.

Đa số các phạm nhân về đây đều chưa một lần làm cơ khí, đều phải học việc nhưng chỉ có phạm nhân Dinh là khác người. Dinh cũng có trình độ văn hóa hết lớp 7, cũng phạm tội lần đầu và thật thà, chấp hành tốt nội quy, chỉ mỗi tội là anh ta quá nhát. Thấy phạm nhân này mấy tuần liền chỉ ngồi nhìn không dám thao tác, anh Tuân bảo: “Thôi anh không làm được thì để tôi báo cáo Ban, đưa sang đội khác làm việc cho phù hợp nhé”, Dinh sững người một giây rồi đáp: “Cán bộ thông cảm cho em, từ bé đến giờ em mới được nhìn thấy cái máy, thấy nó hay quá, cứ thổi ra lửa xanh lửa đỏ mà chẳng biết từ đâu. Cán bộ đừng đuổi em đi, cho em ngắm nốt hôm nay rồi mai em sẽ làm”.

Câu nói thật thà đến ngô nghê của Dinh khiến quản giáo Tuân thấy anh ta thật tội nên đồng ý cho ngồi xem thêm hôm nữa. Hôm sau đến nhận việc, Dinh hào hứng lắm, không còn rụt rè như mấy hôm trước. Anh ta mạnh dạn cầm một chiếc lá côn, dùng kìm kẹp rồi từ từ đưa vào máy mài. Một chiếc chưa đạt tiêu chuẩn phải bỏ đi, chiếc thứ hai rồi chiếc thứ ba cũng thế nhưng Dinh vẫn không nản. Quản giáo Tuân trực tiếp ngồi xem Dinh làm, vừa chỉ bảo vừa kiểm tra, động viên. Đến chiếc thứ 10 thì Dinh đã làm thành thạo. Hôm đó ai cũng thấy lạ là chẳng hiểu làm sao, Dinh lại không mang phần cơm của mình ra ngồi chung với mọi người để vừa ăn vừa trò chuyện mà lại chén hết xuất cơm ngay tại chỗ làm. Chỉ đến buổi chiều, mọi người mới biết nguyên nhân khiến Dinh khác lạ là vì hôm đó thích quá nên Dinh cứ thế cắm cúi làm đến khi đôi tay phồng rộm, đau rát mới biết. Sợ mọi người báo cáo cán bộ, Dinh quyết định không ngồi ăn chung.

Dinh là con út trong một gia đình có 4 anh chị em nhưng do bố nghiện ma túy nặng nên anh ta thi thoảng lại cùng bố vượt biên sang Lào mua ma túy. Từ đó mà Dinh nghiện khi mới học lớp 3. Cuối năm 2008, Dinh lên Mường Chà, Điện Biên ăn giỗ và có mua 1kg lạng thuốc phiện, trên đường quay về nhà thì bị bắt giữ. Với số thuốc phiện trên, Dinh bị kết án 17 năm tù giam.

Đã 2 năm kể từ ngày về trại giam Suối Hai cải tạo, Dinh chưa một lần được người nhà tới thăm, thư từ cũng không có. Theo quản giáo Tuân thì Dinh là trường hợp có hoàn cảnh nhất trong đội nên mỗi tháng anh lại tạo điều kiện để phạm nhân này có thêm thùng mì tôm cho bằng bạn bằng bè.

“Phạm nhân trong đội đa số là người Hà Nội nên người nào ít cũng một năm vài lần được người nhà lên thăm nuôi. Thấy hoàn cảnh của Dinh thế nên tôi thường nói với đơn vị ký hợp đồng sản xuất, mỗi tháng cho thêm ít thực phẩm để phát cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, gọi là động viên họ cải tạo”, Trung úy Tuân cho biết. Theo lời anh Tuân thì bây giờ Dinh đã là thợ cứng trong đội, luôn vượt chỉ tiêu đăng ký.

“Mỗi ngày em làm được 60kg má côn, thừa kế hoạch được giao. Em muốn làm cái này lắm nhưng chắc về nhà chẳng có để làm đâu, thế nên giờ được làm thì cố làm thôi”, Dinh khoe. Anh ta bảo sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để năm nào cũng được giảm án, sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-cua-nguoi-dan-ong-lam-den-phong-tay-van-khong-muon-nghi-141274.html