Chuyện cũ - chuyện mới: Bia hay la-ve?

Thỉnh thoảng có việc gì đó vui mừng, các ông rủ nhau đi ra quán “làm vài ve”, tức là rủ nhau đi uống bia. Thời “thổi nồng độ cồn” này, đi “làm vài ve” là phải lưu ý lắm chuyện, nếu không muốn vơi hầu bao! Tốt nhất là đi xe taxi hay xe ôm đến quán và về nhà.

Bia 33 Export và Larue trái thơm trên thị trường Việt Nam trước năm 1975

Bia 33 Export và Larue trái thơm trên thị trường Việt Nam trước năm 1975

Chữ “ve” ở đây được hiểu là “chai”, xuất phát từ tiếng Pháp là “verre”, nghĩa là thủy tinh, chai thủy tinh. Nhưng thời gian trước khi nước nhà thống nhất, ở miền Nam người ta đã dùng thông dụng tiếng “la ve” thay cho “bia”. La ve ở đây không liên quan gì đến “ve” ngày nay.

Hồi đó ở miền Nam chỉ có một hãng sản xuất bia là Hãng BGI. BGI là chữ viết tắt của những chữ Brasseries (hãng nấu bia) Glacìeres (hãng nước đá) d’Indochine (Đông Dương). Đây là hãng sản xuất bia và nước đá do một viên cựu sĩ quan hải quân Pháp tên là Victor LaRue sáng lập từ năm 1875. Ở Sài Gòn, có 2 nhà máy sản xuất bia BGI tại Chợ Lớn và đường Hai Bà Trưng. Sau năm 1954, hãng đổi tên thành Brasseries Glacìere d’Internationales do không còn tên gọi Đông Dương nữa (vẫn viết tắt là BGI). Hãng có các đề bô (Depot) là đại lý ở các tỉnh mà xe của hãng chở đến tận nơi giao hàng.

Hãng BGI sản xuất 2 loại chai bia có dung tích 0,66l và 0,33l. Loại 0,33l (Bìere 33 Export) còn gọi là “bia 33” hay “la ve băm ba”. Loại 0,66l (Bìere LaRue) thì có nhãn quân tiếp vụ cho quân đội và nhãn con cọp cho dân. Do trên vỏ chai có in dòng chữ Biere Larue, nghĩa là “bia của hãng ông chủ tên Larue” nên chữ Bìere được đọc là “bia”, còn chữ “Larue” đọc là “la ruy”, người miền Nam đọc gộp thành “La de” viết ra là “la ve” cho dễ dàng hơn.

Nhãn bia 33 có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1909, là tiền thân của bia 333 ngày nay

Năm 1973, Hãng BGI muốn đổi qua nhãn mới nên cho vẽ thêm hai bên đầu con cọp hai chùm bông houblon - là nguyên liệu sản xuất bia. Do họa sĩ người Việt không biết bông houblon tươi thế nào nên dựa vào bông khô mà vẽ chùm dây leo với “bông” hình tròn có khía, thoạt nhìn giống trái thơm. Người duyệt mẫu cũng là người Việt đã thông qua mẫu vẽ.

Tới khi 100 ngàn vỏ chai kiểu mới sản xuất loạt đầu được ra lò, các kỹ sư người Pháp mới phát hiện bông houblon bị vẽ sai thì đã lỡ. Hãng vẫn cho đóng chai và trộn vào mỗi thùng một chai nhãn mới. Những đại lý người Hoa ở Sài Gòn nhân cơ hội này tung tin là la ve trái thơm uống ngon hơn loại con cọp cũ để dễ tiêu thụ hàng. Các đại lý khác tuyên truyền theo và tiêu chuẩn mỗi thùng bia một chai trái thơm bị phá vỡ: nếu tăng giá chút đỉnh thì mỗi thùng có thể có 2, 3 chai, thậm chí cả thùng đều là bia trái thơm! Có điều lạ là tuy cùng một loại bia và chỉ khác loại vỏ chai, nhưng người tiêu dùng khi uống bia trái thơm vẫn khen... ngon!

Sau đợt đầu tiên, các vỏ chai được trả về hãng và được trộn chung 2 loại cũ, mới khi vô nước, được vô thùng ngẫu nhiên. Nhưng người tiêu dùng đã có thói quen “uống bia trái thơm” mới ngon nên cứ đòi mua loại có vỏ chai “trái thơm”. Họ vẫn khen bia “trái thơm” ngon hơn bia “con cọp”!. Thế mới biết khẩu vị ăn uống còn có cả yếu tố tâm lý trong đó!

***

Ngày nay trên thị trường nước ta có đủ loại bia khác nhau được sản xuất. Hãng BGI có thời gian lui về Tiền Giang sau không thành công phải đóng cửa. Nhiều tỉnh cũng sản xuất bia mang nhãn hiệu địa phương và quảng cáo rầm rộ. Hà Nội có bia hơi Hà Nội, bia Hà Nội, bia Trúc Bạch…; Huế có bia Huda; Sài Gòn có bia Sài Gòn Special, Sài Gòn Export, Sài Gòn Lague... Mỗi hãng cũng cho ra nhiều chủng loại với độ cồn và hình thức khác nhau như: chai thủy tinh, lon thiếc… Có nơi còn đổ bia với dung lượng 3,4 lít vào “lon khủng” hay vào giấy chuyên dùng bỏ trong các thùng rượu gỗ là hàng mỹ nghệ lưu niệm.

Nhãn hiệu bia Larue“trái thơm”của BGI

Các hãng bia ngoại cũng tràn vào Việt Nam. Cuối thời bao cấp thị trường bia Việt Nam xuất hiện bia Vạn Lực của Trung Quốc, làm mưa làm gió một thời gian thì biến mất hẳn. Bia Tiger vốn có ở Singapore khi chưa độc lập từ năm 1931, là sản phẩm của Công ty TNHH Nhà máy Bia Malaysia. Đến năm 1990 thì lấy tên là Tiger. Bia Heineken có công ty mẹ ở Amsterdam, Hà Lan, thành lập từ năm 1864, đến nay đã có mặt ở khoảng 170 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nơi sản xuất bia Heineken là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, với sự nhượng quyền và kiểm soát chất lượng của công ty mẹ. Ngoài ra, còn bia Đức Paderborner, bia Tiệp Lobkowicz, bia Nhật Sapporo, bia Tây Ban Nha San Miguel, Red Horse sản xuất tại Philippines, bia Corona của Mexico…

***

Uống bia có lợi ích gì? Ngoài việc giải khát, bia vào cơ thể còn có tác dụng kích thích sự ăn uống, tiêu hóa, làm tăng nhịp tim, tăng lưu thông máu, tăng HDL cholesterol tốt cho thành mạch máu (không phải loại DL cholesterol gây xơ cứng mạch máu).

Dĩ nhiên là những lợi ích của việc uống bia chỉ có khi uống với liều lượng vừa phải (khoảng 1 chai, 1 lon), chứ khi bia được dùng để “nhậu”, các bợm nhậu đưa vào cơ thể hàng chục “ve” thì chỉ có tác hại cho sức khỏe.

Không biết có ai uống “sưu tầm” được tất cả các loại bia đang có mặt trên thị trường Việt Nam hay chưa? Kỷ lục Guinness đang chờ ghi danh “dị nhân” này!

Nguyễn Thái Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202201/chuyen-cu-chuyen-moi-bia-hay-la-ve-3097897/